Trang chủ » Thế giới » Trước thanh tra: Điểm lại chính sách vàng miếng

Trước thanh tra: Điểm lại chính sách vàng miếng

Tác giả:

Trong thời gian 60 ngày, kể từ ngày công bố quyết định, Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra ngân hàng Nhà nước (NHNN), làm rõ trách nhiệm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị này đối với hoạt động kinh doanh vàng, huy động và cho vay vốn bằng vàng trong thời gian từ tháng 1.2009 đến hết tháng 3.2013. Xin điểm lại các chính sách đối với vàng trong khoảng thời gian này và phản ứng thị trường đối với chính sách.

Cơn sốt chính sách đối với vàng cũng bắt đầu từ năm 2009, trùng với thời điểm bị thanh tra. Ngày 30.12.2009, Thủ tướng Chính phủ ra văn bản số 369/TB-VPCP yêu cầu chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày ký (từ 30.3.2010), mọi hoạt động liên quan đến kinh doanh sàn giao dịch vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước (gọi là sàn vàng) phải chấm dứt hoạt động. Quyết định này được đưa ra sau khi có nhiều ý kiến cảnh báo rủi ro của hoạt động này đối với nền kinh tế cũng như sự thiếu vắng các định chế pháp lý điều chỉnh và đề xuất của chính NHNN – đơn vị ký giấy phép thành lập ra các sàn vàng.

Quyết định của Thủ tướng cũng yêu cầu thống đốc NHNN bãi bỏ ngay quy định về việc kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài theo quyết định số 3/2006/QĐ-NHNN ngày 18.1.2006.

Thực hiện yêu cầu này, ngày 29.6.2010, NHNN ra thông tư số 17/2010/TT/NHNN với nội dung các tổ chức tín dụng đang kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài có trách nhiệm tất toán, đóng các tài khoản kinh doanh ở nước ngoài, chậm nhất đến hết ngày 31.7.2010, các giấy phép mà NHNN đã cấp sẽ hết hiệu lực từ ngày 1.8.2010. Trước khi có quyết định này, cả nước có khoảng 20 sàn vàng được tổ chức theo nhiều hình thức góp vốn khác nhau và hoạt động trên cả thị trường trong và ngoài nước (không kể các sàn vàng chui vẫn duy trì hoạt động cho tới gần đây).

{keywords}
Từ trước khi có nghị định 24, NHNN đã yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất vàng phi SJC ngưng sản xuất.

Từ năm 2010, NHNN bắt đầu siết việc huy động và cho vay vốn bằng vàng của các ngân hàng thương mại. Từ mười năm trước, nghiệp vụ này đã được cho phép, thậm chí cả việc chuyển vàng sang tiền đồng. Thông tư 11 do NHNN ban hành ngày 29.4.2011 yêu cầu ngưng chuyển vàng sang tiền đồng từ 1.5.2011, tiến tới dừng huy động – cho vay vàng với hạn chót tất toán (lần thứ nhất) được ấn định là 1.5.2012, nhưng sau đó bị điều chỉnh với hạn chót (lần thứ hai) là 25.11.2012 và hạn chót (lần thứ ba) là 30.6.2013. Thế nhưng, chỉ hơn năm tháng sau khi ban hành thông tư 11, khi các ngân hàng thương mại đã ngừng chuyển vàng sang tiền đồng theo lệnh và đang trong lộ trình tất toán giao dịch vàng thì NHNN phải thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá vàng (mà thống đốc nổi tiếng với tuyên bố nếu chênh lệch giá trong nước và thế giới trên 400.000 đồng/lượng là có dấu hiệu đầu cơ).

