Trang chủ » Kinh tế 24h » Sữa rục rịch tăng giá chạy giờ G

Sữa rục rịch tăng giá chạy giờ G

Tác giả:

Theo đúng lịch trình, chỉ còn đúng 1 tuần nữa, vào ngày 20 tháng này, mặt hàng sữa bột sẽ chính thức được Bộ Tài chính và Bộ Y tế đưa trở lại vào danh mục hàng bình ổn giá. PV đã khảo sát thị trường những ngày cuối “tự do” của mặt hàng này.

Tại các phố có nhiều đại lý kinh doanh sữa như ở Hàng Buồm (Hà Nội), sáng 12/11, khi chúng tôi hỏi về giá sữa, chủ một cửa hàng ở đây đon đả chúng tôi nhanh chóng mua hàng vì “sắp có đợt tăng giá”. “Sữa tăng giá cách đây 1 tháng rồi, nên sắp tới sẽ lại tăng giá theo chu kỳ, vì thị trường cứ im ắng được một thời gian là sẽ có động ngay”, người bán hàng giải thích nguyên nhân. Thấy chúng tôi tỏ vẻ nghi ngờ, một người bán hàng khác tỏ ra rất hiểu biết phân tích: “Một tuần nữa, khi Thông tư 30 về mặt hàng sữa có hiệu lực quản lý, thị trường bao giờ cũng đi tổng kiểm tra. Giá còn tăng nữa đấy”!?

Theo giá bán tại các cửa hàng ở đây, thời điểm này, giá sữa trên thị trường vẫn đang ở mức cao chóng mặt, đặc biệt là các loại sữa nhập khẩu. Sữa Ensure loại 900gr có giá bán 645.000 đồng/hộp; loại 400gr có giá 299.000 đồng/hộp. Sữa Pediasure 900gr có giá 563.000 đồng/hộp, loại 400gr có giá 265.000 đồng/hộp. Sữa Enfa hộp 900gr, số 1,2,3,4 có giá bán lần lượt là: 468,000 đồng/hộp; 467.000 đồng/hộp; 428.000 đồng/hộp và 356.000 đồng/hộp. Cũng chiếm thị phần lớn tại Việt Nam, các sản phẩm sữa của Nestle Nan Pro 1 loại 800gr có giá 418.000 đồng/hộp; Nan Pro 3 có giá 412.000 đồng/ hộp.

{keywords}

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là trong khi các đại lý, cửa hàng sữa đều nhỏ to sẽ tăng giá chạy giờ G, thì nhiều công ty sữa “im lặng” trước thông tin này. Theo tìm hiểu của phóng viên chưa có một thông báo nào của các hãng sữa gửi về cho các đại lý, nhà phân phối nói sắp tới giá sữa sẽ được điều chỉnh. Là chủ một siêu thị kinh doanh các mặt hàng sữa lớn tại Đội Cấn, chị Phùng Thanh Vi phân tích: Các hãng sữa muốn tăng giá, cũng phải gửi thông báo trước cả 10 ngày.

Thời gian gần đây, nhiều bà mẹ tìm các loại sữa nội mua cho con vì giá rẻ hơn. Tuy nhiên, bản thân chị Vi cũng thừa nhận: “Không thể dự đoán được giá cả thị trường. Riêng mặt hàng sữa, chưa bao giờ chị thấy giảm giá”. Giá sữa ngoại cao gấp đôi so với sữa nội, nhiều đại lý ôm hàng ngoại sợ tồn vốn nên phải tung chiêu bán hàng. Nhìn vào bảng so sánh, có thể thấy sữa nội đang chiếm ưu thế hơn hẳn sữa ngoại về giá cả. Trong khi sữa Ensure hộp 900gr có giá gần 700.000 đồng/hộp thì sữa nội Dielac 123 của Vinamilk chỉ có giá bằng 1/3, 195.000 đồng/hộp, loại 456 còn thấp hơn 189.000 đồng/hộp.

