Trang chủ » Doanh nhân » Xã có 300 tỷ phú

Xã có 300 tỷ phú

Tác giả:

Sau khi có thông tin về Làng chài 250 tỷ phú ở xã Phổ Thạch (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi), nhiều bạn đọc gọi điện đến tòa soạn cho biết còn nhiều xã giàu hơn Phổ Thạch, trong đó có xã Đô Thành thuộc huyện Yên Thành, Nghệ An. Phóng viên đã về đây tìm hiểu thực hư.

Khi nghe chúng tôi hỏi chuyện, lãnh đạo xã Đô Thành vui vẻ cho biết: Không biết nơi khác thế nào nhưng chúng tôi tự hào là một trong những xã giàu nhất tỉnh Nghệ An. Hiện xã Đô Thành có trên 300 tỷ phú, 2.000 ngôi nhà từ 2-4 tầng, 200 xe ô tô các loại.

Đô Thành trước đây là xã nghèo nhất huyện Yên Thành. Cuộc sống người dân chủ yếu dựa vào cây lúa. Thế nhưng, do vùng đất nhiễm mặn, phèn chua, nắng thì hạn mà mưa thì ngập úng nên thường xuyên xảy ra mất mùa. Người dân cũng xoay xở với nhiều nghề như: Đồng nát, mộc, chăn nuôi gia súc, gia cầm nhưng xem ra vẫn chẳng ăn thua. Vào những năm Nhà nước bắt đầu mở cửa giao thương với các nước bên ngoài, người dân nơi đây đã nhanh nhạy nắm bắt cơ hội rủ nhau xuất ngoại làm ăn.

Một góc đường liên thôn Đô Thành.

Sau một vài năm ở nước ngoài thấy làm ăn được, nhiều người đã tìm cách đưa anh em, người thân đi để cùng nhau làm giàu. Cứ thế, số con em của Đô Thành mỗi năm đi nước ngoài càng nhiều. Có những gia đình 4 – 5 người đi Đức, Anh, Hàn Quốc… như hộ ông Nguyễn Đức Hòe, ông Trung, ông Sơn, ông Yên, ông Trần Văn Bính…

Ngoài xuất ngoại sang các nước châu Âu, châu Á, hiện nay hơn 500 thanh niên xã Đô Thành còn xuất ngoại sang Lào làm ăn. Anh Nguyễn Hùng đang buôn bán ở Lào cho biết: Sang Lào, người dân chúng tôi chủ yếu làm xây dựng, đi bán hàng rong. Nhiều người đã thành lập công ty rồi đưa các mặt hàng của Việt Nam được người dân Lào ưa thích sang bán, như hàng điện tử, đồ nhựa, đồ nhôm, chăn, ga, gối, đệm… Nói chung thu nhập rất khá.

Ông Hồ Chí Cường – Chủ tịch UBND xã cho biết: “Đô Thành có 3.000 hộ, 8.000 lao động nhưng có tới 2.000 người đi làm việc, buôn bán ở nước ngoài. Nhờ nguồn lao động này mà xã trở nên trù phú, giàu có, đời sống bà con, cơ sở vật chất hạ tầng được nâng lên rõ rệt”.

Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi tới xã Đô Thành là sự giàu có, trên 95% số hộ trong xã có nhà xây mái bằng kiên cố, nhà cao tầng mọc lên san sát; hàng chục chiếc xế hộp láng coóng nối đuôi nhau đậu san sát hai bên đường; trường học, trạm y tế… khang trang sạch đẹp; đường làng được bê tông hóa len lỏi tới từng hộ gia đình. Đô Thành như một “khu phố” sầm uất đang chuyển mình.

Ông Hồ Chí Cường khẳng định: “Có được bộ mặt nông thôn như ngày nay là nhờ… xuất ngoại. Toàn xã hiện có 2.000 nhà 2 tầng trở lên. Xế hộp hạng sang có trên 100 chiếc. Xe làm ăn hơn 100 chiếc. Tính khiêm tốn, bình quân thu nhập đầu người đạt 23 triệu đồng/năm” – ông Cường nói. Nhờ dòng tiền này từ nước ngoài gửi về mà diện mạo Đô Thành đã thay da đổi thịt một cách ngoạn mục. Người dân nơi đây vẫn tếu táo rằng: Cứ sau 1 đêm ngủ dậy sẽ có một biệt thự mới mọc lên trên đất Đô Thành.

Theo Chủ tịch UBND huyện Yên Thành Nguyễn Tiến Lợi, hiện huyện có hơn 1 vạn người đi xuất khẩu lao động. 2 xã có số người đi lao động nhiều nhất là Sơn Thành 1.750 người và Đô Thành 2.000 người. Từ năm 2005, huyện đã đề nghị tỉnh cho mở dịch vụ gửi tiền từ nước ngoài về ngân hàng nông nghiệp cấp huyện. Mỗi năm, các lao động gửi qua dịch vụ ngân hàng này 13 triệu USD, gửi qua các dịch vụ tư nhân 12 triệu USD, tổng ngoại hối hàng năm là 25 triệu USD.

Quả vậy, ở Đô Thành, hàng ngàn biệt thự sang trọng mọc lên. Có những ngôi biệt thự có giá đầu tư xây dựng lên đến hàng chục tỷ đồng. Đến ngôi biệt thự 4 tầng của ông Hòe ở xóm Phú Vinh, chúng tôi choáng ngợp bởi sự sang trọng và đồ sộ của nó. Theo anh Nguyễn Thắng – chủ thầu xây dựng thì biệt thự của ông Hòe có giá xây dựng không dưới 30 tỷ đồng. Ông Hòe tâm sự: Trước đây, nhà ông cũng nghèo lắm, nhưng nhờ 3 đứa con đi Tây nên mới có cuộc sống khá giả như hôm nay.

Theo khảo sát của chúng tôi, dạng biệt thự “khủng” như hộ nhà ông Hòe, hiện ở Đô Thành cũng có hơn 500 chiếc. Số còn lại cũng từ vài tỷ đồng trở lên. Hiện nay, xã Đô Thành có hơn 300 tỷ phú, nhiều người trong số họ sau nhiều năm làm ăn ở nước ngoài đã trở về thành lập công ty ngay trên chính quê hương, tạo việc làm thường xuyên cho hàng ngàn người lao động trong và ngoài xã.