Trang chủ » Doanh nhân » Nghề câu ‘cọp biển’ ở Phú Quốc

Nghề câu ‘cọp biển’ ở Phú Quốc

Tác giả:

Sau gần 5 giờ đồng hồ lênh đênh trên biển, anh Nguyễn Văn Hiệp (35 tuổi) miệng phì phèo điếu thuốc lá phẩy tay ra hiệu cho các thành viên trong đoàn thả câu. Những sợi dây cước bằng ngón tay út được thả sâu xuống đáy biển cùng với vô số móc câu sắc nhọn. Anh Hiệp nhìn tôi bảo: “Mùa này chắc chúng tôi chỉ câu được cá mập nhỏ. Bởi mùa đi săn chính thức “cọp biển” phải từ tháng 7 trở đi. Lúc ấy, có những con mập nặng hàng tạ, phải chiến đấu với nó cả mấy tiếng đồng hồ mới giành phần thắng”.

Kinh hoàng nghề săn cá mập

Chiều tàn, mặt trời rơi trên biển, Phú Quốc đẹp lạ thường. Trước khi đến huyện đảo trù phú này, tôi đã được một người đồng nghiệp kể về nghề săn cá mập. Anh bạn nói rằng, đến Phú Quốc không theo chân ngư dân ra khơi mục sở thị “thủy quái” thì coi như chuyến đi không trọn vẹn. Tuy nhiên, vì là người “ngoại đạo”, chưa quen cảnh sóng nước nên phải đấu tranh tư tưởng mãi tôi mới dám dũng cảm bước chân lên tàu.

Khi mới đặt chân đến đảo, tôi đã được một người bạn ở Hà Tiên (Kiên Giang) giới thiệu về gã thợ săn cá mập chuyên nghiệp tên Hiệp. Chúng tôi có dịp được nhậu cùng nhau trước khi nhập cuộc săn cá mập. Hiệp quê ở thị xã LaGi (Bình Thuận, nơi có làng mưu sinh bằng nghề săn cá mập- PV). Người đàn ông này đã đến đảo ngọc Phú Quốc sinh sống được gần 8 năm và cũng chừng ấy năm anh tuyên chiến với “thủy quái”. Cuộc đời của Hiệp là những ngày tháng lênh đênh trên mặt biển cùng đám đàn em được chính tay anh dạy nghề. Chẳng thế mà đến nay, tuổi đã chạm đầu băm (ba mươi), anh ta vẫn là “lính phòng không”. Trò chuyện với tôi, Hiệp tếu táo rằng: “Nếu cưa gái mà cũng dễ như săn cá mập thì chắc giờ tôi đã có hàng trăm mối tình?!”.

Anh Hiệp kể rằng, ở quê anh (thị xã LaGi – PV), nghề săn cá mập đã xuất hiện hơn trăm năm có lẻ. Đối với những người thợ nghiệp dư, mới vào nghề hay đã có đai đẳng cấp, việc mất bàn tay, cụt ngón chân hay lãnh trọn hàm răng của “cọp biển” là điều khó có thể tiên đoán trước. “Thậm chí, có những gia đình, có bốn người đi săn thì ba người phải nằm lại mãi mãi với biển. Đó là cái giá phải trả cho việc trót theo nghề săn “con trai của thủy thần””, Hiệp trầm ngâm. Nói đến đây, cậu ta giơ hai bàn tay ra cho tôi kiểm chứng. Trên đôi tay rắn chắc, đen nhẫy vì cháy nắng là những vết sẹo chi chít.

Tàn cuộc nhậu, Hiệp hẹn chiều hôm sau sẽ cho tôi theo chân lên tàu ra khơi đi săn “cọp biển”. Tuy nhiên, người đàn ông này cũng cáo lỗi trước: “Săn cá mập là nghề mà thắng lớn hay trắng tay tùy thuộc vào cảm hứng của thủy thần. Nếu hôm nào ra khơi, ông dễ tính thì cá mập khổng lồ sẽ liên tục cắn câu. Có nhiều hôm, lênh đênh cả mấy ngày trên biển, chỉ câu được những con nhám mập trên dưới 20kg. Với nghề này, chuyện trắng khoang về bờ là hết sức bình thường”.

“Bí kíp” của những cuộc thư hùng trên biển

Đúng như lịch hẹn, buổi chiều hôm sau, khi tôi ra đến tàu cũng là lúc anh Hiệp và mấy người ngư dân đang thu dọn đồ đạc cho chuyến ra khơi. Khi tất cả đã xong, Hiệp giơ tay ra hiệu, chiếc tàu nổ máy rồi từ từ rời bến, cứ nhằm theo hướng Đông di chuyển. Thấy tôi có vẻ căng thẳng, Hiệp cười trấn an: “Chú cứ thoải mái đi. Tàu to thế này, cá khủng cỡ mấy cũng không đánh chìm được đâu. Với lại, hôm nay biển động, sẽ khó gặp cọp lớn”.

