Trang chủ » VNR500 & FAST500 » “Điều kỳ diệu của Massachusetts” đến Việt Nam

“Điều kỳ diệu của Massachusetts” đến Việt Nam

Tác giả:

Năm 1986, ông từng được Hiệp hội Thống đốc quốc gia bầu chọn là Thống đốc có năng lực nhất quốc gia và là đồng tác giả cuốn “Creating the future: the Massachusetts comeback and its promise for America”- đưa ra những khuyến nghị chính sách đối với nước Mỹ từ thực tiễn thành công của “Điều kỳ diệu Massachusetts”.

Được biết, nhân dịp Lễ Công bố FAST500 diễn ra vào ngày 09 tháng 4 tới đây tại Hà Nội, ông Dukakis sẽ tới Việt Nam và có bài thuyết trình trước các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam.

Sự nghiệp chính trị của Michael Dukakis

Michael Stanley Dukakis được cả thế giới biết đến với cương vị cựu Thống đốc bang Massachusetts, là nhà lãnh đạo lâu năm nhất của Bang này, bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 1975 và 2 lần tái đắc cử vào năm 1982 và 1986. Có thể nói, cho tới tận bây giờ, Dukakis vẫn luôn là một gương mặt danh tiếng và đầy tầm ảnh hưởng ở bang Massachusetts cũng như toàn nước Mỹ.

Ông đồng thời là cựu ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ, đối thủ của Bush cha trong cuộc đua tranh vào Nhà Trắng năm 1988. Sinh ra và lớn lên tại Massachusetts – cũng là quê hương của rất nhiều vị Tổng thống Mỹ như John Adams, John Quincy Adams, John Fitzgerald Kennedy, từ nhỏ ông đã phải chứng kiến những bất công và sự phân tầng đẳng cấp xã hội. Đó cũng là nguyên nhân khách quan hình thành nên một Dukakis mang đầy khát vọng hướng tới một xã hội tốt đẹp và công bằng hơn.

Ông Michael Stanley Dukakis.

Trong những năm 1980 của thế kỷ 20, Dukakis đã ghi lại dấu ấn của mình với “Điều kỳ diệu Massachusetts” – tăng trưởng kinh tế dựa trên phát triển công nghệ cao và dịch vụ tài chính. Tỷ lệ thất nghiệp ở Massachusetts nhờ đó đã giảm từ hơn 12% xuống còn khoảng 3% nhờ cắt giảm thuế và sự gia tăng đáng kể trong thu nhập cá nhân. Sự tăng trưởng này chủ yếu tập trung trong ngành công nghệ cao và dịch vụ tài chính ở vùng Boston và khu ngoại ô dọc theo quốc lộ 128.

Ngành công nghệ thông tin dần lan tỏa rộng ra dọc theo MA-128 đã khiến “128” ngày càng trở nên phổ biến hơn, không chỉ là tên của một con đường mà còn trở thành tên gọi của một khu vực công nghệ cao. Một số công ty đáng chú ý trong thời điểm đó là Digital Equipment Corporation, Data General, Wang Laboratories, và Apollo Computer.

Tuy nhiên, sau khi Dukakis rời bỏ sự nghiệp chính trị của mình vào năm 1991, “Điều kỳ diệu Massachusetts” cũng chấm dứt, để lại cho chính quyền Bush nhiều vấn đề nan giải về thất nghiệp và phi công nghiệp hóa dẫn đến suy thoái kinh tế Mỹ sau đó.

