Trang chủ » Doanh nhân » Tiền ít-nhiều vẫn là chân kiềng ‘ứng dụng’ của nghiên cứu KH

Tiền ít-nhiều vẫn là chân kiềng ‘ứng dụng’ của nghiên cứu KH

Tác giả:

Trao đổi với TS Vũ Anh Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội, đơn vị thường trực của giải thưởng Bảo Sơn.

Nối dài giấc mơ khoa học

– Theo ông, giải thưởng Bảo Sơn có ý nghĩa như thế nào đối với các nhà khoa học cả về vật chất, lẫn tinh thần?

TS Vũ Anh Dũng: Giải thưởng sẽ là một trong những nguồn động lực lớn ghi nhận thành quả lao động miệt mài, tâm huyết và đầy giá trị cộng đồng và nhân văn của các nhà khoa học. Hiện nhiều nhà khoa học đang làm việc hăng say đầy nhiệt huyết trong điều kiện khó khăn vì tình yêu nghề và tâm huyết với nghề nên nếu có thêm một giải thưởng vinh danh sẽ giúp nhà khoa học thêm yêu nghề, thêm động lực và tự tin vì thành quả, tâm huyết của mình được ghi nhận.

Mặc dù giải thưởng chỉ xét ở 5 lĩnh vực và tối đa trao 5 giải/năm nhưng mức độ lan tỏa của giải thưởng rất đáng kể. Ví dụ giải thưởng Bảo Sơn cho công trình đất ngập nước năm ngoái, GS chủ nhiệm đề tài đã coi giải thưởng là “quả trứng vàng” và cam kết trích một phần của giải thưởng lập quỹ học bổng cho các bạn trẻ nghiên cứu về đất ngập nước sau đó. Như vậy, bản thân giải thưởng đã là nguồn động lực để những đam mê khoa học được tiếp nối, kéo dài.

Hay như nhóm công trình về tế bào gốc, nhóm tác giả thừa nhận giai đoạn đầu rất khó khăn về tài chính, thời gian, đề tài mới và nhiều vấn đề khác… Nhóm công trình này cũng có rất nhiều cấu phần và sẽ còn tiếp nối về sau. Giá trị giải thưởng phần nào có thể sẽ giúp nhóm tác giả tiếp tục để tiếp nối kết quả đã đạt được.

TS Vũ Anh Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội

Còn nếu lấy giải thưởng chia cho từng cá nhân tham gia nghiên cứu, ví dụ như nhóm nghiên cứu về chuỗi báo cáo thường niên về kinh tế có đến không dưới 30 thành viên thực hiện thường niên kể từ năm 2009 đến nay thì con số cũng chỉ mang ý nghĩa tượng trưng.

– Bản thân ông đánh giá như thế nào về giải thưởng này?

TS Vũ Anh Dũng: Với tôn chỉ mục đích hỗ trợ công tác đào tạo và giáo dục đồng thời tôn vinh các nhà khoa học có nghiên cứu xuất sắc mang tính ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn trong các lĩnh vực: Giáo dục và đào tạo, Xoá đói giảm nghèo, Phát triển bền vững, Y dược học và Văn học nghệ thuật giải thưởng này đang và sẽ được kỳ vọng trở thành một giải thưởng uy tín và danh giá từ khối doanh nhân doanh nghiệp dành cho nhà khoa học.

Nhắm chất, bỏ qua lượng

– Là đại diện đơn vị thường trực của giải thưởng Bảo Sơn, ông có thể cho biết điểm mới của giải thưởng năm nay? Tại sao hội đồng xét giải chỉ chọn được 2/5 giải?

TS Vũ Anh Dũng: Ngoài việc tăng giá trị mỗi giải thưởng hàng năm thêm 10.000 USD (cụ thể năm 2012 là 30.000 USD/ một giải thưởng – tăng từ 20.000 USD/ một giải thưởng năm 2011) theo đúng cam kết của Chủ tịch quỹ Bảo Sơn thì giải thưởng Bảo Sơn cũng có một số điểm mới về nhóm lĩnh vực trao giải.

