Trang chủ » Kinh tế 24h » Người Việt vứt bỏ cả triệu tivi, máy tính mỗi năm

Người Việt vứt bỏ cả triệu tivi, máy tính mỗi năm

Tác giả:

Để giải quyết những nguy cơ ngày càng gia tăng tới môi trường từ các sản phẩm WEEE, ngày 9/8/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 50/2013/QĐ-TTg về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ. Đây được xem là văn bản pháp luật đầu tiên quy định trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc xử lý sản phẩm thải bỏ.

Trước đó, từ năm 2012, nhóm công nghệ thông tin và truyền thông khu vực châu Á-Thái Bình Dương (Nhóm CNTT) bao gồm các tập đoàn đa quốc gia đầu ngành như Canon, Hewlett Packard (HP), Sony, Toshiba, Panasonic, Apple, Dell và Lenovo đã phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội) triển khai dự án nghiên cứu khả thi về thu gom và xử lý WEEE tại Hà Nội và TP. HCM.

Theo đó, dự án này đã đề xuất một mô hình thu gom WEEE có đề xuất trách nhiệm của Chính phủ; doanh nghiệp sản xuất; doanh nghiệp phân phối, bán lẻ; người tiêu dùng; người thu gom; trung tâm thu gom; cửa hàng sửa chữa và cơ sở tháo dỡ.

Theo mô hình trên, cơ quan quản lý có vai trò thanh kiểm tra và chấm dứt hoạt động các cơ sở tái sản xuất, tân trang không hợp pháp hoặc làm nhái sản phẩm, khuyến khích phát triển hoạt động tháo dỡ, tái chế hợp pháp qua những hỗ trợ về tài chính, ưu đãi đầu tư hoặc sử dụng ngân sách tái chế để khuyến khích nhà sản xuất hoặc mạng lưới người tiêu dùng thu gom các sản phẩm WEEE.

{keywords}

Rác thải điện tử từ hàng triệu tivi, tủ lạnh thải loại đang đe dọa cuộc sống

Ngân sách tái chế dùng cho các hoạt động thu gom, vận chuyển, lưu giữ, tháo dỡ và tái chế do nhà sản xuất, cơ sở tháo dỡ, cơ sở tái chế đóng góp.

Mặc dù vậy, tại hội thảo “Trao đổi kinh nghiệm về xây dựng hệ thống thu hồi, xử lý chất thải điện, điện tử tại Việt Nam” do HP, Canon, Dell, Panasonic và Sony tổ chức sáng 13/11, vấn đề khó khăn nhất khi thực hiện thu gom, xử lý WEEE tại Việt Nam vẫn là chưa xác định được mô hình tài chính chung cho các bên liên quan.

Theo kinh nghiệm quốc tế, việc thực hiện WEEE chỉ đạt hiệu quả khi xác định được rõ ràng nghĩa vụ tài chính với các bên liên quan. Tại Nhật Bản, khách hàng sẽ trả phí hậu cần và phí tái chế trả tại điểm thải bỏ trong khi trách nhiệm của nhà sản xuất là thiết lập và vận hành điểm thu hồi thứ cấp (cửa hàng bán lẻ, điểm tập kết chất thải, điểm thu hồi được chỉ định) và vận hành cơ sở tái chế nhằm đáp ứng chỉ tiêu thu hồi.

Ưu điểm của mô hình này theo ông Yoshio Etori Chan Pheng Hwa đại diện đên từ công ty Sony là nhà sản xuất sẽ dùng giá trị thu được từ quá trình tái chế thành đầu vào trong quá trình sản xuất. Điều này giúp người tiêu dùng được hưởng lợi do giá thành giảm so với chi phí thông thường.

