Trang chủ » Kinh doanh » Tài chính » Khống chế chi phí lãi vay được trừ không quá 20%: Doanh nghiệp bị ‘trói tay’

Khống chế chi phí lãi vay được trừ không quá 20%: Doanh nghiệp bị ‘trói tay’

Tác giả:

Ngày 24/2/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2017/NĐ-CP (NĐ 20) quy định về Quản lý thuế đối với các công ty có giao dịch liên kết. NĐ 20 có hiệu lực thi hành từ 1/5/2017 nhằm tránh thất thu thuế. Tuy nhiên, một số quy định tại NĐ 20 đang khiến cho nhiều doanh nghiệp (DN) lo lắng, bởi nếu không được hướng dẫn cẩn thận ở thông tư quy định chi tiết thì sẽ gây ra những khó khăn, bất lợi cho DN trong nước.

Rào cản huy động vốn

NĐ 20 ra đời nhằm thay thế quy định hiện hành về giá giao dịch liên kết (Thông tư 66/2010/TT-BTC), từ đó xác lập các quy định đầy đủ hơn về nghĩa vụ kê khai, xác định giá giao dịch liên kết tại Việt Nam… Đây là một bước nhằm hoàn thiện các quy định về giao dịch liên kết để chống chuyển giá, vốn là vấn đề gây ra nhiều lo ngại thời gian qua.

Tuy vậy, việc siết chặt các điều kiện đã đi khá sâu vào các hoạt động kinh doanh của DN, tác động trực tiếp vào chi phí kinh doanh.

{keywords}

Cụ thể, khoản 3 điều 8 của NĐ 20 quy định: Tổng chi phí lãi vay được khấu trừ cho mục đích tính thuế không vượt quá 20% chỉ số EBITDA (lợi nhuận trước thuế chưa trừ chi phí lãi vay và chi phí khấu hao). Mặc dù được quy định trong NĐ 20 về giá giao dịch liên kết nhưng điều khoản này được áp dụng đối với cả khoản vay từ bên liên kết và bên độc lập. NĐ không có điều khoản quy định về chuyển tiếp và hồi tố.

Trước vấn đề này, nhiều DN trong nước bày tỏ lo ngại NĐ 20 sẽ tạo ra nhiều khó khăn, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế tư nhân với mô hình công ty mẹ – con. Trong khi thực tế chuyển giá hiện này chủ yếu tập trung ở khối DN nước ngoài do lợi dụng được chênh lệch thuế giữa các quốc gia, còn DN trong nước thì có chung một mặt bằng thuế nên nguy cơ chuyển giá là khá thấp.

Ở Việt Nam, các DN tư nhân đang lớn mạnh và phát triển mô hình tập đoàn công ty mẹ con. Ở đó, công ty mẹ (holding) sẽ có các hoạt động chính là đầu tư vào các công ty con thông qua việc góp vốn với tỷ lệ trên 51%. Công ty mẹ là đầu mối huy động vốn vay từ các nguồn vốn trong nước và nước ngoài để cho vay lại các đơn vị thành viên. Đáng lưu ý, với việc vay vốn nước ngoài thì các ngân hàng, các quỹ đầu tư nước ngoài sẽ đánh giá tiềm lực tài chính của cả tập đoàn và thực hiện cho vay vốn đối với công ty mẹ thay vì cho vay trực tiếp vào công ty con. Sau đó công ty mẹ chuyển tiếp nguồn vốn vay cho công ty con vay để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.

Chính vì thế, việc đi vay và cho vay này là hoạt động đặc trưng, thường xuyên và mang lại lợi thế của các tập đoàn.

Tuy nhiên, quy định tại NĐ 20 khống chế tỷ lệ lãi vay/EBITDA không quá 20% sẽ làm giảm khả năng tạo lợi nhuận của DN do chi phí lãi vay có thể không được tính đầy đủ vào chi phí tính thuế. Từ đó, khiến cho DN tốn kém chi phí vốn, làm giảm sức cạnh tranh của các tập đoàn kinh tế trong nước.

