Trang chủ » VNR500 & FAST500 » DN bi quan về kinh tế 2012

DN bi quan về kinh tế 2012

Tác giả:

Tuy tiếp tục có kế hoạch mở rộng kinh doanh đầy tham vọng, các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam – doanh nghiệp Fast500- nhìn nhận khá bi quan vào triển vọng phục hồi của kinh tế Việt Nam trong năm nay.

Niềm tin suy giảm

Trong khuôn khổ Buổi lễ công bố và tôn vinh 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam vào ngày 10/4/2012 vừa qua, khảo sát của Vietnam Report đối với các doanh nghiệp dự cho thấy niềm tin của các doanh nghiệp tăng trưởng về triển vọng kinh tế và kinh doanh tại Việt Nam năm 2012 là rất thấp. Đây là một vấn đề đáng lưu tâm đối với các nhà lập chính sách và quản lý kinh tế vĩ mô, bởi các chính sách kích thích kinh tế sẽ có độ trễ đáng kể nếu như không nhận được sự hưởng ứng và niềm tin từ khối doanh nghiệp.

Có tới 87% số doanh nghiệp đưa ra dự đoán lạm phát năm 2012 sẽ ở mức cao trên 2 con số, trong đó 10% doanh nghiệp cho rằng lạm phát sẽ bằng hoặc cao hơn mức 18,58% của năm 2011. Các doanh nghiệp tăng trưởng cũng tỏ ra không mấy lạc quan với khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam, khi hơn 76% doanh nghiệp nhận định kinh tế đang có chiều hướng xấu đi hoặc sẽ tiếp tục duy trì không khí ảm đạm như năm 2011, trong khi chỉ có khoảng 23% doanh nghiệp tin tưởng vào triển vọng hồi phục kinh tế trong năm nay.

Biểu đồ 1: Nhận định của doanh nghiệp về tình hình kinh tế Việt Nam trong các tháng cuối năm 2012

Xét về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, các doanh nghiệp cùng có chung nhận định, 3 yếu tố có ảnh hưởng nhất tới hoạt động sản xuất- kinh doanh trong thời gian qua bao gồm: sự bất ổn kinh tế, khó khăn trong việc huy động vốn, và sự suy giảm trong nhu cầu tiêu dùng.

Biểu đồ 2: Nhận định của doanh nghiệp về những yếu tố ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh trong năm 2012

Khoảng 50% số doanh nghiệp được hỏi cho biết, khó khăn trong việc huy động vốn là yếu tố có ảnh hưởng chính yếu tới hoạt động kinh doanh năm 2012, trong đó 75% số doanh nghiệp vẫn giữ vững quan điểm, ngân hàng là kênh huy động vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh khả thi hơn cả so với những kênh huy động vốn gián tiếp khác như thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nguồn vay từ nước ngoài…

Điểm sáng trong nhận định của các doanh nghiệp tăng trưởng là các doanh nghiệp này có lòng tin cao vào khả năng kìm giữ ổn định tỷ giá ngoại hối – vấn đề nhức đầu của nhiều doanh nghiệp trong giai đoạn 2010 -2011. Chỉ có chưa tới 7% doanh nghiệp lo ngại về biến độ tỷ giá quá mức trong 2012.

Có thể thấy, mặc dù bi quan trước viễn cảnh phục hồi của nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, nhưng các doanh nghiệp vẫn hy vọng và tin tưởng vào những chuyển biến tích cực trong chính sách quản lý tài chính từ phía Chính phủ, trong thời gian đó, giải pháp “tự thân vận động”, tự điều chỉnh, tự cân đối tài chính được nhiều doanh nghiệp ưu tiên thực hiện.

Định hướng kinh doanh năm 2012, doanh nghiệp đã vượt qua đáy khó khăn?

Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp tăng trưởng, thực tế kinh doanh quý 1/2012 đang có dấu hiệu sáng sủa hơn so với cùng kỳ năm 2011. Có tới 66,6% ý kiến trả lời cho rằng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong quý 1 năm 2012 đã không xấu đi và 20% cho rằng kinh doanh của doanh nghiệp đang tốt lên. Chỉ có 13,3% doanh nghiệp có tình hình kinh doanh đi xuống trong quý 1/2012.

Số liệu tích cực này giải thích tại sao chỉ có 3% doanh nghiệp cho rằng triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp là xấu trong năm 2012. Tuyệt đại đa doanh nghiệp FAST500 (trên 95%) cho rằng trong những tháng còn lại của năm 2012, tình hình kinh doanh của doanh  nghiệp vẫn bình thường, hoặc sẽ được cải thiện. Dường như ở cấp vi mô, sự linh hoạt và mềm dẻo của các doanh nghiệp đã giúp các doanh nghiệp vượt qua đáy khó khăn.

Kết quả khảo sát trên cũng tương thích với những nhận định trước đây của Vietnam Report khi thống kê dữ liệu Bảng xếp hạng Fast500 năm 2011 (Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2011). Sự đột phá của nhóm các doanh nghiệp tư nhân cả về số lượng và tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR) là minh chứng rõ ràng cho thấy, không nhất thiết phải có quy mô lớn hay là “con cưng” mới có thể bám trụ lại thương trường, mà dựa vào uy tín với khách hàng và bạn hàng, luôn chủ động và linh hoạt trong kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ cũng có thể làm ra lãi lớn.