Trang chủ » Điểm nóng » Làm sạch lý lịch, đại gia ‘chối’ nợ vòng quanh

Làm sạch lý lịch, đại gia ‘chối’ nợ vòng quanh

Tác giả:

Rất nhanh sau khi đi vào hoạt động, VAMC đã mua khá nhiều các khoản nợ xấu của các NH. Lập tức, hàng loạt NH đổ xô đến VAMC để chào bán nợ xấu hàng ngàn tỷ đồng và công bố như một thành tích đáng mừng.

Dẫn đầu về số nợ bán cho VAMC là SCB. Trong đợt phát hành trái phiếu háng 10 vừa qua, VAMC đã dành cho SCB gần 1.191 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt. Trước đó, SCB cũng đã có được một lô trái phiếu trị giá 548 tỷ đồng. Như vậy, tổng cộng SCB đã bán nợ được 1.739 tỷ đồng.

Đứng ở vị trí thứ 2 là Agribank với 1.723 tỷ đồng. Trái phiếu được phát hành trong các đợt đầu có kỳ hạn 5 năm, lãi suất 0% và sẽ đáo hạn vào khoảng tháng 10/2018.

{keywords}

Theo đề án, sau mua nợ, DN con nợ sẽ được hỗ trợ ổn định, được vay vốn để phục hồi, trong khi đó NH thoát được nợ xấu cũng sẽ sống lành mạnh hơn. Lợi ích thấy rõ và đây là nguyên nhân khiến các NH xếp hàng bán nợ, rất nhiều hồ sơ được gửi tới VAMC cho dù chưa biết nợ xấu sẽ được xử lý như thế nào, thành công hay không, ít hay nhiều?. Vì thế, việc đẩy nợ không chỉ ở các NH có nợ xấu trên 3% mà còn có nhiều gương mặt có tỷ lệ nợ xấu thấp như ACB.

Cuối tháng 6 vừa qua, Chính phủ đã đồng ý với đề nghị gia hạn thuế nhập khẩu trị giá hơn 1.200 tỷ đồng dành cho Công ty cổ phần ôtô Trường Hải sau khi xét đề nghị của UBND tỉnh Quảng Nam và Bộ Tài chính. Quyết định cho Trường Hải được gia hạn nộp thuế trong một năm, tới cuối tháng 6/2014 có lẽ không dễ dàng bởi tình hình ngân sách trong thời gian gần đây rất khó khăn.

Theo giải trình của Trường Hải, DN này đang ở trong tình trạng khó khăn đặc biệt, tồn kho lên tới trên 3.000 tỷ đồng, đang nợ các tổ chức tín dụng khoảng 5.600 tỷ đồng, sản xuất cầm chừng…

Trường hợp Công ty Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) cơ cấu lại nợ, gia hạn, giãn 1.000 tỷ đồng nợ thêm từ 1 đến 5 năm hồi cuối tháng 10 vừa qua lại là một ví dụ về hiện tượng đẩy nợ lên vai ngân hàng trong thời buổi khó khăn. Ngân hàng chứ không phải ai khác là người phải chấp nhận tiếp tục là chủ nợ, trong bối cảnh con nợ không có khả năng trả nợ.

Không chỉ giãn nợ, nhiều trường hợp DN còn gán nợ bằng các tài sản là BĐS cho các ngân hàng. DN bớt nợ còn các tổ chức tín dụng lại là người ôm nợ, ôm những khối tài sản BĐS đôi khi không biết làm gì, đành làm văn phòng hoặc kinh doanh kiếm đỡ tiền trả lãi cho người gửi tiền.

DN của đại gia Đặng Thành Tâm, Tổng Công ty Phát triển Đô Thị Kinh Bắc (KBC) hôm 4/11 cũng đã nhận được cái “gật đầu” của các cổ đông về việc phát hành 100 triệu cổ phiếu huy động 1.000 tỷ đồng để cần trừ dần cục nợ khổng lồ vay từ vài năm trước sắp đến thời kỳ đáo hạn. Thực chất đây cũng là một quyết định hoán đổi công nợ bằng cổ phần trong quá trình tái cấu trúc nguồn vốn nhằm mục đích giúp công ty giảm đáng kể các khoản nợ phải trả.

Trong trường hợp Vinaconex, tổng công ty này cũng đã thoát cảnh trả nợ thay cho Xi măng Cẩm Phả sau khi bán đứt DN con nợ nần đầm đìa này cho nhà giàu Viettel. Sự kiện này được cổ đông của Vinaconex chào đón nồng nhiệt bởi khối nợ giờ đây đã được đẩy sang vai Tập đoàn Viettel.

Công cuộc tái cấu trúc DN tại Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) với việc rút ra khỏi mảng BĐS trong nước có lẽ cũng nằm trong kế hoạch giảm nợ, thoái nợ của DN này. Theo kế hoạch HAGL sẽ để Công ty An Phú là đầu mối thanh lọc các dự án BĐS. Một số nhân sự cao cấp được điều chuyển sang công ty này. Bên cạnh đó, HAGL cũng bán hàng loạt các dự án thủy điện nhằm giảm nợ, thoái nợ. Mục tiêu của tập đoàn này là tới cuối 2013 điều chỉnh nợ vay xuống dưới mức 10.000 tỷ đồng

Có thể thấy, trong khó khăn, mỗi DN có một cách tái cấu trúc riêng, có cách giải quyết nợ khác nhau. Tuy nhiên, điểm mặt nhiều DN đang tái cấu trúc khối nợ khổng lồ trên vai, không có nhiều đơn vị giải quyết được gốc rễ vấn đề, lợi nhuận không đủ để trả nợ. Nhiều DN dường như đang lựa chọn cách đẩy nợ sang chỗ khác, trước mắt để làm đẹp báo cáo tài chính và sau đó có lẽ là chờ đợi sự may mắn, chờ đợi sự phục hồi của nền kinh tế nói chung.