Trang chủ » Kinh tế 24h » Chỉ số PCI 2016: Đà Nẵng là số 1, Hà Nội lần đầu tiên được khen tốt

Chỉ số PCI 2016: Đà Nẵng là số 1, Hà Nội lần đầu tiên được khen tốt

Tác giả:

Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 do VCCI công bố sáng 14/3, cho thấy, Đà Nẵng là địa phương tiếp tục giữ ngôi vị số 1, tiếp sau đó là Quảng Ninh, Đồng Tháp, Bình Dương. TP.HCM xếp thứ 8 và Hà Nội lần đầu tiền lọt nhóm tốt, xếp thứ 14.

5 thành phố lớn cải thiện thứ hạng

Điểm đặc biệt trong PCI 2016 là có sự cải thiện điểm số của cả 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, Hà Nội và Hải Phòng lần đầu tiên vượt ngưỡng 60 điểm, bước vào nhóm có chất lượng điều hành tốt.

Đáng ghi nhận hơn là trong bảng xếp hạng, các địa phương ở vị trí cuối đã có nhiều nỗ lực cải cách ấn tượng, khoảng cách điểm số giữa tỉnh cao nhất và thấp nhất thu hẹp còn 17 điểm, thấp kỷ lục trong 12 năm qua. Nhìn chung chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh thành phố tiếp tục duy trì xu hướng cải thiện. So với 2015 những chuyển biến tích cực có thể thấy ở tính năng động, tiên phong của chính quyền các tỉnh.

{keywords}
Hà Nội lần đầu tiên vượt ngưỡng 60 điểm, bước vào nhóm có chất lượng điều hành tốt.

Kết quả điều tra PCI cũng phản ánh dấu hiệu khởi sắc đối với DN dân doanh. Số DN có lãi tăng trở lại. Khảo sát cho thấy có 65% DN hoạt động có lãi mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây, quy mô vốn trung bình của DN tăng cao các DN tiếp tục lạc quan về triển vọng kinh doanh.

Kết quả hoạt động của DN tính từ 2006 đến 2016 có nhiều thay đổi. Tỷ lệ tăng vốn đầu tư của các DN trong năm 2006 là 27,6% thì tới 2016 giảm chỉ còn 11%. Quy mô vốn đầu tư trung bình năm 2006 là 7,3 tỷ đồng/DN thì tới 2016 là 18,1 tỷ đồng/DN, mức tăng khá cao. Tỷ lệ tăng quy mô lao động trong DN 2006 là 22% thì đến 2016 giảm xuống còn 13%. Quy mô lao động trung bình năm 2006 là 31,6 người thì đến 2016 là 26,6 người. Tỷ lệ báo lãi năm 2006 là 77,5% tới 2016 là 65%. Tỷ lệ DN báo lỗ 2006 là 10,8% thì tới 2016 là 23%. Tỷ lệ DN có kể hoạch mở rộng đầu tư năm 2006 là 75%, đến 2016 là 48%.

Những đánh giá tích cực, có 57% số DN cho biết chính quyền địa phương năng động và sáng tao, 44% số DN cho biết, chính quyền tỉnh có thái độ tích cực với khu vực tư nhân. Thời gian đăng ký DN đã giảm từ 20 ngày năm 2006 xuống còn 7 ngày năm 2 phải 2016, nhưng vẫn có 13% DN phải chờ hơn 1 tháng mới chính thức đi vào hoạt động được.

Với các xu hướng đáng quan ngại, có 66% số DN cho biết phải nhờ tới các mối quan hệ để tiếp cận thông tin, và cũng 66% số DN cho biết phải chi trả chi phí không chính thức. Bên cạnh đó, có 38% số DN tham gia điều tra cho biết tỉnh ưu ái các DN, tập đoàn Nhà nước, 42% cho rằng tỉnh ưu tiên thu hút các DN FDI hơn là phát triển DN tư nhân.

Bản Báo cáo cũng chỉ ra, với 1 điểm cải thiện trong chỉ số PCI gốc, sẽ giúp tăng tỷ lệ DN thành lập mới lên 2,7%. Tăng 1 điểm về cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai, hoặc cạnh tranh bình đẳng, có thể giúp tăng thêm 15% số DN đăng ký mới trong 10 năm tới.

{keywords}
Toàn cảnh buổi công bố bảng xếp hạng (ảnh báo GT)

FDI tiếp tục kêu về phí bôi trơn

Báo cáo cũng công bố điều tra 1.550 DN FDI. Theo đó, tỷ lệ mở rộng đầu tư năm 2010 cao nhất chiếm gần 70% và tới 2016 giảm xuống còn 50%. Chi phí giao dịch để đi vào hoạt động tại Việt Nam đến nay đã xuống mức thấp kỷ lục, song vẫn còn nhiều quan ngại về gánh nặng quy định hậu đăng ký.

Số cuộc thanh tra trung bình năm là 2, tuy nhiên tỷ lệ bị thanh kiểm tra quá mức, hơn 8 lần mỗi năm vẫn chiếm tỷ lệ cao, năm 2016 là 24,8%. Hơn 70% các DN cho biết phải dành trên 5% thời gian trong năm để thực hiện các quy định trong năm 2016.

Các thủ tục hành chính thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội vẫn là mối quan ngại lớn nhất của các DN FDI. Những ưu đãi với DNNN cũng là mối quan ngại với các DN FDI. Tham nhũng vặt có chiều hướng giảm, nhưng chuyện DN chủ động đưa quà biếu, hối lộ vẫn là vấn đề chính. Mục đích là nhằm tạo ra mối quan hệ hoặc tránh bị phạt lỗi, tránh bị nhũng nhiễu và được việc trong tương lai.

Có đến 49% doanh nghiệp FDI đã phải trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục thông quan, 25% thừa nhận đã trả tiền bôi trơn để có được giấy phép đầu tư và 13,6% trả hoa hồng khi cạnh tranh giành các hợp đồng của cơ quan Nhà nước.

Những thay đổi pháp luật trong 2 năm qua đã tạo ra môi trường pháp lý thân thiện hơn với các nhà đầu tư nước ngoài. những cải cách này đã gia tăng sự lạc quan và triển vọng mở rộng sản xuất kinh doanh lớn hơn.

Báo cáo PCI năm 2016 cũng dành một chương để đánh giá về cảm nhận của các DN về các vấn đề môi trường. Theo đó có 20% số DN FDI cho biết ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tiêu cực tới các hoạt động kinh doanh, các DN FDI trong ngành phi sản xuất, chế tạo là đối tượng có quan ngại nhất về môi trường. Mức độ nhận thức về quy định môi trường của DN trong nước còn thấp.

Trần Thủy