Trang chủ » Doanh nhân » Hiếm có, ăn đặc sản rêu ở Thanh Hóa

Hiếm có, ăn đặc sản rêu ở Thanh Hóa

Tác giả:

Kỳ lạ “máng” đá

Những hạt mưa rào đang lộp độp trên mái hiên, ông Mai Văn Dũng – Trưởng Phòng văn hóa huyện Nga Sơn buột miệng: “Giá như mưa ngớt khi trời chưa tối thì hay biết mấy, kiểu gì chúng ta cũng được thưởng thức món Máng, đặc sản của núi Nga Sơn”.

Được biết, Máng là món ăn người dân Nga Sơn rất thích. Về hình dạng thì Máng mềm dài và dai. Sau một hai nắng Máng giống mộc nhĩ. Còn lúc khô Máng chỉ còn là những sợi nhỏ li ti, đan xen nhau, không ra hình dạng gì. Theo khoa học thì Máng là một loại rêu mọc trên đá vôi và cho đến giờ vẫn chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào liên quan đến hàm lượng dinh dưỡng của Máng.

Theo ông Dũng và bà con ở huyện Nga Sơn, Máng được hình thành bởi nước mưa đọng lại trên đá nên người ta mới gọi là rêu đá. Máng có thể mọc trên mỏm đá, có thể dưới bụi cỏ trên sườn núi, thậm chí ở ngay trên mặt phiến đá, thế nhưng không phải cứ leo lên sườn núi là có thể nhìn thấy Máng. “Chỗ nào nhiều lắm cũng chỉ rộng bằng vài ba cái chiếu là cùng”, ông Dũng cho biết. Câu chuyện về tuổi thơ leo núi lấy Máng của ông trưởng phòng kết thúc cũng là lúc những hạt mưa cuối cùng rơi xuống, người nhà ông Dũng bắt đầu rủ nhau đi lấy Máng.

Đồ đạc đã chuẩn bị xong, chúng tôi theo chị Mai Thị Minh, Mai Thị Bằng, Mai Thị Thiện, cùng một số người đi vào khu vực khai thác đá, nơi mà chị Minh khẳng định ở đó có nhiều Máng nhất.

Đúng là nơi nguy hiểm thực sự. Khu sườn núi này đã bị người ta nổ mìn, đánh mất chân núi, hàng nghìn khối đá sẵn sàng sập xuống, đè bẹp hàng chục con người bé nhỏ đang lúi húi nhặt rêu, trong đó có chúng tôi. Đấy là chưa kể đến những khối đá lớn nằm chông chênh trên sườn núi, có thể lăn xuống bất cứ lúc nào. Cạnh đá sắc nhọn như những lưỡi dao, chỉ cần sơ sảy là có thể bị đứt chân tay.

Vừa nhặt Máng chị Minh vừa nói: “Máng này chỉ có vào mùa mưa. Nếu ăn không hết người ta đem phơi khô. Trước khi ăn người ta ngâm với nước cho nó nở ra. Phải mất cả buổi mới nở được hết, nó hút nhiều nước lắm. Máng có thể chế biến thành những món ăn như nộm, xào hoặc ăn sống, làm kiểu gì cũng ngon”.

Hiểm nguy rình rập

Cùng là người địa phương nhưng không phải ai cũng dám leo núi lấy Máng, bởi một phần vì sợ tai nạn. Thế nên, khi lấy Máng về đến nhà, đã có người đến mua. Giá mà họ đưa ra thường là 20 nghìn đồng/kg Máng tươi hoặc 80 nghìn đồng/kg Máng khô.

Những vụ đá lăn, đá sụt không phải là ít. Điển hình như vụ tai nạn của một anh công nhân khai thác đá. Hôm đó được nghỉ làm, thấy nhiều người leo núi lấy Máng, anh ta đi theo, thế rồi anh bị ngã gãy chân. Theo lời kể của chị Minh: “Anh ấy đứng trên một hòn đá khập khiễng mà không hay biết. Đứng thì không sao nhưng ngồi xuống là hòn đá trượt thẳng xuống. Thế rồi cả anh ấy và cả những hòn đá kia đều trượt xuống sườn núi. Mặt mũi anh ấy bị trầy xước hết, tay thì bị những hòn đá bắn vào thâm tím. Còn đôi chân thì bị một tảng đá to đè ngang, phải nhờ người mang xà beng bẩy đá lên mới đưa được anh ấy lên”.

Trời mưa người ta mới lên núi lấy Máng, song cũng chính trời mưa nên rêu mọc trên đá mới trơn. Rêu trơn nên không cẩn thận người leo núi phải trả một cái giá rất đắt. Không đơn thuần như xây xước, gãy tay, gãy chân mà là đánh đổi bằng cả tính mạng rồi nhiều hệ lụy đi cùng. Quả đúng như lời giới thiệu, Máng là một món ăn rất ngon, là đặc sản của đất trời ban cho vùng núi Nga Sơn, song người ta cũng hiểu rằng, nó có cái giá quá đắt khi kẻ thì tàn tật, người lại mất mạng chỉ vì Máng núi.