Trang chủ » Tranh luận » 20 năm đường dây 500KV và thời sự sân bay Long Thành

20 năm đường dây 500KV và thời sự sân bay Long Thành

Tác giả:

Sau hai năm thi công, ngày 27/5/1994, đường dây 500 KV đầu tiên của Việt Nam chính thức hoàn thành. Qua gần 2 thập kỷ, công trình ngày càng phát huy tác dụng, khẳng định tính đúng đắn của quyết định đầu tư, dù trước đó gặp không ít ý kiến phản biện. Công trình này đã giải quyết căn bản tình trạng thiếu điện của miền Trung và miền Nam, trở thành xương sống của hệ thống điện quốc gia.

Dự án xây dựng Sân bay Long Thành hiện cũng rơi vào tình trạng tương tự của đường dây 500KV hơn 20 năm về trước.

Chọn xây sân bay Long Thành là tối ưu

Mong muốn có một sân phát huy được lợi thế địa lý, đưa hàng không Việt Nam phát triển, Bộ Giao thông Vận tải lập dự án xây dựng sân bay Long Thành để đến năm 2020 trở thành một trong 10 cảng hàng không quốc tế của nước ta. Sau đó, sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng để đến năm 2030, Long Thành thay thế vai trò của cảng quốc tế Tân Sơn Nhất, trở thành cảng lớn nhất cả nước với công suất 80-100 triệu khách/năm.

{keywords}
Đường dây 500KV là giờ công trình trọng điểm của quốc gia, mang lại lợi ích thiết thực

Tuy nhiên, khá nhiều ý kiến cho rằng đó công trình chưa cần thiết, rằng chúng ta có thể mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất và nếu cần, cải tạo lại sân bay Biên Hòa đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển vẫn tiết kiệm ngân sách cho đất nước.

Tôn trọng những ý kiến phản biện, nhưng có thể khẳng định rằng việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là điều không thể. Sân bay này được xây dựng cách đây gần 50 năm, trên tổng diện tích 850ha, thiết kế ban đầu chỉ đáp ứng 9 triệu lượt khách mỗi năm. Năm 2013, Tân Sơn Nhất đã phục vụ tới 20 triệu lượt, gấp hơn 2 lần so với thiết kế ban đầu. Trong khi đó, hàng năm lượng khách tăng từ 12-14%, sân bay không đủ quỹ đất để mở rộng. Hệ quả, một số hãng hàng không quốc tế sau khi khảo sát thấy tình trạng quá tải, đã rút hoặc giảm chuyến bay.

Ở khía cạnh khác, Tiến sĩ Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam, cho biết, theo tiêu chuẩn quốc tế, sân bay phải cách thành phố từ 20-60 km. Hiện tại, sân bay Tân Sơn Nhất nằm trọn trong nội thành, vừa ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân lại không đảm bảo an toàn cho hoạt động bay.

Những bất cập này từ 10 năm trước đây, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã chỉ ra, nên mới có quy hoạch xây dựng sân bay Long Thành để thay thế.

Việc xây mới sân bay Long Thành không những rẻ hơn phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất gần 1,5 tỷ USD và sau năm 2020 với 25.000 ha thì sân bay Long Thành sẽ đáp ứng được việc tiếp tục mở rộng. Còn để đưa sân bay Biên Hòa vào hoạt động cũng cần số tiền đầu tư không nhỏ cho nâng cấp đường băng, xây mới nhà ga, đó chưa kể khó có thể giải quyết bài toán kết nối sân bay với TP.HCM. Để xây dựng một cảng hàng không trung chuyển quốc tế lớn thì đòi hỏi sân bay phải có quy mô, diện tích lớn, giao thông mặt đất tiếp cận với khu vực trung tâm thuận lợi… điều này chỉ có Long Thành mới đáp ứng được.