Theo số liệu thống kê, tính trung bình trong vòng 3 năm qua, các hãng sữa đã 30 lần tăng giá, thậm chí nhiều nhà sản xuất còn thay tên đổi họ mặt hàng sữa để được tự do tăng giá. Việc “náo loạn” giá sữa của thị trường được cơ quan quản lý giá giải thích, là do chính nguyên nhân từ Bộ Y tế khi đang yên đang lành bỗng dưng “thay tên đổi họ”, nên mặt hàng này bị thoát ra khỏi vòng kiềm tỏa, khiến cho giá sữa tự do tăng cao. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế, việc thay tên sữa bằng sản phẩm dinh dưỡng, chỉ mới diễn ra từ đầu năm 2013, trong khi rõ ràng giá sữa tăng liên tục, không ngừng nghỉ từ nhiều năm nay. Và việc tăng giá sữa cứ “đến hẹn lại lên” theo chu kỳ vẫn diễn ra, được các doanh nghiệp hợp thức hóa bằng hàng chục lý do, như giá nhập khẩu, thuế suất tăng cao… Duy có một lý do khiến giá sữa tăng nhiều nhất, mà các chuyên gia đã chỉ ra là do các doanh nghiệp này chi cho quảng cáo quá cao thì bị lờ đi.

Mặc dù Nhà nước quy định kinh phí dành cho quảng cáo không được quá 10% chi phí sản xuất, nhưng theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Tổng Thư ký Hội đồng Thẩm định giá Việt Nam, có doanh nghiệp sữa đã chi tới 40% chi phí quảng cáo. Ngoài ra, còn hàng loạt các chi phí ngầm khác như phí “bôi trơn”, chiết khấu hoa hồng… đều “đổ” vào giá thành và người tiêu dùng phải gánh chịu. Và đó cũng là lý do vì sao mặt hàng sữa luôn luôn “đội” giá lên cao.

Vì sự nhập nhèm này, việc quản lý giá sữa trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Vì thế, trước sự lên tiếng của dư luận, liên tiếp cơ quan quản lý ban hành các văn bản nặng ký để dẹp loạn thị trường sữa. Nhiều người kỳ vọng Thông tư số 30 có hiệu lực ngày 20/11 tới, danh mục sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc hàng hóa thực hiện bình ổn giá, thì thị trường sữa sẽ vào quy củ.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng khi Thông tư 30 về quản lý giá sữa có hiệu lực, trước mắt sẽ có những hiệu quả tâm lý nhất định. Bản thân các doanh nghiệp phải thấy ngay thông điệp, mặt hàng “độc quyền” giờ đã vào tầm kiểm soát, không thể thích thì tăng giá, hoặc là tăng rồi mới báo cáo được. Còn về phía người tiêu dùng chắc chắn cảm thấy an tâm hơn, vì nhiều ban, ngành bắt tay quản lý giá.

Tuy nhiên, ông Phong cũng nhấn mạnh, nếu chỉ quản lý giá theo cách đăng ký không thôi, thì vẫn chưa thể giải quyết được gốc rễ vấn đề. Cơ quan hải quan quản lý ngay khâu nhập khẩu, nhưng lại không có đối chiếu so sánh với các nước khu vực thì không được. Giả sử đặt ra tình huống, các doanh nghiệp sẽ bắt tay nhau, kê khai giá nhập cao thì hải quan sẽ xử lý như thế nào? “Bởi vậy, rất có thể trước đây, sữa loạn ở khâu bán lẻ, thì sắp tới sẽ có khả năng loạn ở khâu nhập khẩu”, ông Phong nghi ngại.

Được biết, Bộ Tài chính cũng đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính thực hiện việc quản lý giá đối với mặt hàng sữa và sản phẩm từ sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, theo quy định của Bộ Y tế. Cùng với đó, Tổng cục Hải quan còn yêu cầu hải quan các tỉnh, thành phố tiếp tục quản lý giá sữa ngay từ khâu nhập khẩu. Ngoài ra, phải kiểm tra, tham vấn, xác định trị giá tính thuế đối với các mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới sáu tuổi nhập khẩu. Đồng thời kiểm tra sau thông quan, để xử lý theo quy định, đối với những trường hợp trị giá khai báo tăng trên 15% so với mức giá tại cơ sở dữ liệu giá…