Trang chủ » VNR500 & FAST500 » Xếp hạng DN: Thông tin và niềm tin

Xếp hạng DN: Thông tin và niềm tin

Tác giả:

Thiếu thông tin đáng tin cậy, nền kinh tế sẽ hoạt động theo cơ chế ngắn hạn, đầu cơ và thiếu hiệu quả. Một trong những cách thức cung cấp thông tin là xây dựng và công bố các Bảng xếp hạng quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm.

Các Bảng xếp hạng phải dựa trên số liệu so sánh, có tính khách quan và không nhất định có ý nghĩa tuyên dương các quốc gia, doanh nghiệp hay sản phẩm lọt vào Bảng xếp hạng. Thực chất của các Bảng xếp hạng là cung cấp các thông tin định lượng về những tính chất định tính (như chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh của doanh nghiệp hay mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh), qua đó giúp các bên liên quan có căn cứ tốt hơn trong việc đưa ra quyết định.

Xây dựng Bảng xếp hạng: chuyện không còn mới

Ở cấp độ quốc gia, có rất nhiều bảng xếp hạng giữa các quốc gia về những chiều cạnh đa dạng như phát triển con người (HDI), năng lực cạnh tranh (GDI), nhận thức về tham nhũng (PCI) hay môi trường kinh doanh (DB Rankings). Những bảng xếp hạng này giúp các quốc gia định vị được những điểm yếu và điểm mạnh của mình trên cơ sở so sánh quốc tế, từ đó đưa ra được những định hướng chính sách phù hợp.

Ở cấp độ doanh nghiệp, trên thế giới có rất nhiều bảng xếp hạng cung cấp những góc độ quan sát khác nhau đối với khối doanh nghiệp, từ xếp hạng dựa trên tiêu chí tài chính về quy mô, tăng trưởng doanh thu, mức độ lợi nhuận cho tới xếp hạng về môi trường làm việc, trách nhiệm xã hội hay sự tin cậy và uy tín của doanh nghiệp.

Có thể kể ra vô số Bảng xếp hạng doanh nghiệp như Fortune 500 (xếp hạng về quy mô doanh nghiệp theo doanh thu), Forbes 500 (xếp hạng về quy mô doanh nghiệp theo chỉ tiêu tổng hợp), INC 500/5000 (Top 500/5000 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất về doanh thu ở Hoa Kỳ), Deloitte Technology 500 (Top 500 doanh nghiệp công nghệ tăng trưởng nhanh nhất về doanh thu) hay CRN 100 (Top 100 doanh nghiệp phần mềm tăng trưởng nhanh nhất về doanh thu).

Xếp hạng doanh nghiệp cung cấp những thông tin cơ bản cho các nhà đầu tư khi họ cân nhắc các quyết định đầu tư. Các chỉ số xếp hạng công ty có uy tín trên thế giới như Fortune Global 500, Forbes Global 2000, hay S&P 500… luôn là kênh tham khảo đầu tiên cho các nhà đầu tư hay các nhà nghiên cứu khi họ muốn tìm hiểu thông tin về các doanh nghiệp.

Xếp hạng doanh nghiệp tại Việt Nam: những bước đi chập chững

Tại Việt Nam, thông tin về các doanh nghiệp còn chưa đạt được sự “minh bạch, lành mạnh” đáng mong muốn, trong khi nhu cầu thông tin về doanh nghiệp đang rất lớn, từ phía các nhà quản lý, các nhà đầu tư, cũng như từ người tiêu dùng. Do vậy, vai trò của hoạt động đánh giá và xếp hạng về doanh nghiệp được khẳng định rất rõ.

Các báo cáo và đánh giá và xếp hạng doanh nghiệp giúp nhà đầu tư và khách hàng có thể cùng lúc so sánh điểm mạnh, điểm yếu, thứ hạng của doanh nghiệp. Đặc biệt, khác với các giải thưởng dành cho doanh nghiệp, các Bảng Xếp hạng doanh nghiệp và hồ sơ doanh nghiệp không chỉ ghi nhận các thành công, mà còn đánh giá cả những thất bại và sai lầm của doanh nghiệp.

Hiện nay đã có nhiều Bảng xếp hạng doanh nghiệp như Bảng xếp hạng thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam (Nielsen thực hiện), Bảng xếp hạng tín dụng Top 1000 doanh nghiệp Việt Nam (do Trung tâm Thông tin tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện) Bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp lớn hay Bảng xếp hạng Top 1000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Mỗi bảng xếp hạng nhìn nhận về các doanh nghiệp Việt Nam theo các khía cạnh khác nhau và bổ sung lẫn nhau.

Gần đây, Bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất (FAST 500) đã được công bố. Về bản chất, việc xếp hạng các doanh nghiệp FAST500 là để phát hiện những doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng doanh thu cao. Những doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất này là những đối tượng để các nhà đầu tư, các ngân hàng, các nhà tư vấn, nhà cung cấp đưa vào danh sách quan tâm bởi những doanh nghiệp tăng trưởng bao giờ cũng có nhu cầu cao về vốn, về nâng cấp quản trị, về nhân lực…

Và nếu quản trị tốt được rủi ro đi kèm, những doanh nghiệp được ví như “những ngôi sao đang lên” của nền kinh tế này có thể là những doanh nghiệp chủ chốt trong tương lai, và là nền tảng cho sức cạnh tranh quốc tế của kinh tế Việt Nam.

Tất nhiên, tăng trưởng nhanh cũng đi kèm với rủi ro lớn. Một số doanh nghiệp tăng trưởng nhanh có thể rơi vào tình trạng tăng trưởng quá nóng và gặp kinh doanh thua lỗ sau đó. Tuy nhiên, ngay cả những doanh nghiệp tạm thời thua lỗ này cũng có thể là đối tác tiềm năng của các quỹ đầu tư mạo hiểm bởi doanh nghiệp tăng trưởng nhanh đã định hình được thương hiệu và thị trường, nếu được các quỹ đầu tư hỗ trợ thêm vốn và năng lực quản trị, sẽ có tiềm năng đạt hiệu quả kinh doanh cao hơn.

Cần thêm nhiều Bảng xếp hạng để đánh giá doanh nghiệp

Sau nhiều năm liên tiếp được công bố, các Bảng xếp hạng doanh nghiệp tại Việt Nam đã được sự công nhận không chỉ ở Việt Nam mà còn được giới truyền thông nước ngoài dẫn chiếu rộng rãi.

Tuy nhiên, mỗi Bảng xếp hạng doanh nghiệp hiện nay vẫn chỉ nêu được một góc nhìn về hệ thống doanh nghiệp Việt Nam. Còn nhiều Bảng xếp hạng doanh nghiệp cần thiết khác chưa xuất hiện ở Việt Nam như Bảng xếp hạng doanh nghiệp uy tín hay Bảng xếp hạng môi trường làm việc. Bên cạnh việc xếp hạng các doanh nghiệp tăng trưởng về doanh thu, cũng cần dần bổ sung thêm những bảng xếp hạng về doanh nghiệp tăng trưởng bền vững hoặc doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội cao.

Lễ công bố chính thức Bảng xếp hạng FAST500 – Top 500 DN tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam, sẽ được tổ chức sáng ngày 09/4/2013 tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, Đây là lần thứ ba liên tiếp Bảng xếp hạng FAST500 được công bố nhằm nghi nhận những nỗ lực và tôn vinh những doanh nghiệp năng động và tăng trưởng nhanh nhất – Những ngôi sao đang lên của nền kinh tế Việt Nam. Thông tin chi tiết về chương trình xem tại: www.fast500.vn