Trang chủ » Doanh nhân » Tân Phó Ban Nội chính nặng lòng với xứ Nghệ

Tân Phó Ban Nội chính nặng lòng với xứ Nghệ

Tác giả:

Trên cương vị Chủ tịch UBND, rồi Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, nông nghiệp là dấu ấn đặc biệt của ông Phan Đình Trạc. 30 năm theo nghiệp công an, giờ là Phó ban Nội chính Trung ương nhưng ông lại là người say mê nông nghiệp. Ông coi nông nghiệp là căn cơ của xứ Nghệ, chú trọng đến nông nghiệp vì có lợi cho nhiều người.

Ông Trạc là mẫu người không dễ tiếp xúc, ít nói, ít cười. Từ khi làm Giám đốc Công an tỉnh, Chủ tịch tỉnh rồi Bí thư Nghệ An, hầu như ông không có điều tiếng gì nên dư luận cũng ít xôn xao.

Với cánh báo chí, đặc biệt là báo chí trung ương, ông bị “chê” là không mấy cởi mở. Nhưng khi chúng tôi đề nghị được nói chuyện với ông về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trước ngày ông ra thủ đô nhậm chức, ông đã gật đầu…

“Càng đi sâu vào nông nghiệp càng say”

Hỏi vì sao trong khi nhiều tỉnh tập trung triển khai các dự án công nghiệp, đô thị và nhanh chóng giàu lên thì ông lại tập trung cho con đường nông nghiệp khó khăn, nhiều rủi ro, ông trả lời rằng, khi còn ở lứa tuổi học trò, buổi đi học, buổi dắt trâu đi cày, đi bừa, gặt lúa trên cánh đồng nắng cháy ở xã Diễn Lộc, Diễn Châu quê mình, ông hiểu được nỗi vất vả, nhọc nhằn của nông dân.

“Khi làm Chủ tịch, Bí thư Tỉnh ủy, tôi tự tìm hiểu và càng lao vào càng say. Với nông nghiệp, một thành công nhỏ thôi thì nhiều người cùng được hưởng thành quả. Mà ở Nghệ An, cũng như các tỉnh khác, phải phát triển công nghiệp, nhưng hiện tại nông nghiệp vẫn là trụ cột” – ông Trạc nói.

Trong cách nhìn của ông, nông nghiệp xứ Nghệ nói riêng và cả nước nói chung phụ thuộc quá lớn vào thiên nhiên. Nông dân còn khó khăn nhiều về vốn, kiến thức, không lo được đầu ra nên sản xuất còn manh mún. “Xứ Nghệ quê Bác có miền núi, đồng bằng và biển. Con người xứ Nghệ cần cù, sáng tạo nhưng nông dân còn nghèo khó. Cây gì, con gì cũng có, nhưng ăn thì thừa, bán thì thiếu” – ông Trạc trải lòng về nỗi day dứt lâu nay.

Doanh nghiệp giải quyết được vấn đề vốn lớn, lo được đầu ra cho sản phẩm, đào tạo nghề cho nông dân, có điều kiện áp dụng được tiến bộ khoa học công nghệ nên hạn chế được thiên tai, dịch bệnh, nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân, và cuối cùng là có nguồn lực xây dựng hạ tầng, tổ chức lại sản xuất, định canh, định cư cho nông dân. Đó chính là xây dựng nông thôn mới. Nếu không đầu tư lớn, không áp dụng khoa học, công nghệ cao không thể đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp

Ông nói, hàng năm, tại những đồng lạc, bãi ngô ven sông, rồi mía, cam ở miền núi…, xe tải ùn ùn kéo về thu mua. Đó là tiềm năng, cơ hội làm ăn lớn, nhưng nông dân xứ Nghệ vẫn nghèo vì chưa tổ chức được sản xuất quy mô lớn. “Có bài báo nói rằng, ở miền Bắc, nông nghiệp chưa phải là một nghề của nông dân. Tôi suy nghĩ kỹ về điều này và cuối cùng phải thừa nhận điều đó là đúng” – ông nói.

