Trang chủ » Kinh doanh » Ngân hàng ế vốn ưu đãi vì thiếu nhà xã hội

Ngân hàng ế vốn ưu đãi vì thiếu nhà xã hội

Tác giả:

30 ngàn tỷ, cho vay hơn 30 tỷ

Thông báo mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, sau hai tháng cho vay hỗ trợ nhà ở kết quả vẫn còn rất hạn chế.

Cụ thể, trong tháng đầu tiên triển khai chương trình (6/2013), các NHTM đã giải ngân 3,46 tỷ đồng cho 19 khách hàng cá nhân và 34,3 tỷ đồng cho 1 khách hàng doanh nghiệp.

Trong tháng thứ 2, tình hình có vẻ khả quan hơn khi tính đến cuối tháng tiếp theo (31/7/2013), các ngân hàng đã cam kết cho vay 159 khách hàng cá nhân với số tiền là 46,56 tỷ đồng, trong đó, đã giải ngân cho 148 khách hàng với dư nợ 34,13 tỷ đồng. Tuy nhiên con số này vẫn còn quá ít ỏi so với nguồn vốn 30 ngàn tỷ và quá nhỏ bé so với nhu cầu của người cần mua nhà.

Thậm chí, số liệu mới nhất cho thấy, đến 13/8/2013, tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay 219 khách hàng cá nhân với số tiền là 65,57 tỷ đồng; trong đó, đã giải ngân cho 208 khách hàng với dư nợ 48,92 tỷ đồng.

Trong đó, Vietinbank cam kết cho vay 23,8 tỷ đồng, trong đó giải ngân 19,5 tỷ đồng cho 78 khách hàng; Viecombank cam kết cho vay 22,12 tỷ đồng, trong đó giải ngân 17,11 tỷ đồng cho 71 khách hàng; BIDV cam kết cho vay 10,05 tỷ đồng, trong đó giải ngân 5,46 tỷ đồng cho 25 khách hàng; Agribank cam kết cho vay 6,9 tỷ đồng, trong đó giải ngân 6,847 tỷ đồng cho 34 khách hàng; MHB cam kết cho vay 2,7 tỷ đồng với 11 khách hàng (chưa giải ngân).

Tính theo địa phương, Đà Nẵng là thành phố cho vay hỗ trợ nhà ở đối với khách hàng cá nhân lớn nhất (chiếm tỷ trọng 29,25% toàn quốc), tiếp theo là Hà Nội (28,58%), Vĩnh Phúc (11,85%), TP. Hồ Chí Minh (10,51%), còn lại 19,81% ở các tỉnh, thành phố khác.

Trong khi đó đối với khối DN, chỉ mới có BIDV được ký hợp đồng tín dụng (trong khuôn khổ gói 30 nghìn tỷ) với 2 khách hàng (1 khách hàng ở Huế và 1 khách hàng ở TP Hồ Chí Minh) với số tiền là 658 tỷ đồng. Tuy nhiên, BIDV đã giải ngân cho 1 khách hàng ở Huế với số tiền là 34,3 tỷ đồng; Agribank đang làm thủ ký hợp đồng tín dụng với 1 khách hàng ở Cần Thơ với số tiền 50 tỷ đồng.

Theo báo cáo của các ngân hàng còn lại thì các ngân hàng sẽ hoàn thành việc thẩm định một số dự án và sẽ báo cáo xin xác nhận nguồn vốn của NHNN trong tháng 8/2013.

Vốn sẵn nhưng nhà đâu

Đối tượng chủ yếu của gói cho vay 30 ngàn tỷ là nhà ở xã hội, nhà thương mại loại nhỏ dưới 70 m2 và có giá dưới 15 triệu đồng. Đây là loại nhà phù hợp với nhu cầu của đại đa số người dân. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Xây dựng thì tồn kho bất động sản toàn quốc khoảng 27.805 căn, tập trung chủ yếu ở phân khúc cao cấp và hạng sang, còn phân khúc nhà ở trung bình, nhà ở xã hội không đáng kể.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, thời gian trước đây các doanh nghiệp chỉ chú trọng đầu tư nhà ở thương mại cao cấp, có quy mô lớn và giá bán cao nên quỹ nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có quy mô dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 tại các địa phương đến thời điểm hiện nay rất khan hiếm.

Do đó, nguồn cung để đáp ứng nhu cầu cho các cá nhân đủ điều kiện vay mua, thuê, thuê mua nhà theo chương trình hỗ trợ nhà ở còn hạn chế.

Thừa nhà sang, thiếu căn hộ giá rẻ.

Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng nguyên nhân chính khiến tiến độ giải ngân chậm là chưa có nhiều sản phẩm nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá dưới 15 triệu/m2, diện tích dưới 70m2 để người dân lựa chọn ký hợp đồng mua và thỏa mãn điều kiện vay.

Trong khi đó, việc xem xét cho chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, điều chỉnh cơ cấu diện tích các căn hộ nhà ở thương mại cho phù hợp tiêu chí vay đang rất chậm, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Giải thích về việc khan hiếm nhà xã hội, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, trước đây việc triển khai nhà xã hội là do các DN tự nguyện làm trên cơ sở chính sách hỗ trợ của Nhà nước, với lợi nhuận khống chế tối đa là 10%.

“Với DN thấy có lợi họ mới làm nhưng lợi nhuận 10% thấp hơn nhiều nhà thương mại, trong khi nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước chưa có nên triển khai rất chậm, dẫn đến nguồn cung thiếu”, đại diện Bộ Xây dựng lý giải.

Theo quy định, nhà ở ký hợp đồng sau 7/1/2013 mới được hưởng vốn vay ưu đãi nên cũng hạn chế số khách vay.

Hiện nay, Bộ Xây dựng ddang đẩy mạnh mọi cách để tăng cung nhà xã hội. Tuy nhiên, , hầu hết các dự án nhà ở xã hội hiện mới bắt đầu triển khai nên chưa có hàng hóa cho thị trường. Trong khi đó việc chuyển đổi căn hộ lớn sang nhỏ, căn hộ sang xuống bình dân phải qua nhiều quy trình… Đặc biệt, liên quan đến việc điều chỉnh nhiều yếu tố quy hoach, thiết kế nên rất chậm.

Có lẽ vì thế, khi đặt câu hỏi về mục tiêu giải ngân vốn cho vay ưu đãi mua nhà trong năm nay, địa diện NHNN không thể có câu trả lời cuối cùng vì điều này còn phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung nhà thuộc đối tượng cho vay.