Trang chủ » VNR500 & FAST500 » DN lớn không tin kinh tế phục hồi trong 2014

DN lớn không tin kinh tế phục hồi trong 2014

Tác giả:

Bên cạnh đó, một tín hiệu đáng chú ý là doanh nghiệp Việt đang bớt đi sự lo sợ về lạm phát cao và tín dụng khó tiếp cận, thay vào đó, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lớn đang chú trọng hơn tới môi trường cạnh tranh bình đẳng, cũng như gia tăng hoạt động R&D, đổi mới và sáng tạo nhằm tạo ra sự khác biệt, nâng cao năng lực cạnh tranh với mục tiêu tồn tại và phát triển trong dài hạn. Dường như, hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn trong những năm vừa qua đã mang tới những bài học đắt giá cho doanh nghiệp Việt, khi họ dần nhận thức rằng đã tới lúc phải xây dựng các năng lực cạnh tranh bền vững trong dài hạn.

Doanh nghiệp không lo về lạm phát và tín dụng – nhưng lo ngại về cạnh tranh không bình đẳng

Theo kết quả khảo sát, CEO các doanh nghiệp lớn cho rằng, lạm phát trong năm 2013 sẽ không thể lên tới 2 con số.

{keywords}

Hình 1: Dự báo lạm phát năm 2013

 

43,2% số doanh nghiệp được hỏi nhận định lạm phát sẽ ở mức dưới 7% (xấp xỉ quanh mốc 6,81% của năm 2012), cùng số doanh nghiệp đó cho rằng mức lạm phát sẽ cao hơn năm 2012 nhưng vẫn được kiềm chế ở mức 1 con số. Chỉ 13,6% e ngại lạm phát có thể cao trên 10%, gây ảnh hưởng không tốt tới hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Khi được hỏi đâu là yếu tố có ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp trong năm 2013, chỉ 25% số doanh nghiệp cho rằng lạm phát tác động tới tình hình sản xuất và kinh doanh của mình. Những yếu tố như nguồn tín dụng khó tiếp cận (18,2%) đã không còn là yếu tố chính yếu có thể ảnh hưởng tới doanh nghiệp bởi tình hình khó khăn chung và rủi ro vỡ nợ đã khiến các doanh nghiệp thay vì đi vay, họ cân đối và sử dụng nguồn vốn tự có của mình để hoạt động.

Thay vào đó, phần đông doanh nghiệp (gần 66%) nhận định, sự cạnh tranh không lành mạnh và thông tin thiếu minh bạch mới thực sự có ảnh hưởng mạnh tới doanh nghiệp, 52,3% lo ngại về những thay đổi trong chính sách của Chính phủ, và 29,5% chật vật vì thiếu lao động tay nghề cao.

{keywords}

Những yếu tố có ảnh hưởng đến hoạt động của DN trong năm 2013

Không có nhiều chuyển biến khả quan trong kinh doanh năm 2013

Trong 6 tháng cuối năm 2013, hầu hết các doanh nghiệp cho biết doanh thu, lợi nhuận và quy mô lao động cũng sẽ khó có sự đột biến, trong đó không ít người quan ngại cho rằng, suy giảm doanh thu và lợi nhuận không phải là điều không thể.

{keywords}

Dự báo doanh thu 6 tháng cuối năm 2013, lợi nhuận và quy mô lao động trong năm 2013

50% doanh nghiệp dự đoán, doanh thu của mình sẽ tăng trong 6 tháng cuối năm 2013, nhưng chỉ 45,5% tin tưởng rằng lợi nhuận cả năm sẽ tăng hơn năm trước. Hơn 54% số doanh nghiệp dự tính lợi nhuận cả năm 2013 sẽ không đổi, thậm chí giảm hơn so với năm 2012, tuy nhiên quy mô lao động cơ bản sẽ được duy trì ổn định như năm 2012. 54,6% số doanh nghiệp được hỏi cho biết sẽ giữ nguyên quy mô lao động như hiện nay, 31,8% dự định tuyển dụng thêm lao động, trong khi chỉ có 13,6% dự định cắt giảm lao động trong năm 2013.

