Trang chủ » VNR500 & FAST500 » Đổi mới vẫn cần ‘chất keo’ truyền thống

Đổi mới vẫn cần ‘chất keo’ truyền thống

Tác giả:

Tham dự sự kiện Vietnam CEO Summit 2013 và có bài phát biểu dành cho các nhà quản trị thuộc các DN hàng đầu Việt Nam tới đây, GS Frank Go đã chia sẻ với Vietnam Report về quan điểm quản trị quá trình đổi mới trong doanh nghiệp để mang lại thành công.

Cần đổi mới tầm nhìn

Nói về lý do các doanh nghiệp cần phải coi đổi mới như là nguồn lực cho thành công của DN, GS cho rằng bối cảnh nền kinh tế hiện nay đã có nhiều thay đổi đòi hỏi các nhà quản trị cần phải có tầm nhìn đổi mới để có thành công.

Các nền kinh tế Mỹ, EU và Nhật Bản tăng trưởng chậm lại làm giảm nhu cầu hàng hóa nhập khẩu tại các khu vực này. Trong ngắn hạn, triển vọng hồi phục kinh tế thế giới là rất mờ nhạt. Do vậy, các quốc gia châu Á dựa nhiều vào xuất khẩu cần phải cân bằng lại tăng trưởng thông qua cầu nội địa, đặc biệt là thông qua sự phát triển của khu vực dịch vụ.

Tại các nước châu Á, xu hướng chú trọng vào tăng trưởng khu vực dịch vụ sẽ tiềm ẩn rủi ro lớn khi các doanh nghiệp trở nên dễ tổn thương hơn. Chính vì thế, các nhà quản trị cần phải dự báo tốt và có các giải pháp đối phó với thực tế khó khăn.

Các nhà quản trị cũng cần có tầm nhìn đổi mới về xu hướng thay đổi hành vi và giá trị của nhân viên, người tiêu dùng và người dân do sự lan tỏa công nghệ, cạnh tranh và kinh tế vĩ mô dẫn tới sự thay đổi của toàn thị trường.

{keywords}
GS. Frank Go (bên trái) tại Lễ trao giải VNR500 ngày 13/1/2012

Việc các nước châu Á đang tăng trưởng rất nhanh cũng làm gia tăng việc chạy đua săn tìm các nguồn lực khan hiếm. Vì vậy, việc đổi mới công ty cùng với tăng trưởng bền vững là rất có ý nghĩa khi nhu cầu năng lượng ngày càng tăng và những bất ổn liên quan đến các tranh chấp năng lượng.

Năng lượng là xương sống của hoạt động kinh doanh và việc tiếp cận năng lượng là điều kiện tiên quyết cho thành công của một doanh nghiệp. Các công ty cần phải tư duy và coi đất đai, nước, và nguồn năng lượng như một phần không tách rời trong chiến lược đổi mới để phát triển bền vững và sử dụng những hệ thống, phương pháp và vật liệu giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào đất đai, nước và nhiên liệu.

Những cản trở từ mô hình kinh doanh cũ

Mô hình quản lý kiểu châu Á nhấn mạnh việc quản lý các mối quan hệ một cách hòa hợp. Các công ty châu Á vốn luôn xây dựng hình ảnh của họ như là những gia đình. Với các mối quan hệ gia đình thì niềm tin là tuyệt đối; ra khỏi phạm vi đó thì cần mất rất nhiều thời gian để gây dựng được niềm tin. Mối quan tâm chủ yếu của công ty là về các giá trị truyền thống, như tôn trọng người lớn tuổi hơn và chức vụ cao hơn, phản ánh việc quản lý từ trên xuống và một tư duy về thành quả lâu dài dựa trên việc tạo ra giá trị trao đổi.

Tuy nhiên, sự đổi mới và các giá trị truyền thống thường đối lập và mâu thuẫn lẫn nhau. Nhiều nền văn hóa châu Á đang đối đầu cuộc khủng hoảng về giá trị, khi một bên là hệ thống giá trị truyền thống khởi nguồn từ những cộng đồng sản xuất nông nghiệp và gia đình nhiều thế hệ, nghĩa là một nền văn hóa trong đó họ hàng chăm sóc lẫn nhau và hệ thống phúc lợi công cộng là không cần thiết, và bên kia là những giá trị mới bắt nguồn từ nền kinh tế dựa trên sản xuất và tài chính – một nền văn hóa mà người lao động thường phải chuyển đến những đô thị xa để tìm việc và thường phải để các thành viên trong gia đình tự lo cho chính họ.

Theo các báo cáo, các doanh nghiệp phương Tây thường khó chịu và mất kiên nhẫn với quy trình chậm chạp trong các thủ tục xin cấp phép của Nhà nước để mở một doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam.

Câu hỏi đặt ra: xã hội và doanh nghiệp Việt Nam có thể kết nạp sự hiện đại hóa trong khi vẫn bảo tồn các giá trị truyền thống? Nghịch lý ở đây là thành công của doanh nghiệp dựa vào sự đổi mới trong khi việc duy trì các giá trị truyền thống lại đóng vai trò như chất keo dính kết nối quan hệ cảm xúc và tin cậy trên cả hai mức độ “doanh nghiệp với khách hàng” và “doanh nghiệp với doanh nghiệp”.

Vai trò quan trọng của network

Giáo sư Frank Go nhấn mạnh đến vai trò của việc kết nối mạng lưới, chia sẻ kinh nghiệm và thông tin. Các điều kiện bất ổn đòi hỏi cần phải có các cách tiếp cận tổ chức và quản lý đổi mới trong xã hội toàn cầu hóa. Để giải quyết tình trạng bất ổn, cần mở rộng các mạng lưới liên kết và hợp tác, tận dụng các nhóm tri thức rộng hơn trong đó có các công ty, cơ quan nhà nước và trường đại học, hay nói cách khác là học quản trị đổi mới ở cấp độ nhóm (network).

Được biết, trong hội nghị Vietnam CEO Summit 2013 tới đây, GS sẽ chia sẻ các quan điểm chiến lược về đổi mới trong kinh doanh để thành công cùng với kinh nghiệm từ các công ty quốc tế nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam tháo gỡ các khó khăn, có thêm ý tưởng và mạnh dạn áp dụng việc sáng tạo và đổi mới trong quản trị.

Hội nghị Viet Nam CEO Summit 2013 do Vietnam Report phối hợp với Báo VietNamNet tổ chức với chủ đề: “Kinh tế sáng tạo: Đổi mới để thành công”, ngày 23/8 tại khách sạn InterContinetal, TP.HCM.

GS.TS Frank Go đang là giáo sư marketing hàng đầu tại Đại học Erasmus, Hà Lan. Ông được biết đến là chuyên gia hàng đầu thế giới về áp dụng kinh tế sáng tạo trong xây dựng thương hiệu, đặc biệt là thương hiệu tầm cỡ quốc gia và tập đoàn lớn. Ông làm tiến sỹ tại Đại học George Washington, Washington DC và Đại học Amsterdam. Frank Go đồng thời là thành viên Hội đồng tư vấn tập đoàn Media Tenor và chủ tịch đồng sáng lập của Place Brandz Research Group.

Ông cũng là tác giả của nhiều cuốn sách như Place Branding Glocal, Virtual and Physical Identities, Constructed, Imagined and Experienced (2009), và hàng loạt các Niên giám Xây dựng thương hiệu quốc tế do Palgrave MacMillan xuất bản, như Thời đại của đổi mới (2010), Quản lý rủi ro danh tiếng (2011), Tăng trưởng thông minh và bền vững (2012).