Bên cạnh đó, với quy mô dân số của TP.HCM cần có ít nhất một sân bay nữa mới đáp ứng được nhu cầu đi lại. Bởi theo quy chuẩn quốc tế các trung đô thị 2 triệu dân cùng các đại đô thị trên 3 triệu dân tối thiểu phải có 2 sân bay ở hai đầu thành phố để đảm bảo lưu thông hành khách một cách dễ dàng, tránh ùn tắc do quá tải. Các siêu đô thị trên 7 triệu dân cần có 3, thậm chí nhiều sân bay – trong đó có tối thiểu một sân bay quốc tế – để kết nối nhanh. Việc có nhiều sân bay trong một siêu đô thị giúp tác động tích cực tới tốc độ tăng trưởng hội nhập và phát triển. Đó là lợi thế lớn cho một thành phố tăng trưởng đồng thời tiếp nhận được những tinh hoa trí tuệ, khoa học công nghệ, lịch sử văn hóa thế giới. Nhiều sân bay để tránh rơi vào thế “độc đạo”, đồng thời đề chi viện cho nhau khi có sự cố.

{keywords}
Sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải khi phải phục vụ lượng khách gấp đôi công suất thiết kế (ảnh rongbay)

Chậm trễ là lãng phí

Trong khi đó, hàng không châu Á – Thái Bình Dương dự báo phát triển nhanh chóng, đến năm 2031 có thể đạt 5 tỷ lượt khách, bằng cả thị trường châu Âu và Bắc Mỹ cộng lại.

Các nước trong khu vực đã nhanh chóng đón đầu cơ hội, lập dự án nâng cấp, mở rộng sân bay. Malaysia sẽ nâng công suất sân bay quốc tế Kuala Lumpur đạt 100 triệu hành khách vào năm 2020. Dù mới đi vào hoạt động nhưng Thái Lan cũng lập kế hoạch đầu tư 163 tỷ baht (hơn 5,4 tỷ USD), để mở rộng sân bay Suvarnabhumi đạt công suất 103 triệu lượt khách vào năm 2024. Ban quản trị tập đoàn sân bay Changi (CAG) cũng công bố mở rộng sân bay đủ phục vụ tới 135 triệu lượt hành khách/năm vào giữa thập niên 2020.

Brendan Sobie, nhà phân tích của Trung tâm hàng không châu Á – Thái Bình Dương, khuyến cáo: thách thức chính là các nước phải làm thế nào để có đủ hạ tầng cơ sở nhằm thỏa mãn nhu cầu của người dân trong nước và của số du khách nước ngoài mỗi ngày một nhiều. Quốc gia nào và những phi trường nào không đầu tư vào hạ tầng cơ sở sẽ mất khách vào tay những quốc gia và những phi trường khác. Việc xây một phi trường, phi đạo và nhà ga hàng không cần phải thời gian dài trong khi sự tăng trưởng quá nhanh nên sẽ có những nước không theo kịp, do vậy chúng ta đang chứng kiến nhiều quốc gia đang gấp rút tiến hành các dự án cho hạ tầng hàng không.

Nhận định trên hoàn toàn có sơ sở khi một số nước châu Âu như Thụy Sĩ, Anh, Đức… đang gặp khó khăn khi các sân bay hiện tại đã quá tải, trong khi quỹ đất hết sức hạn chế. Hệ quả, Anh phải chấp nhận bỏ ra 76 tỷ USD xây dựng sân bay trên sông Thames, hay Đức do dự án sân bay Brandenburg chậm tiến độ kiến cho cả Lufthansa và Air Berlin đã phải hoãn kế hoạch mở các tuyến bay xuyên lục địa, để cơ hội vào tay Air France – KLM.

Với những dẫn chứng từ các quốc gia láng giềng và từ những nước phát triển, chúng ta nhận thấy rằng đầu tư xây dựng sân bay Long Thành là một việc làm cần thiết. Nhắc lại bài học đường dây 500KV của hai thập kỷ trước càng cho thấy hết sức tôn trọng các ý kiến phản biện, nhưng trên cơ sở khoa học cần có quyết định đúng để mang lại lợi ích cho đất nước.