Tại Liên minh châu Âu, hệ thống quy định về WEEE xác định một cơ quan thực hiện chương trình tái chế, đây là nơi thanh toán cho các cơ sở dịch vụ gồm cơ sở thu gom, đơn vị vận chuyển và cơ sở tái chế. Cơ quan này cũng xuất hóa đơn cho các công ty thành viên của nhà sản xuất, những đơn vị có nghĩa vụ thanh toán. Các công ty thành viên này sẽ thu lại chi phí tái chế từ thị trường.

Với mô hình này, người tiêu dùng chính là đơn vị phải trả phí cho các dịch vụ môi trường khi họ mua những sản phẩm mới từ nhà sản xuất.

Nhìn lại thị trường Việt Nam, ông Nguyễn Anh Trung (Cục Quản lý Rác thải Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng Việt Nam cần đưa ra mô hình thu gom cấp Quốc gia và mô hình thu gom từ các nhà sản xuất sau đó mới ban hành các chính sách liên quan tới cơ chế thu gom, cơ chế tài chính và cơ chế quản lý.

Ông Trung cũng đưa ra kiến nghị trong giai đoạn đầu các nhà sản xuất nên thu mua những sản phẩm WEEE từ hộ gia định bằng cơ chế mua những sản phẩm này cao hơn giá mà họ có thể bán cho một doanh nghiệp để tháo gỡ.

Tuy nhiên, đứng trên góc độ nhà sản xuất, ông Yoshio Etori Chan Pheng Hwa nhấn mạnh: “Những nhà sản xuất như chúng tôi đều muốn khách hàng sử dụng những sản phẩm của mình lâu, với việc trả tiền cho khách hàng để thu gom những sản phẩm WEEE sẽ khiến số lượng các sản phẩm chưa đến lúc bị thu hồi bị vứt bỏ nhiều hơn gây lãng phí và gánh nặng cho môi trường”.

Nhìn từ thực tế, ông Vũ Đức Toàn, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường (Tổng cục Môi trường) cho rằng thói quen sử dụng chất thải điện tử Việt Nam khác so với các nước khác trên thế giới. Do đó, nếu áp dụng mô hình tại các nước khác sẽ khó phù hợp thực tế Việt Nam.

Ông Toàn cũng nhận định, đời sống chất thải điện tử tại Việt Nam có thể dài gấp 2 lần tại các quốc gia khác. Trong khi đó, việc thu gom rác thải WEEE tại Việt Nam được thực hiện khá triệt để nhưng bằng con đường phi chính thức, hầu hết tập trung tại các làng nghề thu gom phế liệu.

Để giải quyết vấn đề này, ông Toàn cũng đưa ra kiến nghị mô hình tài chính cho Việt Nam sẽ thực hiện theo hình thức nhà sản xuất trả tiền cho việc tái chế và hỗ trợ tiền cho các đơn vị thu gom phi chính thức để thu gom những sản phẩm WEEE. Bởi theo lý giải của ông Toàn, Việt Nam rất khó loại bỏ khu vực thu gom phi chính thức.

Tuy nhiên, ông Kok-Wah Boey, Chủ tịch bộ phận môi trường khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Nhật Bản, Tập đoàn HP cho rằng: “Để có chương trình bền vững, chúng tôi cần xem xét mô hình này có bền vững không. Chúng tôi không muốn thực thi một mô hình không mang tính bền vững cho nhà sản xuất.

Việc hợp tác với các nhà tái chế hay kênh thu gom không chính thức để lấy lại sản phẩm thải bỏ xem ra không bền vững. Nguyên nhân do đây là khu vực rất khó để kiểm soát và nếu khu vực này được hỗ trợ thì chi phí cho những sản phẩm thải bỏ cũng tăng lên rất nhiều do khu vực phi chính thức tại Việt Nam hiện đang thu gom WEEE để lấy những bộ phận còn giá trị và họ sẽ bán những bộ phận này, trong khi nếu hợp tác, chúng tôi sẽ mua về những sản phẩm hoàn toàn là chất thải không có giá trị tái chế”, ông Boey nói.