Trang chủ » VNR500 & FAST500 » Việt Nam lãng phí thị trường hàng xa xỉ

Việt Nam lãng phí thị trường hàng xa xỉ

Tác giả:

“Chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa… ” là mục tiêu phát triển kinh tế trọng điểm của Việt Nam giai đoạn 2011-2015. Đến nay, sau hơn nửa chặng đường, kế hoạch này đã được thực hiện đến đâu?

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng

Theo kết quả tổng hợp từ Tổng cục Thống kê, nền kinh tế đang có sự chuyển dịch nghiêng về ngành công nghiệp và dịch vụ. Tỷ trọng ngành nông, lâm, ngư nghiệp đang được điều chỉnh giảm dần sau khi tăng gần 1,5% năm 2011, tỷ trọng ngành dịch vụ tăng dần đều, đồng thời tỷ trọng ngành công nghiệp tiếp tục được duy trì, hướng cơ cấu nền kinh tế về gần với mục tiêu: nông nghiệp chiếm 17-18%, công nghiệp và xây dựng chiếm 41-42% và dịch vụ chiếm 41- 42% trong năm 2015. Sáu tháng đầu năm 2013, cơ cấu đang nghiêng về phía ngành dịch vụ (43,12%), tỷ trọng ngành nông nghiệp được điều chỉnh xung quanh mốc 18% nhưng ngành công nghiệp lại giảm còn 38,7%. Do đó, 6 tháng cuối năm 2013 tới đây sẽ là thách thức lớn cho ngành công nghiệp.

{keywords}

Hình 1: Cơ cấu kinh tế từ năm 2009 đến nay (GDP theo giá thực tế)

Nguồn: TCTK, VNR tổng hợp

Công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành tâm điểm

Chỉ số sản xuất công nghiệp cập nhật đến hết tháng 7/ 2013 cho thấy có sự tăng trưởng toàn diện trong nhóm ngành sản xuất chế tạo so với cùng kỳ năm trước cũng như tháng trước đó, trong đó nhóm điện, nước có sự gia tăng đột biến do tính chất “mùa vụ”, phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, trong khi công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn đang duy trì tốt tốc độ tăng trưởng của mình khi “ung dung” tăng đều ở mức 4-6%.

{keywords}

Hình 2: Biểu đồ tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp theo nhóm ngành (cập nhật đến hết tháng 7/2013)

Nguồn: TCTK

Cần ưu tiên các sản phẩm công nghệ cao

Trong nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo, so sánh giữa các chỉ số tiêu thụ và tồn kho có thể thấy nổi bật lên 2 nhóm sản xuất: tiêu thụ nhiều, tồn kho ít (sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; sản xuất sản phầm điện tử, máy vi tính, và sản phẩm điện quang; sản xuất xe có động cơ); và tiêu thụ ít, tồn kho nhiều (sản xuất đồ uống; sản xuất thuốc lá; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế). Rõ ràng, các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ hiện nay như hàng điện tử, công nghệ thông tin hay phương tiện vận chuyển đều có tiềm năng tiêu thụ cao nhưng lượng sản xuất trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu trong nước, hầu hết phải nhập khẩu. Đây là sự lãng phí “thị trường” và sẽ là mảnh đất màu mỡ thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam.

Trong 7 tháng đầu năm 2013, chỉ số sản xuất so với cùng kỳ năm trước của mặt hàng tivi và điện thoại di động tuy có tăng (103,8% và 108,5%) nhưng vẫn thiếu hàng, tương tự như sản phẩm ô tô và xe máy (113% và 119,1%). Một số mặt hàng đã giảm lượng sản xuất khi thị trường giảm nhu cầu như nhóm sản phẩm vật liệu xây dựng (gạch xây bằng đất nung giảm 3,4%, sắt thép thô giảm 13,6%), hay nhóm sản phẩm dệt (vải dệt từ sợi tự nhiên giảm 1,9%, vải dệt từ sợi tổng hợp giảm 5,7%), nên chỉ số tồn kho không tăng nhiều. Trong khi đó, dù đã giảm lượng sản xuất, nhưng các sản phẩm giường, tủ, bàn, ghế vẫn tồn hàng, và chỉ số tiêu thụ cũng khiêm tốn giảm tới 8,9% trong 6 tháng đầu năm 2013 (so với cùng kỳ 2012).

 

{keywords}

Hình 3: Biểu đồ tăng trưởng các chỉ số sản xuất công nghiệp, tiêu thụ và tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

Nguồn: TCTK

Lưu ý: Chỉ số sản xuất công nghiệp tính trong 7 tháng đầu năm 2013 so với 7 tháng đầu năm năm 2012
Chỉ số tiêu thụ tính trong 6 tháng đầu năm 2013 so với 6 tháng đầu năm 2012
Chỉ số tồn kho tính đến 1/7/2013 so với 1/7/2012

Thực tế cho thấy, với năng lực của Việt Nam hiện nay thì mới chỉ có thể nhập khẩu và lắp ráp các sản phẩm đòi hỏi công nghệ và kỹ thuật cao như ô tô, xe máy, tivi, điện thoại di động… Honda, Trường Hải, Vinaxuki… là những doanh nghiệp liên doanh nổi tiếng trong ngành ô tô, xe máy, dù tỷ lệ nội địa hóa đang tăng nhưng vẫn là “đồ nội khoác áo ngoại”, với quy trình và công nghệ của nước ngoài. Do đó, thay vì cố biến mình thành những bản sao của Nhật Bản, Hàn Quốc, hay Trung Quốc, Việt Nam nên tìm cho mình một lối đi riêng để tận dụng tối đa và hiệu quả những lợi thế vốn có của mình như nguồn nhân lực chất lượng cao, sáng tạo và có tay nghề, trong khi tiềm năng thị trường lại khá lớn. Và con đường đó, đương nhiên rất cần sự góp sức của nhiều doanh nghiệp Việt.

Đã đến lúc doanh nghiệp sản xuất cần đổi mới và điều chỉnh hướng đi của mình theo đúng hướng và cùng nhịp với tiến trình “định vị thương hiệu Việt”.

Ngày 23/8 tại khách sạn InterContinetal, TP.HCM, Hội nghị Viet Nam CEO Summit 2013 do Vietnam Report phối hợp với Báo VietNamNet sẽ được tổ chức với chủ đề: “Kinh tế sáng tạo: Đổi mới để thành công”, Hội nghị sẽ là diễn đàn lớn để các doanh nghiệp Việt Nam bàn về việc áp dụng sáng tạo và đổi mới như một cách thức tạo động lực và sức bật mới cho doanh nghiệp Việt.