“Ngoài ra, đối với các khoản vay mà công ty mẹ vay về và cho công ty con vay lại thì chi phí lãi vay phát sinh tại cả công ty mẹ và công ty con tính trên cùng một khoản vay và sẽ bị áp trần 2 lần. Phần chi phí lãi vay vượt trần sẽ bị loại 2 lần tại 2 công ty”, đại diện một DN bày tỏ.

Đặc biệt, quy định sẽ làm giảm cơ hội tiếp cận các nguồn vốn vay nước ngoài với chi phí rẻ vì khả năng tạo lợi nhuận được các ngân hàng, các quỹ đầu tư đánh giá là thấp do chi phí thuế cao.

Nỗi lo tự hạn chế mình

Đánh giá về tác động của việc khống chế chi phí lãi vay được khấu trừ này, đại diện một DN chia sẻ: Mục tiêu của NĐ nhằm chống thất thu thuế, song quy định tổng chi phí lãi vay được khấu trừ cho mục đích tính thuế không vượt quá 20% đã không khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh trong nước khi hầu hết các DN trong nước đều có khả năng bị điều chỉnh bởi Nghị định này.

Đặc biệt, quy định tạo ra rào cản việc cho vay nội bộ nội bộ giữa công ty mẹ và công ty con. Làm mất đi khả năng điều tiết sức mạnh chung của một tập đoàn và cơ hội đầu tư dài hạn vào các ngành nghề cần vốn lớn, có ý nghĩa lâu dài cho nền kinh tế.

{keywords}

Ví dụ, một DN muốn đầu tư sang lĩnh vực tiềm năng, xã hội đang có nhu cầu lớn như nông nghiệp, y tế, giáo dục, công nghệ…, tuy nhiên, vì là lĩnh vực mới, lợi nhuận những năm đầu tiên khó khăn nên DN mới lập ra sẽ phải cần đến uy tín và sức mạnh của công ty mẹ để tiếp cận vốn từ bên ngoài, thậm chí phải đi vay từ trong các thành viên khác trong nội bộ. Với tính chất là nguồn vốn đầu tư dài hạn, quy mô lớn, chi phí lãi vay của khoản này sẽ cao.

Trong khi đó, NĐ 20 đã không tính đến yếu tố trên đây vô hình chung đã làm mất cơ hội tập trung nguồn lực, đầu tư dài hạn để phát triển quy mô của DN trong nước. Việc siết chặt chi phí vốn trên từng giao dịch cụ thể cũng sẽ làm giảm sức mạnh chung và khả năng gia tăng quy mô, tạo lợi nhuận dài hạn của các DN, gây cản trở quá trình tiếp cận các nguồn vốn vay từ bên ngoài, dẫn đến hoạt động kinh doanh của DN càng trở nên khó khăn hơn và không thể phát triển hoặc mở rộng.

Trao đổi về ảnh hưởng của việc khống chế chi phí tài chính kể trên, chuyên gia của Trung ương Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) bày tỏ lo ngại, nếu theo quy định như thế có nghĩa là DN không có lãi hoặc lãi thấp xem như mất trắng chi phí lãi vay!? Ngoài ra, không kích thích DN mạnh dạn đầu tư mới vì không ai có đủ tiền túi để đứng ra kinh doanh.

Chuyên gia này phân tích thêm, “Một điều cần lưu ý, chính sách này chỉ hướng đến ngăn chặn gian lận mà không nghĩ đến việc huy động nguồn vốn nhàn rỗi đưa vào lưu thông tạo ra nhiều giá trị thặng dư cho xã hội”. Điều này sẽ làm mất đi khả năng hội tụ nguồn lực để gia tăng quy mô và vị thế cạnh tranh của DN trong nước. Về dài hạn sẽ khiến cho DN trong nước khó lớn mạnh và không thể cạnh tranh với tập đoàn lớn nước ngoài vốn quy mô lớn và lợi thế về tài chính.

Hoài Nam