Trang chủ » Kinh tế 24h » Nghi vấn quanh vụ ‘lọt lưới’ gần 230kg ma túy

Nghi vấn quanh vụ ‘lọt lưới’ gần 230kg ma túy

Tác giả:

Điều tra bằng nghe lén

Văn phòng Điều tra hình sự Đài Loan (CIB) và Văn phòng Công tố Cao Hùng ngày 17/11 đã bắt được các đối tượng buôn lậu ma túy và thu giữ 600 bánh heroin, được phát hiện trong một máy bay chở hàng xuất phát từ Việt Nam. Đây là vụ buôn lậu ma túy lớn nhất qua đường hàng không trong vòng 20 năm qua.

Có 7 người bị bắt giữ, trong đó 3 nghi phạm gồm: Vĩnh Sanh (54 tuổi, nghi phạm cầm đầu, từng làm việc cho một công ty vận tải hàng hóa và quen thuộc với các kênh vận chuyển hàng), Chu Kiến Hoa (33 tuổi, làm việc tại một công ty kho vận mặt đất) và Ngô Sĩ Tông (38 tuổi, người trực tiếp nhận hàng tại sân bay).

Cuối năm ngoái, CIB nhận được báo cáo về việc ông Vĩnh Sanh tham gia đường dây buôn lậu ma túy quốc tế từ Trung Quốc sang Việt Nam rồi tới Đài Loan. Được sự cho phép của tòa án, cơ quan điều tra đã nghe lén khoảng 20 đường dây điện thoại từ tháng 11-2012.

{keywords}

Số ma túy bị cơ quan chức năng Đài Loan thu giữ Ảnh: Trung Quốc thời báo

Sau một thời gian dài thu thập thông tin, các nhà chức trách Đài Loan được báo có một kiện hàng sẽ đến ngày 17/11. CIB, Văn phòng Cảnh sát hàng không, Cục Hải quan và Sở Cảnh sát Đài Bắc đã phục kích ngay sau khi chiếc máy bay hạ cánh lúc 3h20′ xuống sân bay quốc tế Đào Viên.

Khi khoang hàng hóa được mở, cảnh sát dùng chó nghiệp vụ phát hiện 600 gói heroin có khối lượng 229 kg được giấu trong 12 bộ loa thùng. Có 50 bánh heroin nhét trong từng bộ phận loa được ông Vĩnh Sanh phủ chocolate hòng đánh lừa chó nghiệp vụ. Nếu được bán ra thị trường, số ma túy này có giá khoảng 300 triệu USD.

Chó nghiệp vụ Việt Nam… “bó tay”

Thông tin về chuyến bay chở hàng từ Tân Sơn Nhất, đại diện China Airlines tại TP.HCM cho biết hãng này nhận được hợp đồng đặt hàng từ đại lý Korchina Logistics (Nguyễn Trãi, quận 1) qua email lúc 10h05 ngày 14/11.

Khách hàng yêu cầu vận chuyển sản phẩm speaker (loa) có trọng lượng hơn 400kg gồm 12 bộ loa của người gửi ghi tên là Công ty TNHH thương mại – dịch vụ giao nhận Lê Hòa, trụ sở trên đường Hậu Giang, quận Tân Bình. Số hàng được chất riêng trong một thùng AKE (thùng chuyên dụng trên máy bay chứa hơn 600kg hàng).

1h ngày 15/11, lô hàng 12 chiếc loa được giao cho TCS kiểm tra, lưu kho. Sáng 16/11, sau khi qua các khâu kiểm tra, lô hàng được đơn vị phục vụ mặt đất Tân Sơn Nhất cho vào thùng mang ký hiệu AKE65814CI với sự giám sát của nhân viên China Airlines.

Lúc 18h40 ngày 16/11, máy bay China Airlines quá cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất và nhận thêm lô hàng của đại lý Korchina Logistics. Lúc 23h cùng ngày, máy bay cất cánh và sang tới sân bay quốc tế Đào Viên lúc 3h20 ngày 17/11 thì lô hàng bị nhà chức trách Đài Loan bắt giữ.