Thành công với cương vị Thống đốc bang Massachusetts, tuy nhiên ông không mấy có duyên với chức vị Tổng thống. Nhờ “Điều kỳ diệu Massachusetss”, Dukakis đã loại bỏ khá nhiều đối thủ và trở thành ứng viên Tổng thống đại diện cho Đảng Dân chủ. Trong vòng bầu cử đầu tiên, ông đã thể hiện khá tốt, đánh bại Bush và dành được sự ủng hộ của

Thượng nghị sỹ bang Texas Lloyd Bentsen, người đã từ bỏ cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Trong suốt sự nghiệp chính trị của mình, Dukakis luôn không ngừng đầu tranh chống lại việc thi hành bản án tử hình. Và ông đã kiên quyết thể hiện điều đó trong suốt cuộc đời mình. Chính sự kiên quyết và cứng rắn về vấn đề này đã là nguyên nhân quan trọng khiến ông thua trong cuộc đua trước George H.W. Bush. Tuy nhiên, kiến thức, sự thông minh và khả năng điều hành nền kinh tế một cách xuất sắc của Dukakis là một điều không ai có thể phủ nhận.

Vị giáo sư đầy nhiệt huyết của Boston

Sau cuộc bầu cử, Dukakis quay trở về Boston- cái nôi của văn hóa, kinh tế Mỹ. Phân chia thời gian của mình giữa Boston và Los Angeles, California, ông trở thành Giáo sư khoa học chính trị tại trường Đại học Đông Bắc Boston và đồng thời là Giáo sư thỉnh giảng môn Chính sách công tại Đại học California, Los Angeles.

Không tiếp tục tham gia tranh cử nhưng ông vẫn giữ niềm đam mê với các hoạt động vận động tranh cử và bổ nhiệm các thủ lĩnh chiến dịch tranh cử nhằm kết hợp với các hoạt động tranh cử địa phương, hai chiến lược ông cảm thấy rất cần thiết cho đảng Dân chủ để có thể cạnh tranh hiệu quả trong cả hai cuộc bầu cử địa phương và quốc gia. Ông cũng đồng thời góp phần quan trọng trong việc ủng hộ phát triển phương tiện giao thông công cộng và đường sắt cao tốc như một giải pháp hữu hiệu tránh tắc nghẽn xe cộ và thiếu không gian tại các sân bay.

Gần đây, Giáo sư Dukakis còn được nhắc đến với vai trò là Chủ tịch Quỹ Văn hóa Boston- đơn vị tổ chức các buổi Hòa nhạc Free for all hàng năm tại trung tâm của Boston, với mục đích thông qua âm nhạc cổ điển để đem lại sự công bằng xã hội, xóa bỏ khoảng cách giữa tầng lớp giàu- nghèo, cao- thấp. Cũng thông qua Quỹ Văn hóa Boston, ông có cơ hội trở lại Việt Nam, nhân sự kiện Lễ công bố Bảng xếp hạng Fast500- Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào ngày 9/4/2013.

Ông hi vọng nhân dịp này có thể chung vui cùng các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh về doanh thu của Việt Nam- những ngôi sao đang lên của nền kinh tế, chia sẻ những nghiên cứu của mình với chủ đề “Thế giới trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Obama”, đồng thời là nhịp cầu nối giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiến gần đến Boston hơn, và xa hơn là tới kinh tế toàn cầu.

Sự hiện diện của Giáo sư, cựu Thống đốc Massachusetts Michael Dukakis lần này sẽ đem lại cơ hội cho các doanh nghiệp Fast500 đã và đang khao khát được vươn xa hơn nữa trên trường quốc tế được giao lưu và trao đổi những nhiệt huyết kinh doanh, để từ đó xây dựng cộng đồng doanh nghiệp thân thiện và đoàn kết hơn, để cạnh tranh lành mạnh thực sự là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp không ngừng tăng trưởng trong tương lai không xa.

Lễ công bố chính thức Bảng xếp hạng FAST500 – Top 500 DN tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam, sẽ được tổ chức sáng ngày 09/4/2013 tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, Đây là lần thứ ba liên tiếp Bảng xếp hạng FAST500 được công bố nhằm nghi nhận những nỗ lực và tôn vinh những doanh nghiệp năng động và tăng trưởng nhanh nhất – Những ngôi sao đang lên của nền kinh tế Việt Nam. Thông tin chi tiết về chương trình xem tại: www.fast500.vn