Ông Trạc nói rằng, thời gian qua, để phát triển nông nghiệp, chính quyền Nghệ An phát huy lợi thế của địa phương với các giải pháp tổng thể. Các giải pháp chính được đưa ra là: Tập trung đào tạo nghề cho nông dân; hỗ trợ vốn cho người làm nông nghiệp (mở rộng diện đối tượng được vay, nâng mức vay, kéo dài thời hạn vay phù hợp với cây trồng, vật nuôi, và lãi suất cho vay hợp lý); tăng đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, khuyến khích mạnh mẽ áp dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất trên cơ sở dồn điền đổi thửa để tạo ra diện tích lớn và lôi kéo doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Vị Bí thư đi “lôi kéo” doanh nghiệp

Trong các giải pháp đó, ông chú trọng nhất đến việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ cao vào sản xuất. Và lực lượng có điều kiện nhất theo ông chính là doanh nghiệp. Từ đó, ông thực hiện chiến lược kêu gọi nhà đầu tư vào Nghệ An. “Kêu gọi nhà đầu tư” là khái niệm không mới nhưng có lẽ là điều khó khăn ngay từ trong nhận thức của người xứ Nghệ. Biết thế nhưng ông quyết tâm thay đổi. Ông nói: “Với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nông nghiệp, mình phải lôi kéo họ chứ không chỉ khuyến khích”.

Vì thế, dưới thời kỳ ông chèo lái con thuyền xứ Nghệ, hàng loạt dự án, đặc biệt là dự án nông nghiệp được “lôi kéo” về. Trong đó, trang trại bò của Tập đoàn TH ở huyện Nghĩa Đàn là dự án lớn nhất ông dốc nhiều công sức. Những ai theo dõi quá trình thực hiện dự án mới biết nó mang nặng đẻ đau thế nào.

Nuôi bò sữa ở nước ta, đặc biệt là vùng đất nắng cháy da người, gió Lào rát mặt này có hiệu quả không? Giao đất đai màu mỡ, rộng lớn như vậy cho doanh nghiệp chỉ để trồng cỏ, nuôi bò liệu có yên tâm? Hàng loạt những hoài nghi, nghi kỵ trong nhân dân, chuyên gia, lãnh đạo gây muôn vàn khó khăn cho dự án.

Nhưng với khí chất nói là làm và đã làm phải quyết liệt, ông Trạc dẫn đoàn chuyên gia, lãnh đạo tỉnh sang tận Israel để “mục sở thị” mô hình mẫu mà TH sẽ đưa về để tạo sự thống nhất trong nhận thức. Lúc căng thẳng nhất về giải phóng mặt bằng, ông nói với bà Thái Hương- Chủ tịch Tập đoàn TH: “Việc giải phóng mặt bằng là của chính quyền, doanh nghiệp cứ về lo xây trang trại, triển khai dự án”.

Đến nay, khi dự án đã có bước thành công quan trọng, sữa TH true Milk được khách hàng tin yêu, ông mới thực sự yên tâm. Nhưng điều ông Trạc mừng nhất là quan niệm “làm nông nghiệp nhiều người được hưởng thành quả” được hiện thực hóa. Hơn 1.000 con em địa phương có được việc làm tại trang trại; sinh viên là con em các gia đình trong vùng dự án học khá được hỗ trợ 6 triệu đồng/năm. Việc ông đề nghị tập đoàn này tặng bê cho người nghèo ở vùng dự án, đến nay thực hiện được 1.500 trường hợp; bê lớn, có thể bán được 30 triệu đồng/con.

Về chuyện rời xứ Nghệ, ông Trạc nói ngắn gọn: “Là người của Đảng, tôi chấp hành sự phân công của Đảng. Nghệ An nhiều người tài giỏi, phải tìm được người tài, thực sự tâm huyết với tỉnh, với dân”. Nhìn lại thời gian qua, bản thân ông và cán bộ, chính quyền Nghệ An đã mở ra một cơ hội lớn cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững. Ông nhắn nhủ những lớp cán bộ kế tiếp tiếp tục phát triển theo con đường đó. Ông cũng kỳ vọng miền Tây xứ Nghệ sẽ sớm trở thành một mô hình nông thôn kiểu mẫu của cả nước.

(Theo DV)