Trang chủ » VNR500 & FAST500 » Nhìn lại chặng đường tái cấu trúc của DNNN trong năm 2013

Nhìn lại chặng đường tái cấu trúc của DNNN trong năm 2013

Tác giả:

Thành quả của chặng đường tái cấu trúc

Trong Báo cáo giải trình tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII ngày 21/11/2013 vừa qua về kết quả tái cơ cấu DNNN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định:”Đã tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách đổi mới quản lý DNNN…”. Theo đó, ngoài việc triển khai hàng loạt những cơ chế, chính sách đổi mới công tác kiểm tra, giám sát, quản lý DNNN, đặc biệt là các Tổng công ty, Tập đoàn, đến nay, 68 Tập đoàn, Tổng công ty đã được Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu. Cũng theo “Báo cáo một số ý kiến về việc triển khai thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế” do Ủy ban Kinh tế Quốc hội ban hành ngày 17/10/2013 đã nhận định kết quả đạt được trong quá trình tái cấu trúc DNNN như sau: tính đến tháng 8/2013, Chính phủ đã phê duyệt 100/101 đề án sắp xếp, đổi mới DN của các bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2011-2015. Bên cạnh đó, quá trình cổ phần hóa cũng đang diễn ra sôi nổi tại hầu hết các Tổng công ty và Tập đoàn. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2013, đã có 41 DN tiến hành thành công cổ phần hóa, tăng đáng kể so với năm 2012 (cổ phần hóa được 13 DN). Số DN 100% vốn nhà nước giảm từ 5.655 DN năm 2001 xuống còn 1.254 DN năm 2013.

Quá trình tái cơ cấu đã đi được hơn nửa chặng đường, cùng với sự thay đổi tích cực về mặt số lượng các DNNN đã được tái cơ cấu, khả năng cạnh tranh của các DN cũng đã từng bước được cải thiện, phù hợp với mục tiêu của đề án. Vẫn theo Báo cáo giải trình của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong hai năm 2012- 2013, mặc dù dư chấn của cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn còn ảnh hưởng đến hầu hết các DN, kể cả DNNN, thì trên 80% DNNN vẫn làm ăn có lãi, chỉ có 11,7% DN thua lỗ. Đồng nghĩa với việc sẽ không còn là mới lạ khi nhắc đến vai trò của khu vực này đối với nền kinh tế quốc dân. Dù đang trong tiến trình tái cơ cấu, sắp xếp lại bộ máy, nhưng DNNN vẫn duy trì mức đóng góp NSNN tăng đều qua các năm, cụ thể: năm 2012, chiếm 31.41% tổng thu nội địa và trong 11 tháng đầu năm 2013 cũng đã chiếm 30,21% (dự kiến tăng trên 32% cho cả năm 2013), cao nhất trong ba khu vực kinh tế.

BXH VNR500 – Top500 DN lớn nhất Việt Nam năm 2013 được công bố ngày 03/12/2013 vừa qua cũng đã minh chứng cho nhận định về vai trò của DNNN trên đây. Trong Top100 DN lớn nhất, có đến trên 50% số DN là DNNN, chiếm 43% tổng thuế phải nộp của các DN trong BXH, đẩy mức thuế phải nộp của 100 DN này chiếm trên 75%. Nổi bật hơn cả, trong top 10 DN thuộc BXH, có đến 8 DNNN, chiếm 20% tổng thuế phải nộp của 500 DN hàng đầu, gần tương đương với mức thuế của khu vực tư nhân và FDI. Chứng tỏ, mặc dù đang trong tiến trình tái cơ cấu DNNN, nhưng các DN này vẫn luôn chú trọng đến nâng cao trách nhiệm xã hội của mình thông qua mức nộp thuế TNDN ngày càng tăng qua các năm (Hình 1)

{keywords}

Hình 1: Cơ cấu nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của 3 khu vực kinh tế trong BXH VNR500 năm 2012 (Đơn vị: %) Nguồn: Vietnam Report