Nguồn tin từ Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan cho hay, đơn vị làm thủ tục cho lô hàng là Đội hành lý xuất thuộc hải quan sân bay Tân Sơn Nhất. Trong vụ vận chuyển 229kg ma túy này, các đối tượng vận chuyển ma túy đã phủ sôcôla ra bên ngoài bánh heroin nên chó nghiệp vụ cũng “bó tay”.

Nghi vấn ở đây là trong khi chó nghiệp vụ ở Đài Loan phát hiện ra thùng hàng có chứa ma túy thì chó nghiệp vụ ở Việt Nam lại “bó tay”?

{keywords}

600 gói heroin được giấu trong 12 thùng loa. Ảnh: CNA

Nghi ngờ khâu kiểm tra của Hải quan Tân Sơn Nhất

Nhiều người từng trực tiếp làm thủ tục xuất nhập hàng hóa tại sân bay Tân Sơn Nhất khẳng định việc để một số lượng ma túy cực lớn “lọt lưới” là do quy trình kiểm soát từ sân bay này có vấn đề.

Ông H. – nhân viên một công ty vận chuyển hàng hóa có trụ sở trên đường Cộng Hòa (Tân Bình, TP.HCM) – cho hay, theo đúng quy định hàng hóa khi xuất qua sân bay Tân Sơn Nhất đều làm làm thủ tục và trải qua công tác kiểm soát rất nghiêm ngặt.

Tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, có hai đơn vị hải quan trực thuộc Cục Hải quan TP.HCM làm nhiệm vụ quản lý thủ tục xuất nhập cảnh cho hành khách và xuất nhập khẩu hàng hóa là Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh.

Theo đó, nếu lô hàng đó thuộc luồng xanh (hàng không nằm trong danh mục cấm, nguy hại và DN xuất nhập lô hàng đó không nợ đọng thuế) sẽ chỉ trải qua kiểm tra bằng máy chiếu, không phải kiểm tra thủ công.

Tuy nhiên, nếu lô hàng thuộc vào luồng vàng và luồng đỏ sẽ phải trải qua hai khâu kiểm tra máy chiếu và thủ công. “Nếu rơi vào tình huống này thì việc kiểm tra sẽ vô cùng nghiêm ngặt. Cái gì qua máy chiếu cũng bị phát hiện. Doanh nghiệp dù muốn cũng không thể gian lận được. Cho nên trong vụ này chắc chắn khâu kiểm soát từ hải quan có vấn đề”, ông H. kết luận.

Đồng tình, bà T. – đại diện một công ty xuất nhập khẩu ở quận 3 – cho biết hiện công tác kiểm tra hàng xuất khẩu khá thoáng so với hàng nhập khẩu.

Theo đó, đối với hàng xuất khẩu, nếu lô hàng thuộc vào luồng xanh sẽ được miễn kiểm tra thủ công mà doanh nghiệp chỉ cần làm thủ tục xuất nhập.

“Tuy nhiên, dù khó hay dễ thì lô hàng đó đều phải qua kiểm tra soi chiếu bằng máy. Cho dù lô hàng đó qua mặt được nhân viên kiểm tra nhưng nếu có vấn đề chắc chắn sẽ bị máy phát hiện”, bà T. nói.

Theo một lãnh đạo Trung tâm an ninh hàng không sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, vụ việc đang được Tổng cục Hải quan phối hợp với Cục Phòng chống tội phạm ma túy (Bộ Công an) điều tra. Ông này cũng cho hay, trong vụ này, cơ quan an ninh sân bay không liên quan mà việc kiểm soát hàng hóa là nhiệm vụ của hải quan sân bay.

Trong khi đó, chiều 25/11, lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) cho biết vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin nào từ cơ quan chức năng trong và ngoài nước về vụ bắt 600 bánh heroin ở Đài Loan. Nắm thông tin qua báo chí, cơ quan này đang chủ động rà soát lại các đội nghiệp vụ.