Trang chủ » Tài chính » Hết thời chìm nổi, Đỗ Quang Hiển bất ngờ nổi sóng

Hết thời chìm nổi, Đỗ Quang Hiển bất ngờ nổi sóng

Tác giả:

Các cổ phiếu trụ cột không ngừng chinh phục mức giá cao lịch sử mới. Hàng loạt doanh nhân Việt đang ở thời đỉnh cao. Đây có thể là bước ngoặt giúp họ bứt phá đi lên mạnh mẽ trong bối cảnh dòng tiền ngoại vẫn ồ ạt đổ vào.

Sau thời gian dài ì ạch, cổ phiếu SHB của Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội của ông Đỗ Quang Hiển đang có dấu hiệu bứt phá với khối lượng giao dịch lên tới cả chục, thậm chí hàng chục triệu đơn vị được chuyển nhượng mỗi phiên trong thời gian gần đây.

Khối ngoại cũng đang dồn dập đổ tiền vào cổ phiếu SHB – một trong những ngân hàng có quy mô lớn nhất hiện nay. Ngân hàng của ông Đỗ Quang Hiển là 1 trong 10 ngân hàng có tài sản trên 10 tỷ USD tại Việt Nam.

SHB là cổ phiếu ngân hàng khởi động khá chậm trong đợt tăng bùng nổ của thị trường chứng khoán nói chung và nhóm cổ phiếu ngân hàng nói triêng trong hơn 8 tháng đầu năm 2017.

Trong khi nhiều cổ phiếu ngân hàng bứt phá tăng giá và là trụ cột trên thị trường chứng khoán, có những cổ phiếu tăng tới vài ba lần, thì SHB vẫn khá khiếm tốn với thị giá vẫn đang nằm dưới mệnh giá (10.000 đồng/cp).

{keywords}
Thị trường chứng khoán tiếp tục sôi động.

SHB của ông Đỗ Quang Hiển gặp rất nhiều khó khăn trong công việc xử lý nợ xấu sau khi sáp nhập Habubank năm 2012. Tuy nhiên, SHB cũng đang dần ổn định. Ngân hàng này báo lãi gần 650 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng 52% so với cùng kỳ.

Các cổ phiếu ngân hàng khác vẫn đang có diễn biến giá và giao dịch tích cực như Vietcombank (VCB), Vietinbank (CTG),… Cổ phiếu Ngân hàng Quân đội (MBB) tăng hơn 70% từ đầu năm. Với mức giá này, nhóm Dragon Capital bán chốt lãi 10 triệu cổ phiếu MBB. Tuy nhiên, bên nhân chuyển nhượng là nhóm đầu tư nước ngoài khác.

Bên cạnh nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhóm bán lẻ và tiêu dùng nhanh tiếp tục là “át chủ bài” giữ thị trường chứng khoán ở đỉnh cao 10 năm.

Cổ phiếu Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài và Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) của bà Cao Thị Ngọc Dung tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới. Hai cổ phiếu bán lẻ này (một là điện thoại di động, một là vàng bạc trang sức) không hẹn mà gặp, hiện đang cùng có giá cao kỷ lục, cùng là 114 ngàn đồng/cp.

Ông Nguyễn Đức Tài đang rất giàu với gần 5,3 ngàn tỷ đồng tài sản quy ra từ cổ phiếu MWG. Trong khi bà Cao Thị Ngọc Dung cũng có hơn 1,1 ngàn tỷ đồng.

Cổ phiếu công nghệ FPT của ông Trương Gia Bình cũng sắp tiến tới mức giá cao ngất ngưởng sau khi tập đoàn này bán một phần lớn mảng bán lẻ cho các nhà đầu tư nước ngoài và định hướng tập trung vào mảng cốt lõi công nghệ.

Cổ phiếu Bia Hà Nội (BHN) tăng giá mạnh sau khi Bia Sài Gòn – Sabeco (SAB) chùng lại vì tăng quá nhiều trước đó. Cổ phiếu Vinamilk (VNM) của bà Mai Kiều Liên vẫn vững giá ở mức Nhà nước đang muốn thoái vốn cho NĐT nước ngoài.

Nhóm cổ phiếu họ FLC như FLC, ROS, KLF, HAI, AMD,… tiếp tục giao dịch bùng nổ như thường thấy. KLF tăng trần sau khi có thông tin doanh nghiệp này và FLC của tỷ phú USD Trịnh Văn Quyết triệu họp đại hội bất thường. Nhiều khả năng ông Quyết sắp có một quyết định quan trọng.

Về tổng thể, theo nhiều CTCK, thị trường chứng khoán có triển vọng tốt về dài hạn do quy mô và chất lượng tiếp tục tăng. Sức cầu của khối ngoại và triển vọng tốt của các doanh nghiệp đầu ngành đang nâng đỡ thanh khoản và thị trường. Tuy nhiên, áp lực chốt lời khiến thị trường khó tăng mạnh.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/9, VN-index giảm 0,07 điểm xuống 805,86 điểm; HNX-Index tăng 0,45 điểm lên 105,18 điểm. Upcom-Index tăng 0,13 điểm lên 54,57 điểm. Thanh khoản đạt 213 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt khoảng 4 ngàn tỷ đồng, thấp hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng trước đó.

H. Tú