Trang chủ » Tranh luận » Việt Nam cần quen dần với vay thương mại

Việt Nam cần quen dần với vay thương mại

Tác giả:

Đồng chủ trì cuộc họp báo sáng 2/12 về Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam (VDPF), Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã chia sẻ rất thẳng thắn về câu chuyện sử dụng vốn ODA.

Từ kể năm 2012, Việt Nam đã chính thức gia nhập nhóm các nước có thu nhập trung bình. Điều tất yếu kéo theo là các khoản vốn viện trợ không hoàn lại (ODA) sẽ càng ngày càng ít đi, thay vào đó là các khoản vay thương mại.

Giám đốc Ngân hàng Thế giới, bà Victoria Kwa Kwa, cho biết: “Sẽ không có nhiều nguồn viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam như trước đây, hoặc là sẽ nhỏ hơn. Tài trợ phát triển, đặc biệt từ các nguồn viện trợ sau này, sẽ được hướng tới những nươc nghèo hơn Việt Nam”.

Tuy nhiên, theo bà Kwa Kwa, các đối tác sẽ cam kết giúp Việt Nam tiếp tục phát triển thành công, như đã đạt được trong 15-20 năm qua, mà không đặt nặng vấn đề tài chính. “Chúng tôi sẽ đối thoại xoay quanh ý tưởng, kinh nghiệm, xây dựng kiến thức để giúp Việt Nam có thể giải quyết được các vấn đề phát sinh khi gia nhập nhóm các quốc gia trung bình”, bà nói.

{keywords}

Việt Nam cần quen dần với việc vay vốn lãi suất cho phát triển

Thời gian tới, việc phân bổ nguồn vốn ODA sẽ được siết chặt lại. Các đối tượng nhận viện trợ ODA sẽ không được hưởng 100% ưu đãi như trước đây mà đòi hỏi, sẽ phải có vốn đối ứng hoặc có khả năng hoàn trả một phần vốn.

Hiện chúng ta đã ở ngưỡng trần nợ công. Nếu không chọn được các dự án có khả năng hoàn trả nợ thì phải có tác động vào, chứ không phải vay bằng mọi giá – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, đã đến lúc, phải chuyển dần nhận thức về việc hỗ trợ ODA. Đồng bào phải từ tâm lý nhận con cá sang nhận cần câu. Phải quen dần cách kinh doanh làm ăn như những nơi khác và đứng vững trên đối chân của mình.

Ông Hideo Suzuki, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, khẳng định: “Cho cần câu chứ không phải cho con cá là một câu nói hay. Chính sách chính là cần câu. Thông qua VDPF, chúng tôi sẽ cung cấp chia sẻ với Việt Nam những chiếc cần câu”.

Vì thế, Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh: “Việt Nam phải chuyển từ viện trợ không hoàn lại sang các khoản vay lãi suất thấp hơn, rồi chuyển sang các khoản vay thương mại bình thường. Sẽ đến lúc, chúng ta sẽ đi cung cấp ODA cho các nước khác, như Thái Lan bây giờ. Chúng ta phải quen dần để đến lúc vay với lãi suất thông thường”.

Vừa qua, Việt Nam đã làm việc với 6 ngân hàng lớn và các tổ chức chính phủ, trong đó, Nhật Bản và EU, vẫn cam kết tăng viện trợ ODA cho việt Nam trong thời gian tới.

Trong 20 năm qua, từ 1993-2012, tổng vốn ODA các nhà tài trợ cam kết cho Việt Nam là 78,195 tỷ USD. Trong số này đã bao gồm 51,607 USD là vốn vay ưu đãi, chiếm 88,4% và 6,76 tỷ USD viện trợ không không hoàn lại, chiếm 11,6%. Tổng vốn ODA giải ngân trong cùng thời kỳ này đạt 37,59 tỷ USD chiếm 66,92% vốn ODA đã được ký kết.

Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) sẽ khai mạc vào ngày 5/12, với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và khoảng 300 đại biểu, đại diễn lãnh đạo một số bộ, ngành địa phương, các đối tác phát triển, các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ.

Tập trung vào đối thoại chính sách hiệu quả hơn, chương trình nghị sự của VDPF sẽ không thảo luận và cam kết ODA như các hội nghị Nhóm các nhà tư vấn tài trợ (CG) như trước. Việc cam kết hỗ trợ tài chính của các nhà tài sẽ được thảo luận ở các diễn đàn đối thoại song phương hoặc các diễn đàn khác giữa Chính phủ và các đối tác phát triển.