Trang chủ » Điểm nóng » Tạm nhập tái xuất: Toàn hàng cấm, độc hại

Tạm nhập tái xuất: Toàn hàng cấm, độc hại

Tác giả:

Luật hở “vẽ đường” cho hàng cấm lách

“Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Công Thương tuyệt đối không cho tạm nhập tái xuất hàng hóa mà các nước cấm. Không có lý do gì mà lại cho lưu hàng cấm ở Việt Nam tới 195 ngày như vậy”, ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, chủ trì cuộc họp báo chiều 5/9 nhấn mạnh.

Ông tỏ ra bất bình: “Một container 40 feet hàng ắc quy chì đã qua sử dụng lưu ở Việt Nam sẽ độc hại như thế nào cho môi trường của chúng ta? Nội tạng hết thời hạn bảo quản mà vẫn lưu ở Việt Nam thì sẽ tính thế nào? Vì cho phép tạm nhập tái xuất những loại hàng hóa đã bị các nước cấm, chính sách này sẽ biến chúng ta thành bãi rác thải công nghiệp, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Những bức xúc này được vị lãnh đạo ngành hải quan bộc bạch sau khi chứng kiến 5.000 container chở toàn hàng cấm nhập bao gồm cả các loại hàng vi phạm quy định công ước quốc tế đang yên ổn “trú” ở Việt Nam.

Gần đây nhất, hải quan Hải Phòng đã phát hiện có tới 139 container hàng khô, chiếm 50% tổng số container khám xét thực tế là nhựa phế liệu, cao su, ắc quy đã qua sử dụng. Trong đó, 31 container ắc quy chì đã qua sử dụng (gồm 9 container 40 feet và 22 container 20 feet) đều là của công ty TNHH xuất khẩu khẩu thương mại Phúc An Thịnh, trụ sở ở Ngô Quyền, Hải Phòng. 108 container nhựa, cao su còn lại vẫn đang chờ kết quả giám định.

Lạ lùng DN đi nhập rác thải về Việt Nam (ảnh báo Hải quan)

Với loại hàng đông lạnh tạm nhập tái xuất, hải quan cũng phát hiện có tới 31/55 container lẫn cả nội tạng như lòng bò, gà, dạ dày. Ngoài ra, hải quan dự kiến sẽ khám xét tiếp 79 conatainer khác nhập từ Mỹ về, là rác thải công nghiệp, có dấu hiệu vi phạm.

Không chỉ vậy, một số DN còn lợi dụng kẽ hở của chính sách này, cố tình khai sai tên, chủng loại hàng hóa để vận chuyển trái phép. Ví như tháng 9/2011, công ty XNK Kim Khâm, trụ sở ở Mong Cái, Quảng Ninh khai tạm nhập tái xuất 90 tấn chân gà, cánh gà đông lạnh qua cửa khẩu Lạng Sơn. Nhưng thực chất lô hàng trên là mề gà đông lạnh, vốn là hàng thuộc danh mục nội tạng tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất ở Việt Nam. Tháng 11/2011, cũng có tới 309 tấn đường tinh luyện tạm nhập từ Hàn Quốc của công ty CP TM Hải Thịnh Hưng ở Hải Phòng nhưng lại núp danh là bột khoai tây khi khai hải quan. Trong khi đó, đây là mặt hàng xuất nhập phải quản lý bằng hạn ngạch.

Tổng cục Hải quan cho rằng, chính những thông thoáng trong quy định về tạm nhập tái xuất của Việt Nam đang vẽ đường cho các DN lách luật, làm ăn gian lận. Việt Nam vẫn cho phép áp dụng loại hình kinh doanh này đối với cả loại hàng hóa thuộc danh mục cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, chỉ ràng buộc điều kiện chặt chẽ duy nhất là hàng phải lưu giữ tại cảng trong thời gian tạm nhập và chỉ làm thủ tục hải quan tại cùng một cửa khẩu vừa tạm nhập, vừa tái xuất.