Giải pháp mà NHNN chọn là ngày 6.10.2011 ra thông tư 32 sửa thông tư 11 cho phép một số ngân hàng thương mại đủ điều kiện được chuyển đổi một phần số vàng huy động và giữ hộ tồn quỹ thành tiền để bổ sung nguồn cung vàng trên thị trường trong nước. Các ngân hàng sẽ đồng thời được mở tài khoản vàng ở nước ngoài để cân bằng trạng thái. Giải pháp này của NHNN là nỗ lực tiếp sau giải pháp bình ổn trước đó hơn một tháng, nhưng thất bại (với khoảng cách chênh lệch tới 1 triệu đồng/lượng), khi NHNN kêu gọi các doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng bán vàng giá rẻ hơn thị trường, bù lại họ sẽ được cấp quota nhập khẩu vàng. Chính sách này về sau trở thành một phần lý do của việc phải lùi thời hạn tất toán giao dịch vàng tới mấy lần, vì một số ngân hàng thương mại lại phải tham gia nhiệm vụ “công ích” do NHNN giao, bên cạnh lý do nhiều ngân hàng khác không kịp tiến độ vì lý do chủ quan.

Gây chú ý và tác động mạnh nhất đối với thị trường là sự ra đời của nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực từ 25.5.2012. NHNN là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định tại nghị định này. Theo đó, Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được NHNN cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.

Sau đó, ngày 23.8.2012, NHNN đã ký quyết định 1623 về tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng với nội dung NHNN sẽ tổ chức sản xuất căn cứ vào mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ và cung cầu vàng miếng trên thị trường, giao SJC gia công vàng miếng cho NHNN.

Trên thực tế, theo các đơn vị sản xuất vàng phi SJC, từ trước khi có nghị định 24, NHNN đã yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất vàng phi SJC ngưng sản xuất. Thông tin về chủ trương thị trường chỉ còn một mình thương hiệu SJC đã khiến người dân đổ xô bán vàng phi SJC khiến vàng các thương hiệu này mất giá, gây thiệt hại cho doanh nghiệp lẫn người dân. Và từ 10.1.2013, thời điểm mà theo thông tư 16 của NHNN hướng dẫn thi hành nghị định 24 tất cả doanh nghiệp, tổ chức tín dụng kinh doanh vàng miếng phải được NHNN cấp phép, số điểm mua – bán vàng miếng trên cả nước chỉ còn 2.500, bằng khoảng 1/4 so với trước, làm cho việc mua – bán của người dân trở nên khó khăn hơn.

Việc NHNN độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC, ngân hàng thương mại phải tất toán các giao dịch vàng khiến cầu vàng SJC tăng mạnh trong khi khả năng gia công và chuyển đổi vàng phi SJC sang SJC của công ty SJC có hạn và tốn nhiều thời gian kiểm định. NHNN đã phải cho phép các tổ chức tín dụng tạm xuất vàng phi SJC, tái nhập vàng nguyên liệu để SJC gia công thành vàng SJC.

Mới đây, sau khi có quyết định 16/2013/QĐ-TTg về việc mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của mình, NHNN đã thực hiện nhiều phiên bán vàng ra thị trường thông qua hình thức đấu giá, chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu tất toán vàng của các ngân hàng thương mại. Theo quyết định 16, căn cứ mục tiêu của chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ, NHNN mua, bán vàng miếng để can thiệp, bình ổn thị trường vàng trong nước và được mua vàng miếng để bổ sung vào dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Tranh luận gần đây xảy ra trong bối cảnh việc bán đấu giá vàng không giúp thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá thế giới mà càng ngày càng mở rộng ra (đỉnh điểm là gần 6,5 triệu đồng/lượng), nhưng NHNN nói mình chỉ bình ổn thị trường chứ không bình ổn giá. Trước đó, vào cuối năm 2012, sau một thời gian tích cực bình ổn giá nhưng không hiệu quả, thống đốc Nguyễn Văn Bình trả lời chất vấn tại Quốc hội rằng “không nhất thiết phải bình ổn giá vàng”. Trả lời này khiến các đại biểu không hài lòng, đại biểu dẫn lại nghị quyết của Quốc hội từ năm 2011 yêu cầu không để giá vàng trong nước chênh lệch với giá vàng thế giới. Nghị quyết kinh tế – xã hội năm 2013 mà Quốc hội vừa thông qua cũng nêu: khắc phục bất cập trong quản lý, ổn định thị trường vàng trong nước, liên thông với giá vàng thế giới, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp về tài sản của người dân.