Trang chủ » Kinh doanh » Ngán Trung Quốc, sợ Thái Lan: Vốn Nhật về Việt Nam

Ngán Trung Quốc, sợ Thái Lan: Vốn Nhật về Việt Nam

Tác giả:

Ngày càng thích Việt Nam

Tháng 11/2013, nhà máy Fuji Xerox chuyên sản xuất máy in, máy photocopy và các thiết bị đa chức năng… của Nhật đã chính thức đi vào hoạt động tại khu công nghiệp Việt Nam- Singapore, Hải Phòng. Giấy phép đầu tư cho công ty này đã được cấp từ cuối năm 2012 với tổng vốn khoảng 9 tỷ Yen, tương đương 120 triệu USD.

Tại buổi họp báo công bố kết quả điều tra hoạt động của doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á- Thái Bình Dương sáng 24/2, ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện văn phòng Jetro tại Hà Nội chia sẻ rằng, Fuji Xerox là một trong số khá nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang chuyển hướng đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Đối với trường hợp này, Fuji Xerox chỉ mới chuyển một phần cơ sở sản xuất của mình sang Việt Nam với mục đích phân tán những rủi ro ở Trung Quốc.

Theo ông Atsusuke Kawada, trường hợp của Fuji Xerox cho thấy, nếu trước đây, các doanh nghiệp Nhật Bản chỉ chuyển dịch đầu tư ở các lĩnh vực đòi hỏi nhiều lao động thì nay, họ đã bắt đầu dịch chuyển cả cơ sở sản xuất, ở những ngành nghề có giá trị gia tăng cao như công nghệ cao, thiết bị điện tử..

{keywords}
Nhiều hãng điện tử của Nhật đã chuyển một phần cơ sở sản xuất sang Việt Nam.

Động thái này ngày càng thể hiện rõ hơn khi quy mô vốn đầu tư của Nhật Bản vào Trung Quốc, hay thậm chỉ cả ở Thái Lan ngày càng thu hẹp lại thì số vốn đầu tư thêm ở Việt Nam lại gia tăng. Thậm chí, việc sụt giảm mạnh ở Trung Quốc trở thành điểm nổi bật nhất trong lĩnh vực đầu tư ra ngoài của nước này năm 2013.

Trong năm này, vốn đầu tư Nhật vào Trung Quốc tụt từ mức 13,479 tỷ USD năm 2012  xuống chỉ còn 6,497 tỷ USD. Đối với Thái Lan, vốn đầu tư của Nhật cũng giảm từ mức khoảng 7 tỷ USD năm 2011 xuống còn hơn 2,5 tỷ USD năm 2013.

Còn tại Việt Nam, Nhật Bản trở thành nhà đầu tư số 1 xin tăng thêm vốn bổ sung. Nếu như năm 2010, Nhật Bản chỉ có 35 dự án xin bổ sung vốn với 169 triệu USD tăng thêm ở Việt Nam thì tới năm 2013, đã có 125 dự án tăng vốn và số vốn tăng thêm đạt mức kỷ lục: 4,453 tỷ USD. Số vốn này gấp tới 3,6 lần so với số vốn tăng thêm ở năm 2012.

Trong số này, những dự án lớn phải kể đến như nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn 2,8 tỷ USD, dự án Bridgestone 650 triệu USD, dự án của Panasonic Industrial Devices 175 triệu USD, Sai Gon Precision 130 triệu USD…

Bởi chỉ có ở Việt Nam, nhà đầu tư Nhật Bản có được những thứ mà ở nhiều nước láng giếng không có được. Ông Atsusuke Kawada lý giải, Việt Nam là quốc gia rất ổn định về chính trị xã hội, vượt trội hơn hẳn Thái Lan…

“Cùng đó, người lao động Việt Nam rất cần cù chăm chỉ, số ngày xin nghỉ trong một năm của người lao động ít hơn rất nhiều so với các quốc gia khác. Cộng thêm nữa là khả năng dễ tuyển dụng, chi phí tiền lương thấp…”, ông Kawada nói.

So sánh lợi thế với các quốc gia khác, ông nói tiếp, doanh nghiệp Nhật cũng thấy Thái Lan có nhiều thuận lợi trong kinh doanh như cơ sở hạ tầng rất tốt, hơn hẳn Việt Nam, song, tiền lương những năm gần đây ở Thái Lan lại cao hơn, đặc biệt là bất ổn chính trị vẫn chưa được giải quyết. Tại Trung Quốc, chi phí nhân công và đặc biệt là chi phí sản xuất, giá thành tăng cao.

Vì thế, không ngạc nhiên khi cuộc khảo sát hoạt động các doanh nghiệp Nhật Bản của Jetro cho biết có tới 70% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh, tiếp tục coi Việt Nam là cứ điểm quan trọng, cao hơn các nước khác. 90% doanh nghiệp trong số tin rằng họ có thể tăng doanh thu khi gắn bó lâu dài tại đây. Số các doanh nghiệp Nhật Bản đặt kỳ vọng đó lớn hơn so với số các doanh nghiệp Nhật đang kinh doanh ở Thái Lan, Philippins, Trung Quốc và Malaysia.

Điểm nghẽn về phụ trợ

Tuy nhiên, nhiều điểm nghẽn trong môi trường kinh doanh của Việt Nam đang gây phiền toái cho doanh nghiệp Nhật.

Ông Atsusuke Kawada cho biết, thủ tục hành chính, chế độ thuế, chính sách pháp luật không rõ ràng, chưa minh bạch vẫn là rủi ro lớn.  Có hơn một nửa doanh nghiệp Nhật đang lo lắng về điều này và cũng chính là điểm khiến môi trường đầu tư của Việt Nam đang xấu đi. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam cần có giải pháp nhanh chóng cải thiện điều này. Ngoài ra, yếu kém trong công nghiệp hỗ trợ, hạ tầng điện, giao thông, ngôn ngữ… cũng đang gây bất lợi cho Việt Nam.

{keywords}
KCN Thăng Long, một cứ điểm đầu tư Nhật Bản ở Hà Nội.

Theo vị chuyên gia trên, chi phí nguyên liệu chiếm 60% chi phí sản xuất nên để giảm giá thành thì các doanh nghiệp sẽ phải giảm chi phí nguyên liệu này. Thế nhưng, việc mua được nguyên vật liệu từ Việt Nam lại là vô cùng khó khăn. Tỷ lệ nội địa hóa ở Việt Nam vẫn còn quá thấp, chỉ chiếm 32,2%, trong khi tỷ lệ này tại Trung Quốc là 64%, Thái Lan 53%, Malaysia 42%, Indonesia 41%.

Để phục vụ cho hoạt động sản xuất của mình, “vệ tinh” phụ trợ cho các doanh nghiệp Nhật Bản phần lớn là từ các doanh nghiệp nước ngoài khác, hoặc chính doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, chiếm hơn 60%. Số nguyên vật liệu vật tư mà doanh nghiệp mua từ Việt Nam chỉ chiếm có 13,2% nhu cầu của họ.

Tuy nhiên, nhìn triển vọng lâu dài, vị đại diện Jetro nhấn mạnh, Nhật Bản chuyển hướng đầu tư mạnh sang ASEAN, trong đó, Việt Nam có vai trò quan trọng trong ASEAN nên dòng vốn đầu tư của Nhật vào Việt Nam sẽ tiêp tục gia tăng.