Trước thực trạng phức tạp này, Bộ Tài chính đang kiến nghị Thủ tướng phải siết chặt ngay đối tượng tạm nhập tái xuất. Theo đó, Bộ đề nghị Bộ Công Thương cần cấm kinh doanh tạm nhập tái xuất đối với các chất thải nguy hại như ắc quy chì, vi mạch điện tử, nhựa phế liệu phế thải, hóa chất. Đây là tiền chất thuộc diện cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu theo Công ước quốc tế.

Đối với các hàng đông lạnh là phủ tạng, phụ phẩm gia súc gia cẩm, Bộ Tài chính đề nghị cần tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất.

Hàng tạm nhập tái xuất chỉ được lưu trú 30 ngày?

Trong báo cáo gửi Thủ tướng hôm 31/8, Bộ Tài chính đề xuất tới 4 nhóm giải pháp siết chặt kinh doanh tạm nhập tái xuất. Trong đó, rút ngắn thời gian lưu trú hàng tạm nhập tái xuất ở Việt Nam là biện pháp khẩn thiết nhất, dễ áp dụng nhất.

Nội tạng, chân gà… vốn là hàng tạm nhập tái xuất nhưng khi phát hiện vi phạm VSATTP thì xử lý ra sao?

Bộ này lý giải, chỉ cần cho phép hàng tạm nhập 30 ngày, không gia hạn thời gian lưu hàng, giảm tới 165 số ngày gia hạn mà DN đang hưởng theo chế độ hiện hành. Quy định rút ngắn thời hạn này sẽ tránh được những sơ hở phát sinh mà DN lợi dụng trong quá trình tạm nhập tái xuất.

Ông Nguyên Văn Cẩn cho biết thêm, có nhiều kiểu gian lận, vi phạm ở hàng tạm nhập tái xuất mà hải quan đang nỗ lực giám sát, điều tra, có thể chuyển sang cơ quan công an khởi tố hình sự. Thời gian lưu hàng quá lâu có thể là một điều kiện “tiếp tay” cho DN làm ăn gian dối.

“Chúng tôi hiện đang phải truy tìm 600 container đã tái xuất nhưng không đúng tuyến đường. Khi hành trình tái xuất có vấn đề thì đó cũng là dấu hiệu cho việc thẩm lậu, trốn thuế. Cùng đó, hải quan cũng đang truy tìm 254 tấn đường Thái Lan đã tái xuất ra khỏi cảng Hải Phòng từ 4/2012 đến ở cửa khẩu Lào Cai nhưng đang bị lưu giữ vì DN đã tự phá kẹp chì của hơn chục container đường này.

Nếu quả thật, còn đủ 254 tấn đường kính xuất xứ Thái Lan thì DN chỉ bị xử phạt hành chính về hành vi phá niêm phong kẹp chì, quá thời hạn và yêu cầu nộp đủ thuế nhập khẩu, VAT. Trường hợp không phải tấn đường như vậy đó thì sẽ điều tra sâu, chống buôn lậu”, ông Cẩn cho hay.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan còn cho hay đã phát hiện hơn có 100 lô hàng tạm nhập tái xuất có giả mạo chữ ký, con dấu của hải quan. Kết quả này đã được kiểm chứng bởi cơ quan giám định của Bộ Công an.

Cũng vì độ phức tạp của lĩnh vực tạm nhập tái xuất, Bộ Tài chính còn đề xuất co lại các điều kiện về năng lực DN để được cấp phép tạm nhập tái xuất. Ví dụ, các DN kinh doanh tạm nhập tái xuất phải đáp ứng về vốn, cơ sở vật chất; thậm chí, phải có bảo lãnh hoặc tiền ký cược đối với hàng tạm nhập tái xuất không có thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt. Hơn nữa, nếu là hàng có thuế tiêu thụ đặc biệt thì Bộ Công Thương cần quy định rõ không cho phép chuyển loại hình tạm nhập kinh doanh tái xuất sang tiêu thụ nội địa.

Để hạn chế những rủi ro ở những lô hàng phế thải tạm nhập, do không thuận lợi bị DN bỏ lại, từ chối nhận hàng, Bộ tài chính dự kiến sẽ yêu cầu DN phải có hợp đồng tái xuất đồng thời, đảm bảo hàng nhập về sẽ xuất đi được.