Trang chủ » Tài chính » Nguyễn Duy Hưng lại nhiều tiền: Đến thời đại gia chứng khoán

Nguyễn Duy Hưng lại nhiều tiền: Đến thời đại gia chứng khoán

Tác giả:

Cổ phiếu đầu ngành của ông Nguyễn Duy Hưng đang đứng trước thời điểm bước ngoặt. Túi tiền của đại gia này một lần nữa có thể tăng mạnh, giống như bước khởi nghiệp cách đây hơn thập kỷ.

Dòng tiền đổ dồn vào các cổ phiếu chứng khoán, cổ phiếu ngân hàng, bảo hiểm, xây dựng… đang giúp thị trường chứng khoán tiếp tục bứt phá, vượt ngưỡng lịch sử và dự báo còn tiếp tục sôi động trong nửa cuối 2017.

Hiện tại, dòng tiền đang dồn vào các cổ phiếu tầm nhỏ và trung để kiếm lời.

Thị trường chứng khoán đang chứng kiến lực hấp dẫn chưa từng có trong gần thập kỷ qua. Hàng loạt các cổ phiếu chứng khoán tăng mạnh, nhất là các cổ phiếu có giá trị thấp như như AGR, APS, ART, BSI, TVS, VIG… bên cạnh các cổ phiếu chứng khoán trụ cột trên thị trường như SSI, HCM, VND, VCI…

Cổ phiếu Chứng khoán Sài Gòn (SSI) của ông Nguyễn Duy Hưng tiếp tục hút dòng tiền cho dù áp lực chốt lời là khá lớn. Doanh nghiệp này lãi hợp nhất gần 600 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.

chứng khoán, cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu bất động sản, VN-Index, Trầm Bê, Sacombank, Trương Gia Bình, Nguyễn Đức Tài, cổ phiếu chứng khoán
Dòng tiền ngàn tỷ đổ vào chứng khoán.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Duy Hưng, thị trường chứng khoán trong thời gian sắp tới sẽ trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều với sự ra đời của thị trường phái sinh, sẽ được giới thiệu hôm 10/8 tới.

Theo BSC, nhiều CTCK Hàn Quốc, Nhật Bản cũng tỏ ý quan tâm và đang tiếp xúc tìm hiểu về các quy định pháp lý trên thị trường phái sinh. Việc mở cửa thị trường phái sinh sẽ thu hút thêm dòng vốn khốn ngoại vào TTCK Việt Nam cũng như tạo các chiến thuật và công cụ đầu tư hiện đại hơn cho các nhà đầu tư trong thị trường.

Với SSI, sự ra đời của chứng khoán phải sinh có thể sẽ là một bước ngoặt mới đối với doanh nghiệp này. Nó cũng giống như thời điểm mà ông Nguyễn Duy Hưng gây dựng lên SSI những ngày đầu tiên với vốn 6 tỷ đồng, để cho đến nay đại gia này có số tài sản quy từ cổ phiếu trị giá hàng ngàn tỷ đồng.

Một bước ngoặt mới có thể giúp túi tiền của các ông chủ công ty chứng khoán, trong đó có ông Nguyễn Duy Hưng gia tăng mạnh.

Trong tháng 8 này, theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), sản phẩm đầu tiên được giao dịch trên thị trường phái sinh là hợp đồng tương lai chỉ số VN30. Dự kiến thời gian đầu mở cửa, thị trường phái sinh sẽ thu hút chủ yếu các tổ chức đầu tư, các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Theo BSC, thị trường chứng khoán phái sinh chính thức hoạt động cũng đem lại một làn gió mới nhóm cổ phiếu chứng khoán. Trong đó, các CTCK thuộc top đầu được kỳ vọng sẽ bứt phá mạnh mẽ sau khi đã có kết quả kinh doanh rất ấn tượng trong nửa đầu năm 2017.

Thống kê khoảng 24 CTCK đang hoạt động trên thị trường, tổng doanh thu hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt trên 7 ngàn tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 2,7 ngàn tỷ đòng, gấp 2,24 lần cùng kỳ năm trước.

Thị trường chứng khoán hiện đang còn được tiếp lửa nhờ hàng loạt các cổ phiếu trụ cột ở trong các nhóm ngành hot như: Bảo Việt (BVH), Xăng dầu (PLX, GAS), bia rượu (SAB, BHN), ngân hàng (VCB, BID, MBB), sắt thép (HPG, HSG), thực phẩm tiêu dùng (VNM)…

Nhóm cổ phiếu nóng của tỷ phú USD Trịnh Văn Quyết bứt phá mạnh cũng góp phần vào sự sôi động chung trên thị trường. Các cổ phiếu như FLC, ROS, HAI, AMD, KLF, ART… đang tăng mạnh. Nhiều cổ phiếu tăng trần.

Nhóm cổ phiếu xây dựng và bất động sản vẫn nhấp nhổm tăng giá mạnh theo sự khởi sắc của nền kinh tế nói chung và dòng vốn tín dụng khá mạnh. Các cổ phiếu như NTL, VCG, SJS, SCR, HAR, CTD… vẫn đang trên đà tăng với giao dịch tích cực.

Cổ phiếu bán lẻ gần đây cũng nổi sóng sau khi CTCP Đầu tư Thế giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài có kế hoạch bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng thâu tóm các chuỗi điện máy và dược phẩm.

Ngay sau phát biểu của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài, HĐQT của Thế giới Di Động đã hành động xin ý kiến cổ đông về kế hoạch này. MWG sẽ huy động 2,5 ngàn tỷ đồng từ vốn vay, phát hành trái phiếu, phần lợi nhuận chưa phân phối.

Cặp cổ phiếu mía đường của nhà ông Đặng Văn Thành giảm trước sức ép trước ngày hủy niêm yết để sáp nhập.

Về tổng thể, theo nhiều CTCK, thị trường chứng khoán tiếp tục sôi động và được dự báo tăng tiếp cho dù áp lực chốt lời trong ngắn hạn vẫn đang khá mạnh. BSC dự báo VN-Index sẽ giữ vững mốc 780 điểm và chinh phục các đỉnh cao mới trong năm 2017.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/8, VN-index tăng 4,3 điểm lên 792,98 điểm; HNX-Index tăng 0,47 điểm lên 102,4 điểm. Upcom-Index giảm 0,06 điểm xuống 55,67 điểm. Thanh khoản toàn tiếp tục duy trì ở mức cao với 316 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị gần 4,9 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục mua ròng.

H. Tú