Trang chủ » VNR500 & FAST500 » Tái cơ cấu kinh tế và lòng yêu nước của doanh nghiệp lớn

Tái cơ cấu kinh tế và lòng yêu nước của doanh nghiệp lớn

Tác giả:

Đây là cơ hội quan trọng để các doanh nghiệp lớn Việt Nam thể hiện trách nhiệm công dân, lòng yêu nước, và quyết tâm chấp nhận thay đổi, hy sinh lợi ích ngắn hạn của doanh nghiệp, qua đó ủng hộ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Tái cơ cấu kinh tế: 8/12 giải pháp có tính khả thi rất thấp

Ngày 03/7/2012, Công ty Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố báo cáo thường kỳ (VNR Quaterly Report) số 16. Tại báo cáo này, qua khảo sát khu vực doanh nghiệp, Vietnam Report nhận định rằng 12 nhóm giải pháp tái cơ cấu đã nêu trong Đề án tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam (đã trình và thảo luận tại Quốc hội) là rất cần thiết, và cơ bản đáp ứng ứng đúng những nhu cầu tái cơ cấu nền kinh tế hiện nay. Đã đến lúc không nên chờ đợi hơn nữa trong việc thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế.

Do vậy, vấn đề quan trọng không phải là bàn bạc hay tinh chỉnh từng nhóm giải pháp, mà câu hỏi đặt ra là tính khả thi và thực tiễn của các giải pháp này. Liệu có đủ quyết tâm và nguồn lực để thực thi các giải pháp này hay không, khi những giải pháp này có tiềm năng gây hại trong ngắn hạn cho một số đối tượng nhất định, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn và độc quyền?

Theo đánh giá sơ bộ của Vietnam Report, với cơ chế và động lực thực hiện chính sách như hiện nay, một số nhóm giải pháp được nêu ra trong Đề án tái cơ cấu có tính khả thi rất thấp trong giai đoạn 2012-2015.

Cụ thể, trong số 12 nhóm giải pháp được khuyến nghị tại Đề án tái cơ cấu kinh tế, có 4 nhóm giải pháp có tính khả thi cao, 3 nhóm giải pháp khó thực hiện, và 5 nhóm giải pháp có tính khả thi thấp. Đặc biệt, những nhóm giải pháp quan trọng như “nâng cao chất lượng quy hoạch”, “phát triển các cụm sản xuất liên ngành”, “phát huy lợi thế kinh tế của vùng”, “phát triển khoa học, công nghệ” có tính khả thi rất thấp do thiếu nguồn lực và giải pháp chi tiết để thực hiện. Do vậy, để những giải pháp trên đi vào cuộc sống, cần có những cơ chế, chính sách và nguồn lực mang tính đột phá để thực hiện những giải pháp này.

Dựa trên việc phân tích 12 nhóm giải pháp về đề án tái cơ cấu, VietNam Report đã dự đoán tác động của các nhóm giải pháp này đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn trong giai đoạn 2012 đến 2014 nếu đề án được Quốc hội thông qua, bao gồm 2 tác động chính. Thứ nhất, trong bối cảnh tái cơ cấu, nhiều khả năng Chính phủ tiếp tục thắt chặt chính sách tài khóa và tiền tệ, khiến cho dòng tiền tiếp tục thu hẹp trong giai đoạn 2012-2014. Thứ hai, việc đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, tạo ra một môi trường kinh doanh cạnh tranh và minh bạch hơn, nhưng sẽ gây áp lực suy giảm ngắn hạn cho thị trường chứng khoán.

Trách nhiệm công dân của doanh nghiệp lớn thể hiện ở đâu?

Trong bối cảnh đó, sự ủng hộ của các doanh nghiệp lớn có vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Ngoài vai trò kinh tế, các doanh nghiệp lớn có vai trò không thể phủ nhận trong các vấn đề chính trị và xã hội. Không chỉ tập trung vào phát triển hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp lớn phải có “tinh thần công dân” và trách nhiệm xã hội tương xứng với quy mô kinh tế của mình. Theo điều tra “CEOs as public leaders” của hãng tư vấn McKinsey, có tới trên một nửa số lãnh đạo doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ cho rằng các doanh nghiệp này đang tác động lớn tới việc giải quyết những vấn đề xã hội như giáo dục, y tế và chính sách ngoại giao. Các doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ tác động đáng kể tới sức khỏe của nền kinh tế, luật lệ trong ngành doanh nghiệp hoạt động, hệ thống cung cấp năng lượng, chính sách đối ngoại và chính sách thương mại.

Tại Việt Nam, đang có những tiếng nói trái chiều từ các doanh nghiệp lớn đối với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Đặc biệt đáng ngại là những đòi hỏi từ phía các doanh nghiệp về gói cứu trợ cho thị trường bất động sản hoặc cứu trợ cho các khoản nợ xấu của ngân hàng. Những đòi hỏi phi thị trường như vậy có tiềm năng quay ngược hoặc làm chậm lại quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tiếp tục kéo lùi nền kinh tế vào mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư dàn trải và đầu cơ rộng khắp không bền vững. Đó là chưa kể tới những động thái ngược chiều của các ông lớn doanh nghiệp nhà nước, đang tỏ ra quá chậm chạp trong quá trình cổ phần hóa và lưỡng lự trong việc rời bỏ vị thế độc quyền trên thị trường.

Tại Hội nghị Vietnam CEO Summit năm 2012, lãnh đạo của các doanh nghiệp lớn nhất và xuất sắc nhất Việt Nam (doanh nghiệp VNR500 và doanh nghiệp FAST500) sẽ có cơ hội bàn bạc, thảo luận và thậm chí biểu quyết về những vấn đề doanh nghiệp lớn quan tâm, bao gồm quan điểm của cộng đồng doanh nghiệp lớn về những tác động tích cực và tiêu cực của tái cơ cấu kinh tế đối với doanh nghiệp lớn. Liệu doanh nghiệp lớn có ủng hộ tái cơ cấu kinh tế nếu quá trình có tác động ngắn hạn tiêu cực đến một số doanh nghiệp? Những ý kiến của doanh nghiệp lớn tại Hội nghị này sẽ được chuyển tải rộng khắp tới các cơ quan hữu quan và phương tiện truyền thông. Hy vọng các doanh nghiệp lớn sẽ thể hiện rõ tinh thần công dân và trách nhiệm xã hội trong bối cảnh nền kinh tế nước nhà gặp khó khăn.

Ngày 02/8/ 2012,tại Khách sạn Sheraton Hà Nội, Lần thứ tư liên tiếp Hội nghị thường niên Vietnam CEO Summit 2012 do Báo VietNamNet và VietNam Report phối hợp tổ chức. Đây là dịp để lãnh đạo các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam sẽ tiếp tục thảo luận, đóng góp ý kiến về các nhóm giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Để biết thêm chi tiết vui lòng truy cập: www.vietnamreport.net