Năm 2011 vì là năm đầu tiên nên mới chỉ tập trung vào 3 lĩnh vực: xóa đói giảm nghèo, giáo dục đào tạo, phát triển bền vững. Đến năm 2012, có thêm 2 giải cho 2 lĩnh vực: y dược học và văn học nghệ thuật. Tiêu chí của 2 giải này khá rõ ràng, tuân theo bộ tiêu chí chung và có một số tiêu chí khác xét theo các đặc thù của hai lĩnh vực này. Ví dụ, lĩnh vực y dược học thì một trong các tiêu chí là “Công trình Khoa học – Công nghệ thể hiện sự bắt kịp tiến bộ khoa học kỹ thuật y dược tầm cao trong nước và khu vực”.

Về việc chỉ chọn 2/5 giải, vấn đề ở đây không phải chọn đủ số giải thưởng trao cho từng lĩnh vực mà là chất lượng của công trình phải đáp ứng được các tiêu chí đặt ra trong đó tiêu chí về ứng dụng thực tiễn là quan trọng.

Nếu hội đồng châm chước đưa ra kết quả không minh bạch rõ ràng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của giải thưởng. Mặt khác, nếu trao các giải không xứng đáng thì chính các nhà khoa học – chủ công trình nghiên cứu – sẽ gặp phải áp lực từ dư luận xã hội.

Minh bạch về thông tin, hồ sơ và hội đồng xét giải

– Sự minh bạch, rõ ràng và chất lượng của các công trình sẽ tạo nên uy tín của giải thưởng. Điều này được thể hiện ra sao?

TS Vũ Anh Dũng: Để đảm bảo tính minh bạch của giải thưởng, là đơn vị thường trực của giải, Trường ĐH Kinh tế – ĐHQGHN đóng góp vai trò tổng hợp các đề tài khoa học gửi đến và sau khi Chủ tịch Quỹ Bảo Sơn phê duyệt thành phần Hội đồng tuyển chọn thì Cơ quan thường trực gửi nguyên đề tài khoa học tới tất cả các Thành viên Hội đồng để họ nghiên cứu phản biện trước Hội đồng tuyển chọn.

Khi phát động giải thưởng năm thứ 2 vào tháng 7/2012, chúng tôi đã đưa thông tin tới cộng đồng thông qua lễ phát động GTBS, gửi thông tin tới hơn 40 trường ĐH hàng đầu cả nước, làm việc với các Vụ thuộc các Bộ liên quan, với các Viện nghiên cứu, Liên hiệp hội, Trung tâm nghiên cứu, đơn vị sự nghiệp chuyên trách… để quảng bá giải thưởng.

Mặt khác, trường chỉ đóng vai trò là đơn vị tiếp nhận hồ sơ chứ không can thiệp hay loại ra bất cứ hồ sơ nào. Hồ sơ nào đoạt giải là do quyết định của hội đồng xét giải và Chủ tịch Quỹ Bảo Sơn là người quyết định cuối cùng.

Đánh giá về công trình khoa học được thông qua bởi Hội đồng sơ khảo và Hội đồng chung khảo. Vòng sơ khảo gồm 5 hội đồng cho 5 lĩnh vực. Thành viên của mỗi hội đồng là các nhà khoa học đúng chuyên môn hàng đầu và các nhà quản lý trong lĩnh vực liên quan đến từ nhiều đơn vị, tổ chức, cơ quan ban ngành khác nhau. Vòng chung khảo cũng gồm các nhà khoa học và quản lý hàng đầu có uy tín cao. Tất cả các thành viên hội đồng đều do Chủ tịch quỹ Bảo Sơn phê duyệt. Ngoài ra các Hội đồng đều có sự tham gia của Chủ tịch quỹ Bảo Sơn với vai trò Chủ tịch Hội đồng và Tổng Giám đốc tập đoàn Bảo Sơn với vai trò là thành viên.

Trường ĐH Kinh tế – ĐHQGHN chỉ tham gia với vai trò thành viên và thư kí theo đúng Quy chế GTBS. Kết quả cuối cùng dựa trên việc bỏ phiếu kín và đã có sự đồng thuận rất cao từ các thành viên của hội đồng xét giải.

Như Chủ tịch quỹ Bảo phát biểu trong cuộc họp báo, quy trình và quá trình xét giải chặt chẽ nghiêm túc đảm bảo giải thưởng Bảo Sơn minh bạch, công minh và công bằng.

– Xin cảm ơn ông!.