Thêm vào đó, theo Tổng cục thống kê, nếu như trước năm 2012, tỷ lệ vốn NSNN đầu tư vào khu vực này luôn có xu hướng tăng đều qua các năm thì bước sang năm 2013, chỉ trong 9 tháng đầu năm, tỷ trọng này lại có xu hướng giảm mạnh, từ 54,8% năm 2012 xuống còn 48,6% tổng nguồn vốn của DNNN và dự báo còn giảm tiếp trong những năm tiếp theo. Đồng thời, từ năm 2012, nguồn vốn chủ sở hữu có chiều hướng tăng nhẹ. Năm 2012, chỉ tiêu này tăng 26% so với năm 2011 và có xu hướng tiếp tục tăng vào năm 2013 trong bối cảnh nguồn vốn NSNN giảm mạnh và tổng vốn đầu tư của DNNN vẫn tăng 104,2% trong 9 tháng đầu năm 2013. Sự thay đổi trong cơ cấu nguồn vốn tưởng như là tiêu cực này phải chăng lại chính là động lực để các DN định hướng phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng tích cực: gia tăng trách nhiệm của họ đối với đồng vốn họ đang sở hữu thông qua việc không ngừng cải tiến, nâng cao trình độ sản xuất cũng như hiệu quả kinh doanh cho DN, hứa hẹn các DN ngày càng gia tăng về doanh thu và mức nộp thuế trong những năm tiếp theo.

Tỷ lệ lợi nhuận sau thuế (LNST) trên doanh thu của khu vực DNNN đạt xấp xỉ mức của các DN FDI và cao gần gấp đôi tỷ lệ này của các doanh nghiệp tư nhân. Cụ thể, tỷ lệ LNST/TDT trung bình của 211 DNNN trong BXH bằng 0,05, nghĩa là cứ 1 đồng doanh thu thu về, DN thu lại được 0,05 đồng LNST. Tỷ lệ này của khu vực doanh nghiệp FDI là 0,06 và của khối DNTN là 0,03 (Hình 2). Điều này chứng minh những nỗ lực rất lớn của khối DNNN trong bối cảnh hiệu quả kinh doanh của họ bị ảnh hưởng đáng kể do phải thực hiện các trách nhiệm xã hội của khu vực DNNN.

{keywords}

Hình 2: Tỷ lệ LNST/TDT của 3 khu vực kinh tế trong BXH VNR500 năm 2013 Nguồn: Vietnam Report

Đổi mới về chất của DNNN còn mờ nhạt

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra hàng loạt vấn đề còn tồn tại trong quá trình tái cơ cấu DNNN. Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, thực chất, tái cơ cấu DNNN hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc “sáp nhập lại với nhau một cách cơ học”, chuyển giao DN yếu kém của Tập đoàn này cho Tập đoàn khác quản lý. Quá trình này khiến lượng vốn của DNNN tăng lên đáng kể, từ việc chiếm 37,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2012 lên 39,3% chỉ trong 9 tháng đầu năm 2013 (Theo Tổng cục Thống kê), đã kéo theo gánh nặng nợ xấu cho các Tập đoàn. Theo Báo cáo của Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN ngày 16/1/2013, tính đến thời điểm công bố, các DNNN có tổng số nợ phải trả lên tới 1,3 triệu tỉ đồng. Và các DNNN thuộc BXH cũng không nằm ngoài quy luật trên. DNNN trong BXH có hệ số Nợ phải trả/VCSH vào khoảng 3,2 (Hình 3). Nghĩa là hiện nay, số các khoản vay của khu vực này đang gấp hơn 3 lần tổng vốn họ đang sở hữu. Nói cách khác, các DNNN đang hoạt động chủ yếu dựa vào các vốn vay. Trước thực trạng này, các DNNN cần có những kế hoạch xử lý nợ xấu kịp thời, khoa học và triệt để để đảm bảo quá trình tái cơ cấu thành công.

{keywords}

Hình 3: Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của 3 khu vực kinh tế trong BXH VNR500 năm 2013. Nguồn: Vietnam Report

Có thể thấy, việc tái cơ cấu thời gian qua mới chỉ là việc “thay một tấm áo mới” cho DN mà quên đi cách làm cho chiếc áo đó phù hợp với thực trạng từng DNNN để phát huy một cách cao độ năng lực cũng như lợi thế riêng vốn có của từng DN. Dẫn đến tình trạng các DN vẫn còn đang quẩn quanh với việc tìm ra định hướng phát triển sau tái cơ cấu cho DN mình. Với lời cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao hiệu quả hoạt động cho DNNN cũng như tăng cường công tác quản lý, giám sát; cùng với quyết tâm của các DN trong công cuộc tái cơ cấu này qua việc xây dựng hàng loạt các đề án tổng thể tái cơ cấu trình duyệt thời gian qua, chúng ta có thể kỳ vọng vào sự thành công của chặng đường tái cơ cấu DNNN nói riêng và tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế nói chung.