Lúc ra mũi tàu nằm nghỉ ngơi đợi đến địa điểm mà Hiệp cho rằng hôm nay sẽ có nhiều cá mập mới thả câu, tôi được gã thợ săn này bật mí những “bí kíp” trong nghề săn “cọp biển”. Nói chuyện với chúng tôi, Hiệp cho biết: “Trước đây, thời ông nội tôi đi săn cá mập làm gì có la bàn để định vị phương hướng như bây giờ. Khi đó, việc tìm đến vựa cá mập chỉ nhờ vào kinh nghiệm như màu nước, chiều gió, đêm trông sao, ngày nhìn ánh nắng mặt trời. Còn nhớ, năm tôi vừa bước sang 15 tuổi đã theo ông nội lênh đênh trên biển. Ngày ấy mập nhiều, có hôm nhìn xuống nước, thấy đàn mập như những chiếc ngư lôi lừng lững trôi dưới biển. Thỉnh thoảng vây cá trồi lên mặt nước như lưỡi dao sắc nhọn. Nhìn thấy cảnh tượng đó, tôi run sợ đến nỗi phải chạy vào trong khoang nấp. Trong khi đó, ông nội chỉ cười lớn và ra tín hiệu cho mấy cô chú làm cùng thả lưỡi câu xuống. Thấy có mồi, đàn “cọp biển” đói khát thi nhau đớp. Chỉ mấy chục phút, những con có trọng lượng nhỏ đã bị kéo lên sàn tàu làm thịt ướp muối”.

Được biết, ở vùng biển này, cá mập có nhiều loại như nhám tai, nhám cát, nhám mập. Nhám lai là loại hai bên tai bành ra như cái búa. Nhám mập là loại nguy hiểm nhất. Bởi chúng dữ tợn, hăng máu và hay nhảy lên khỏi mặt nước khi đớp mồi. Nếu ai bất cẩn, khi đối mặt với nhám mập rất có thể bị nó nhảy lên vồ rồi kéo xuống biển. Khi đã xuống nước lãnh địa của cọp, thợ săn chỉ có một phần sống còn chín phần còn lại là sẽ bỏ mạng ở trùng khơi.

Chỉ ra đống móc câu, Hiệp cho biết: “Mỗi thuyền có một đường câu làm bằng cước to bằng ngón tay út người lớn, độ dài khoảng 2-3 cây số. Cứ 15m, chúng tôi lại buộc một lưỡi câu làm bằng sắt hoặc i-nox, thân to bằng que diêm, cao 5cm, rộng 2cm. Gần lưỡi câu buộc một chiếc phao nhỏ. Khi thả câu, phao chìm xuống dưới mặt nước khoảng 2,5m, khi tàu thuyền đi qua sẽ không bị vướng. Mồi được cắt nhỏ khoảng 2cm. Nếu để mồi to sẽ rất tốn kém, còn quá nhỏ mập sẽ không nhìn thấy. Khi thả câu, thợ săn luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu với thủy quái bất cứ lúc nào”.

Khoảng 5 giờ đồng hồ lênh đênh trên biển, lúc này trời đã tối, Hiệp bỗng nhiên đứng dậy, vểnh mặt nghe hướng gió rồi giơ tay ra hiệu cho lái tàu dừng lại. Như đã thành thói quen, cứ thấy tàu dừng mấy người chạy vào khoang bắt mồi và cắt ra để tra vào lưỡi câu. Trong khi đó, Hiệp đang đổ thùng máu nhệch xuống biển để gửi thông điệp khiêu chiến với những con “cọp biển”. Tất cả những chiếc đèn pha trên tàu bỗng nhiên tắt lịm. Xung quanh tôi chỉ là một màu đen mênh mông, tiếng sóng đánh vào hông thuyền cùng những hơi thở khe khẽ của những gã thợ săn đang chuẩn bị “uống máu” con trai của thủy thần.

Cánh tay lạ trong… “miệng tử thần”

Nói chuyện với chúng tôi, Nguyễn Văn Hiệp kể lại, trước đây, khi đi săn cùng ông nội, anh đã từng được nghe rất nhiều câu chuyện kinh dị từ các thợ săn tiền bối. Có lần ông nội kể rằng, một hôm đi săn ở biển Bình Thuận đã chiến thắng được con cọp biển khổng lồ. Khi mọi người mổ bụng cá ra để ướp muối thì bỗng nhiên phát hiện trong bụng nó có một cái ví da màu đen. Rạch thêm một đoạn nữa, mọi người hoảng hốt nhìn thấy một cánh tay người vẫn đang cầm đoạn dây thừng. Nhìn thấy cảnh tượng đó, họ chỉ biết nhìn nhau không nói một lời. Đó là phần cơ thể còn lại của người thợ săn đã bỏ mạng dưới biển cả.