Trang chủ » Điểm nóng » Cuối năm hết tiền, buồn thảm vì bị om cổ tức

Cuối năm hết tiền, buồn thảm vì bị om cổ tức

Tác giả:

Dài cổ chờ cổ tức

Công ty Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) ngày 15/11 DN sẽ chốt danh sách lấy ý kiến cổ đông điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh 2013 với nội dung chính là điều chỉnh lợi nhuận giảm từ 241 tỷ đồng xuống còn 205 tỷ đồng; doanh thu từ hoạt động đầu tư tài chính giảm từ 65 tỷ đồng xuống 25 tỷ đồng.

Trong báo cáo quý III/2013, PNJ cho biết thu nhập tài chính giảm tới 81% so với cùng kỳ do kỳ này DN không có cú thoái vốn thu tiền tiền như trong kỳ trước và chậm nhận được cổ tức từ các khoản đầu tư tài chính lên tới trên 720 tỷ đồng, trong đó có gần 400 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu Ngân hàng Đông Á (EAB) và gần 140 tỷ đồng đầu tư vào SFC.

Trong 9 tháng đầu năm 2012, PNJ ghi nhận 27 tỷ đồng cổ tức từ Dong A Bank và 15,6 tỷ đồng cổ tức từ SFC. Trong khi đó, tới tận quý III/2013, PNJ mới nhận được 5,6 tỷ đồng cổ tức từ SFC và 4 tỷ đồng cổ tức từ EAB cho năm trước. EAB vẫn chưa trả cổ tức cho năm 2013.

Trong khoảng hai năm nay, tình hình chậm, hoãn, thậm chí không trả cổ tức cho dù DN có lãi hay không diễn ra ngày càng phổ biến, chiếm đến phân nửa số DN niêm yết trên các sàn chứng khoán. Không kể những DN lỗ không trả cổ tức, hiện tượng DN lãi nhưng trì hoãn trả cổ tức diễn ra ngày càng nhiều.

Gần đây, CTCP Thiết bị phụ tùng Sài Gòn (SMA) đã có thông báo lùi thời gian trả cổ tức năm 2011 bằng tiền tỷ lệ 14% sang ngày 2/12/2013. Đây là lần thứ tư SMA xin gia hạn thời gian trả cổ tức 2011 cho dù lợi nhuận quỹ III/2013 của SMA tăng khá mạnh.

Trước đó, hồi cuối tháng 8/2013, CTCP Chương Dương (CDC) cũng đã bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) nhắc nhở vì gia hạn trả cổ tức đợt 1/2011 tới 3 lần, hẹn tới 2014 mới thực hiện nghĩa vụ này, cho dù DN này chưa từng thua lỗ kể từ khi lên sàn năm 2006.

Rất nhiều DN cho dù làm ăn tốt nhưng không trả cổ tức hoặc/và trả cổ tức bằng cổ phiếu như trường hợp MSN, CTG, Techcombank, STB, ITA, HAG, FIT, SC5, PFV, DLG, HAR, SBA…

Nhiều DN trả cổ tức khiêm tốn như: SSI, VietinbankSC, REE, HBC, SFN, HTL, CII, PVS, KSC, CMV, VC3…

Chia tiền: Có gì mà khó?

Trở lại trường hợp PNJ nói trên, lợi nhuận của DN này có thể giảm mạnh trong năm 2013 do bị các DN “om” cổ tức. Trên thực tế, “cơm chưa ăn, gạo còn đó” và Dong A Bank vẫn có kế hoạch lợi nhuận năm khá hoành tráng với lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng, tăng 29%.

Tuy nhiên, việc chậm nhận cổ tức từ EAB cũng như nhiều đơn vị khác khiến cho kế hoạch của PNJ có lẽ không thể đạt được.

{keywords}

Bên cạnh đó, một số NĐT lo ngại, trong bối cảnh chậm thanh toán cổ tức hơn các năm trước, các cổ đông của EAB không những không thu được tiền về mà sẽ phải đóng thêm tiền vào bởi ngân hàng này hồi cuối tháng 9/2013 được chấp thuận bán 100 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 5:1 để nâng vốn từ 5.000 tỷ lên 6.000 tỷ trong năm nay.

Với SMA, lý do chậm cổ tức đơn giản vì nguồn thu bị trễ; còn CDC gia hạn cổ tức đợt 1 năm 2011 tới tận 2014 vì cần nguồn tiền tập trung cho các dự án nên chưa thể thu xếp đủ tiền để thanh toán cổ tức như kế hoạch.

Với ông lớn ngành hàng tiêu dùng Masan (MSN), mục đích không trả cổ tức (cho dù mỗi năm lãi cả nghìn tỷ đồng) trong nhiều năm qua lại khác. DN của đại gia Nguyễn Đăng Quang có lợi nhuận giữ lại là để phục vụ chiến lược mở rộng quy mô, thị phần thông qua nhiều cách trong đó có thâu tóm, mua bán sáp nhập.

Khối ngân hàng gần đây có nhiều gương mặt không trả cổ tức cũng là bởi chiến lược tăng vốn, tăng tài sản, nâng cao quy mô và gần đây gắn liền với quá trình tái cơ cấu và lợi nhuận giảm mạnh.

Một số DN đưa lợi nhuận (khá khủng) vào các quỹ, vào lợi nhuận chưa phân phối và đôi khi đảm bảo nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh như: SC5, PFV.

Khi TTCK sôi động, giá cổ phiếu tăng nhanh, cổ tức có lẽ không là gì nhưng giờ đây khi thị trường ảm đạm, việc bán cổ phiếu còn khó chưa nói đến bán có lãi thì cổ tức đang được nhiều cổ đông rất mong mỏi.

Mặc dù vậy, khó khăn là tình trạng chung. Một phần khá lớn các DN thua lỗ không trả được được cổ tức. Các DN có lãi trong khi đó cũng gặp nhiều vấn đề như dòng tiền eo hẹp, thiếu vốn, nợ nần lẫn nhau… Còn một số ít các ông lớn lãi đậm, rủng rỉnh tiền thì đang tranh thủ để mở rộng quy mô, thị trường theo các chiến lược dài hạn.

Tuy nhiên, với nhiều NĐT, dài hơi quá cũng chưa hẳn đã tốt, tập trung lực để tăng trưởng nhanh cũng chưa hẳn đã tốt. Nhiều gương mặt các đại gia, ông trùm các ngành lớn mạnh là vậy, dồn tiền vào để lớn nhanh là vậy như Mai Linh, Thái Hòa, Trường Thành, Vinaconex… cũng đã gặp khó khăn bởi không phải tất cả các quyết định đưa ra đều đúng.

Không ít trường hợp cổ đông “ăn bánh vẽ” của DN và nhiều người bị thua lỗ. Giờ đây một bộ phận không nhỏ đang cần những lợi ích rõ ràng hơn. Trong bối cảnh đa số các DN không trả, chậm trả, hoặc trả cổ tức rất thấp thì việc TTCK sôi động, lấy lại vai trò huy động vốn hiệu quả xem ra khó khăn.