Trang chủ » Tài chính » Điểm nóng » Gỡ ‘cục máu đông’: Ai được hưởng lợi nhất?

Gỡ ‘cục máu đông’: Ai được hưởng lợi nhất?

Tác giả:

Quốc hội vừa thông qua một nghị quyết về xử lý nợ xấu. Đây là một bước đi được xem là có thể giúp khơi thông điểm nghẽn nợ xấu cho cả nền kinh tế.

Bước tiến quyết định

Sau thời gian dài xem xét, thảo luận, đánh giá, ngày 21/6/2017 các đại biểu Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về vấn đề xử lý nợ xấu, có hiệu lực từ ngày 15/8/2017, để đảm thực hiện mục tiêu xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng xuống dưới 3%.

Nghị quyết được xác định xử lý nợ xấu phát sinh do nghiệp vụ tín dụng thực hiện trước thời điểm nghị quyết có hiệu lực, tức là ngày 15/8/2017, với định hướng là để giải quyết khoản nợ xấu phát sinh bất thường trong thời gian vừa qua.

Xét về thực chất, nội dung của Nghị quyết không giới hạn về khối nợ xấu và có tính đến nợ xấu phát sinh từ nghiệp vụ tín dụng thực hiện trước 15/8/2017, tức là các khoản vay ký trước thời điểm này, kể cả các hợp đồng tín dụng dài hạn vài ba năm ký trước thời điểm này.

{keywords}
Nợ xấu ngân hàng rất lớn.

Đây là một sự đồng thuận nhằm xử lý một cách thực chất nợ xấu và có sự mở rộng về tương lai nhằm không để nợ xấu trở thành cục máu đông trong mạch máu của nền kinh tế ở vào thời điểm hiện tại cũng như kéo dài đáng kể trong tương lai.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong Nghị định, một số điểm đáng chú ý nhất chính là: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu công khai, minh bạch, theo quy định của pháp luật; giá bán phù hợp với giá thị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ.

Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu cho pháp nhân, cá nhân, bao gồm cả pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua bán nợ.

Điều đó có nghĩa là đối tượng mua bán nợ đã được mở rộng và giá mua bán nợ cũng linh hoạt hơn và phù hợp với thị trường.

Và một điều rất có ý nghĩa đối với các TCTD là có quyền nhận thế chấp, đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là tài sản bảo đảm của khoản nợ đã mua. Nghị định được xem là một giải pháp hữu hiệu để khơi thông điểm tắc nghẽn vốn đã được xử lý 5-6 năm vừa qua nhưng vẫn còn khá nhiều bất cập.

Cũng theo NHNN, với mục tiêu tăng dư nợ cho vay bình quân khoảng 16%, dự kiến nợ xấu phát sinh thêm trong năm năm tới (2017-2022) là 350.000 tỉ đồng. Để duy trì mục tiêu duy trì nợ xấu dưới 3% thì tổng số nợ xấu cần xử lý trong năm năm tới là 640.000 tỉ đồng, như vậy bình quân mỗi năm cần xử lý gần 130.000 tỉ đồng.

{keywords}

Bơm thêm nguồn lực cho nền kinh tế

Ông Huỳnh Minh Tuấn, trưởng phòng mối giới chi nhánh TP.HCM CTCK Vndirect cho rằng, nghị quyết về xử lý nợ xấu vừa được thông qua là một giải pháp quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế.

Theo ông Tuấn, cốt lõi nội dung của nghị quyết là tích cực, tăng quyền cho TCTD để thanh lý tài sản cầm cố. Đây là vấn đề quan trọng nhất. Sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và hệ thống chính trị sẽ giúp xử lý căn bản hơn vấn đề nợ xấu.

Theo đó, Nghị quyết giúp tránh tình trạng kiện tụng tràn lan và kéo giải, hạ thấp chi phí vốn đang ở mức rất cao trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, cải thiện sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tuy nhiên, cũng theo ông Tuấn, như thế vẫn chưa đủ, cần thiết lập thị trường mua bán nợ và tiến tới là cho phép bán nợ cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đây là những vấn đề đã được các cơ quan chức năng đề cập tới và có kế hoạch trong tương lai.

Một số chuyên gia chứng khoán khác cho rằng, Nghị quyết sẽ giúp hàng loạt các ngân hàng đang chìm ngập trong khó khăn có cơ hội để giải quyết nợ xấu, vốn ẩn mình trong các tài sản đảm bảo mà không thể giải quyết cũng như có thể mất giá theo năm tháng.

Theo các chuyên gia này, xét về dài hạn các TCTD sẽ là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp, cổ phiếu ngân hàng sẽ khởi sắc theo sự cải thiện trong các hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, thị trường bất động sản cũng có cơ hội để khởi sắc hơn. Hàng loạt nhà đất đóng băng, các dự án nằm im, bỏ hoang… sẽ có cơ hội sống lại.

Việc xử lý nợ xấu sẽ giúp các dự án bất động sản sống lại, các tổ chức tín dụng thu được các món cho vay nợ. Tín dụng cho nền kinh tế tăng lên. Chi phí tài chính giảm cũng sẽ giúp lãi suất cho vay đối với nền kinh tế giảm xuống. Tất cả sẽ giúp khơi thông thế bế tắc cho không chỉ khối ngân hàng, bất động sản mà cả nền kinh tế nói chung, tránh sự lãng phí tài nguyên của toàn xã hội.

Không chỉ khối ngân hàng, bất động sản, với chi phí sản xuất kinh doanh giảm xuống và tín dụng được khơi thông và bơm nhiều hơn vào nền kinh tế, thì doanh nghiệp trong hầu hết các ngành nghề sẽ được hưởng lợi. Thị trường chứng khoán chung sẽ khởi sắc.

Nghị quyết vừa được thông qua được đánh giá rất cao nhưng đây không phải là cây đũa thần. Cách thực triển khai áp dụng nghị quyết và sự vào cuộc cũng của các bộ ban ngành liên quan mới quyết định sự thành công của cuộc chiến phá tan “cục máu đông” kéo dài gần thập kỷ qua.

M. Hà