Trang chủ » Kinh doanh » Vàng trang sức trăm tuổi dễ lụi trên sân nhà

Vàng trang sức trăm tuổi dễ lụi trên sân nhà

Tác giả:

Ngoại đánh động thị trường

Còn 5 năm Việt Nam mới phải mở cửa thị trường vàng (2018) – thời gian không quá ngắn để các doanh nghiệp chuẩn bị. Tuy nhiên, cứ mỗi lần hội nhập doanh nghiệp Việt lại tỏ ra yếu thế hơn rất nhiều.

Một chuyên gia kinh doanh vàng đánh giá, ngành vàng trang sức, mỹ nghệ của Việt Nam so với các nước trong khu vực còn khá khiêm tốn. Số liệu từ Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cho thấy, với mức tiêu thụ ước đạt 3,5 tỷ USD và tăng trưởng bình quân 25%, thị trường vàng đang thu hút sự chú ý mạnh mẽ của các nhà đầu tư ngoại.

Ở các nước, phát triển ngành vàng trang sức chủ yếu để phục vụ cho xuất khẩu, trong khi Việt Nam vẫn đang mò mẫm tìm đường ra. Chẳng hạn, mỗi năm, doanh số xuất khẩu vàng trang sức của Hồng Kông đạt gần 3 tỷ USD, còn con số này tại Việt Nam không quá 500 triệu USD.

{keywords}
5 năm nữa, VN sẽ mở cửa hoàn toàn thị trường vàng trang sức – cơ hội để các DN nước ngoài tràn vào (ảnh minh họa)

Nếu độ tinh xảo có thể chiếm tới 20% giá thành sản phẩm vàng trang sức ở nhiều quốc gia, thì tại Việt Nam mới chỉ chiếm 5-7% khiến giá xuất khẩu của ta còn thấp.

Câu chuyện nội tại của thị trường vàng trang sức Việt chưa được giải quyết rốt ráo thì các doanh nghiệp nước ngoài đã “nhăm nhe” nhòm ngó. Từ đầu năm đến nay, đã có 5 đoàn doanh nghiệp của Pháp, Brazil, Hồng Kông, Thái Lan, Malaysia đến TP.HCM tìm hiểu thị trường vàng Việt Nam.

Biểu hiện rõ nét nhất là sự có mặt rầm rộ của các DN ngoại tại Hội chợ quốc tế Trang sức Việt Nam 2013. Theo thống kê, có trên 30 doanh nghiệp nước ngoài từ Hồng Kông, Thái Lan, Ấn Độ, Ý… tham gia để tìm hiểu thị trường tiềm năng này.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TP.HCM, cho biết, các DN nước ngoài không đến để tìm nhà phân phối mà muốn liên doanh, liên kết với các DN nội để thành lập công ty sản xuất vàng trang sức. Thông qua liên doanh, họ sẽ đặt văn phòng đại diện, thậm chí là nhà xưởng tại Việt Nam.

Trước mắt, khi liên doanh chưa hoạt động, họ sẽ đưa sản phẩm vào Việt Nam để bán tại các trung tâm thương mại, siêu thị. Thực tế, chỉ một thời gian ngắn, nhiều nhãn hiệu trang sức nước ngoài đã phủ dày hệ thống siêu thị.

Đáng lưu ý là các mặt hàng trang sức ngoại xuất hiện tại Việt Nam hiện thường theo đường tiểu ngạch. Muốn phân phối, các đại lý chỉ cần ứng trước một số tiền nhỏ cho phía công ty nước ngoài. Khi ế, các đại lý có thể trả lại nhà sản xuất bất cứ lúc nào.

{keywords}
Các DN Việt Nam vẫn dừng lại ở gia công nhỏ lẻ do ít đầu tư cho sản phẩm, độ tinh xảo chưa cao.

Nội khó phòng thủ

Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất vàng nữ trang trong nước lại gặp khó vì chưa đầu tư tương xứng cho sản phẩm hay rào cản về nguyên liệu đầu vào dẫn đến không cạnh tranh nổi về giá. Cụ thể như nguyên liệu không được nhập mà phải mua trôi nổi trong nước với giá cao (hơn thế giới khoảng 4 triệu đồng/lượng), không được vay vốn để sản xuất kinh doanh vàng trang sức… Vì thế, dù biết là các doanh nghiệp ngoại có thể tràn vào và bị “đè bẹp”, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa thể chủ động phòng thủ.

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn sớm từ bỏ cuộc chơi. Đã có 70% trên tổng số 3.000 doanh nghiệp vàng trang sức (tương đương 2.400 DN) giải thể và ngừng sản xuất.

Chưa kể, doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế về thuế; công nghệ, kinh nghiệm chế tác đều hơn hẳn Việt Nam.

Dù Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển ngành công nghiệp trang sức, đặc biệt là xuất khẩu nhưng do thuế xuất khẩu vàng trang sức hàm lượng từ 80% trở lên còn cao (đến 10%) nên đồ trang sức Việt Nam cũng khó cạnh tranh với các nước như Thái Lan, Ấn Độ và Trung Quốc. Những nước này đã áp dụng thuế suất xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ ở mức 0% từ nhiều năm nay.

Ông Nguyễn Thanh Trúc – Tổng giám đốc Tổng công ty Vàng Agribank Việt Nam, cho rằng, DN muốn đầu tư sản xuất vàng trang sức phải có vốn lớn, công nghệ hiện đại, cùng với đó phải xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường. Hiệp hội cũng muốn mở rộng thị trường vàng trang sức cho các hội viên nhưng năng lực của nhiều DN còn hạn chế nên lực bất tòng tâm.

Song, điều mà các DN lo lắng hơn cả là áp lực khi mở cửa hoàn toàn thị trường vàng. Theo cam kết WTO, AFTA, năm 2015, Việt Nam sẽ bắt đầu mở cửa thị trường vàng và đến năm 2018, khi thuế suất nhập khẩu sẽ giảm bằng 0% thì nữ trang nước ngoài theo đường chính ngạch sẽ tràn ngập thị trường.

Việc nhiều doanh nghiệp vàng nước ngoài đang ngấp nghé cho thấy họ đã sẵn sàng gia nhập thị trường vàng trang sức Việt Nam ngay khi có điều kiện. Còn các doanh nghiệp trong nước rất dễ chuyển sang gia công cho nước ngoài.

Một chuyên gia trong ngành vàng cảnh báo: “Cần tạo điều kiện cho sản xuất vàng trang sức phát triển, nếu không Việt Nam sẽ trở thành nơi tiêu thụ vàng nước ngoài”.