Vẫn chưa tìm thấy tín hiệu lạc quan trong kinh doanh năm 2014

57,7% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng trong năm 2014 tình hình kinh doanh sẽ tiếp tục bị bao trùm trong không khí ảm đạm như hiện nay, 20,4% nhận định, năm 2014 sẽ là một năm chật vật hơn của giới kinh doanh bởi tình hình chung sẽ xấu hơn, thậm chí rất xấu so với năm 2013, và chỉ có 21,9% cho rằng kinh doanh năm 2014 sẽ tốt hơn. Dường như niềm tin vào khả năng sớm phục hồi kinh doanh của doanh nghiệp đang suy giảm dần một phần do thực trạng kinh doanh khó khăn đang kéo dài quá lâu, trong khi những hỗ trợ từ phía Chính phủ không đủ sức vực dậy nền kinh tế đang trong trạng thái bất ổn và khó lường, buộc các doanh nghiệp phải tự tìm kiếm những phương án riêng biệt mới để tự cứu lấy mình.

{keywords}

Dự báo triển vọng kinh doanh năm 2014

Tập trung cho R&D và đổi mới là xu hướng mới trong thời gian tới

Trong thời gian tới đây, các doanh nghiệp cũng định hướng đầu tư chủ yếu cho việc nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng (81,8%), phát triển nguồn nhân lực (63,6%), R&D và đổi mới (54,5%).

Trong khi đó, một cuộc khảo sát các doanh nghiệp lớn cũng do Vietnam Report thực hiện vào tháng 1/2013 lại chỉ ra rằng, 3 ưu tiên chính của doanh nghiệp trong năm 2013 bao gồm: Nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng (73,6%), mở rộng thị trường trong và ngoài nước (57,5%) và phát triển nguồn nhân lực (51,7%). Rõ ràng, sau hơn 6 tháng, các doanh nghiệp Việt đã thay đổi quan điểm và nhận định, đầu tư cho R&D và đổi mới là cần thiết trong bối cảnh cạnh tranh không chỉ giúp nâng cao uy tín mà còn quyết định sự sinh tồn của doanh nghiệp.

{keywords}

Ưu tiên đầu tư chính của doanh nghiệp trong năm 2013

 

{keywords}

Đâu là lĩnh vực doanh nghiệp lựa chọn để đổi mới trong 3 năm tới?

 

Khi được hỏi, đâu sẽ là lĩnh vực doanh nghiệp lựa chọn để đổi mới trong 3 năm tới, đa số các CEO tham dự Hội nghị đều lựa chọn sản phẩm (50%) là yếu tố chính cần được lưu tâm trước tiên. Kết quả này cũng phù hợp với khảo sát toàn cầu của PwC về quan điểm CEO với vấn đề sáng tạo và đổi mới trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt lựa chọn thay đổi mô hình kinh doanh (50%) và hệ thống và quy trình (43,2%) trong danh sách 3 yếu tố chính cần đổi mới trong giai đoạn hiện nay. Có lẽ theo các CEO Việt, đổi mới trước hết phải từ tư duy và quản trị hoạt động, thay vì theo đuổi sự “mới và lạ” thay đổi liên tục từ công nghệ và trải nghiệm khách hàng.

Kh ảo sát tương tự về mức độ quan trọng của các nhân tố tạo nên sự thành công trong công cuộc đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, đồng quan điểm với CEO toàn cầu, các CEO Việt Nam cho rằng việc lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng và doanh nghiệp có văn hóa thích hợp đề thúc đẩy và hỗ trợ đổi mới là 2 yếu tố chính sẽ đưa doanh nghiệp đến gần hơn với đích sáng tạo và đổi mới. Nhưng thay vì mức độ sẵn sàng thay đổi các quy chuẩn tổ chức và chấp nhận rủi ro, các lãnh đạo Việt lại đánh giá cao năng lực và nguồn lực cho đổi mới hơn với vai trò là bàn đạp thúc đẩy đổi mới thành công.

Có thể thấy rằng, tiếp cận với đổi mới và sáng tạo từ góc độ quản lý, các lãnh đạo doanh nghiệp Việt đã sẵn sàng chấp nhận những thách thức, bao gồm cả những thất bại mà bất kỳ doanh nghiệp nào đều có thể vấp phải trên con đường chinh phục thành công. Thay đổi những thói quen đã tồn tại từ lâu là hành động không dễ, đòi hỏi rất nhiều sự dũng cảm, dám nghĩ dám làm và dám thất bại, nhưng chỉ khi thay đổi, doanh nghiệp Việt mới có đủ sức mạnh để cạnh tranh với các đối thủ trong nước nói riêng và doanh nghiệp toàn cầu nói chung. Đó là yêu cầu, cũng là con đường sống còn của doanh nghiệp. Và đương nhiên, trên con đường thành công luôn không có bước chân của những kẻ lười biếng!