Trang chủ » BXH V1000 và chính sách thuế » Khi nghĩa vụ nộp thuế trở thành văn hóa doanh nghiệp

Khi nghĩa vụ nộp thuế trở thành văn hóa doanh nghiệp

Tác giả:

Nghĩa vụ nộp thuế và văn hóa doanh nghiệp

Đối với doanh nghiệp – đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ nộp thuế là cách thể hiện văn hóa doanh nghiệp, tạo uy tín đối với xã hội, trên thương trường và cơ hội hợp tác, kinh doanh sẽ ngày càng mở rộng.

Văn hóa doanh nghiệp là một hệ thống các giá trị được toàn thể những người làm việc trong doanh nghiệp chia sẻ, chấp nhận và ứng xử theo các giá trị đó để đạt được mục tiêu doanh nghiệp. Hệ thống giá trị này trở thành động lực chủ yếu nhất thúc đẩy mọi người làm việc, là hạt nhân liên kết mọi người trong doanh nghiệp với nhau, liên kết doanh nghiệp và xã hội. Văn hóa doanh nghiệp gồm các bộ phận cấu thành như triết lý hoạt động của doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh, hệ thống hàng hóa và dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp cho thị trường, phương thức tổ chức hoạt động của danh nghiệp…

Và đương nhiên, doanh nghiệp thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế là thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh – bộ phận cấu thành quan trọng của văn hóa doanh nghiệp., vừa có lợi cho doanh nghiệp, đồng thời đem lại các lợi ích cho người khác, cho đất nước, xã hội, thì đó là hành động có đạo đức. Đạo đức kinh doanh đòi hỏi hành doanh nghiệp làm giầu trên cơ sở tận tâm phục vụ khách hàng, thông qua việc tôn trọng quyền, lợi ích của khách hàng, giữ uy tín với khách hàng. Đạo đức kinh doanh đòi hỏi các doanh nghiệp đảm bảo lợi ích của Nhà nước, thực hiện tốt các nghĩa vụ đối với Nhà nước – trong đó có nghĩa vụ thuế.

Khẳng định uy tín, thương hiệu doanh nghiệp qua thực hiện nghĩa vụ thuế

Sáng ngày 30/11/2012, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Tp. Hà Nội, Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), Báo VietNamNet và Tạp chí Thuế sẽ chính thức tổ chức Lễ công bố Bảng xếp hạng 1000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp nhiều nhất (V1000) năm 2012. Lễ công bố được tổ chức nhằm mục đích khuyến khích, biểu dương và tôn vinh các doanh nghiệp có mức nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cao, góp phần rất lớn vào sự giàu mạnh của đất nước.

Trong khi một số công ty vì lợi nhuận mà tìm mọi cách để trốn thuế thì các doanh nghiệp V1000 đã thực hiện tốt nghĩa vụ của mình. Chấp hành nghiêm chỉnh luật thuế chính là nền tảng tạo dựng uy tín cho doanh nghiệp trước pháp luật cũng như tạo nên một thương hiệu bền vững trên thương trường. Không những được hải quan, cơ quan thuế, chính quyền địa phương và đối tác tin tưởng, việc làm tốt đó của doanh nghiệp còn được cộng đồng và xã hội ghi nhận.

Một doanh nghiệp hoàn thành tốt nghĩa vụ thuế sẽ được chính quyền ưu đãi, được bảo vệ quyền lợi pháp lý chính đáng và được tạo điều kiện để kinh doanh thuận lợi. Ngoài ra thiết lập được mối quan hệ tốt với chính quyền sẽ giúp cho doanh nghiệp có được một số lợi thế cạnh tranh nhất định so với các đối thủ khác. Nếu doanh nghiệp gặp khó khăn sẽ được hỗ trợ và các vấn đề sẽ được giải quyết một cách nhanh chóng, dễ dàng. Như vậy, việc chấp hành tốt nghĩa vụ thuế sẽ giúp doanh nghiệp “ghi điểm” trong mắt chính quyền địa phương và cơ quan nhà nước. Từ đó, doanh nghiệp và chính quyền sẽ có mối quan hệ mật thiết hơn, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển. Đấy cũng chính là cách mà doanh nghiệp quảng bá cho đạo đức kinh doanh, cho thương hiệu của mình.

Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật, tuân thủ đúng luật thuế đối với doanh nghiệp không chỉ là nghĩa vụ mà còn là thể hiện đạo đức kinh doanh, thể hiện sự đền đáp nghĩa tình khi nhà nước đã tạo điều kiện cho vay vốn không lãi, miễn giảm thuế…doanh nghiệp làm ăn có lãi thì đóng thuế thu nhập doanh nghiệp là chuyện đương nhiên phải làm. Đóng thuế nghiêm túc, được đưa vào Bảng xếp hạng V1000 là một trong những yếu tố làm tăng uy tín, hình ảnh tốt đẹp của doanh nghiệp đối với các đối tác trong nước cũng như với nước ngoài. Các đối tác – nhất là đối tác nước ngoài – thường yêu cầu cung cấp Báo cáo tài chính, những chứng từ thể hiện số thuế nộp cho ngân sách hàng năm là bao nhiêu để chứng minh quy mô và hiệu quả kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp.

Đối với nội bộ doanh nghiệp, hàng năm hoạt động kiểm toán, báo cáo thuế và nộp thuế đầy đủ cũng tạo cho cán bộ công nhân viên yên tâm làm việc, tin tưởng vào sự phát triển bền vững của công ty. Nếu một doanh nghiệp có tầm nhìn xa trông rộng, muốn xây dựng thương hiệu lớn mạnh thì không vì lợi ích trước mắt gian lận thuế, báo cáo lỗ để rồi mất niềm tin với khách hàng, cán bộ công nhân viên hoang mang và ngay cả khi cần vốn thì ngân hàng cũng không dám cho vay, muốn sửa sai cũng không sửa được.

Trong điều kiện nền kinh tế hội nhập đã tạo ra mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp thuộc mọi loại hình khác nhau, kinh doanh các sản phẩm khác nhau phát triển nở rộ trên thị trường. Tuy nhiên cũng chính trong bối cảnh này đã khiến các doanh nghiệp phải tham gia cạnh tranh quyết liệt không chỉ với đối thủ trong nước mà còn thế giới. Ý thức được giá trị của văn hóa kinh doanh, trong nhiều năm nay các doanh nghiệp Việt Nam đã quan tâm đặc biệt tới xây dựng văn hóa kinh doanh nhằm không ngừng giữ vị thế trên thị trường và kinh doanh có hiệu quả./.