Trang chủ » Kinh tế 24h » Tranh luận » Giải thoát cho đô thị, cứu lấy môi trường: Lên lộ trình hạn chế xe máy

Giải thoát cho đô thị, cứu lấy môi trường: Lên lộ trình hạn chế xe máy

Tác giả:

Từ năm 2018 Hà Nội sẽ thực hiện quản lý chặt các phương tiện giao thông cá nhân, đặc biệt là xe máy. Xây dựng lộ trình từ kiếm soát đến hạn chế và tiến tới dừng hoạt động xe máy vào 2030 nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 212/KH-SGTVT ngày 28/9/2017 về việc thực hiện Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐNDngày 04/7/2017 của HĐND Thành phố về việc thông qua Đề án: “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030”,  theo đó  xe máy sẽ bị dừng hoạt động trên địa bàn nội thành vào năm 2030.

Mật độ xe máy dày đặc

Xe máy là phương tiện chủ đạo trong vận tải đô thị hiện nay với nhiều ưu điểm phù hợp với điều kiện hạ tầng và xã hội, có mức giá vừa phải, cơ động, thích ứng với các loại đường khác nhau, diện tích chiếm dụng mặt đường thấp,… Chính vì những ưu điểm đó, số lượng xe máy phát triển nhanh, từ khoảng 1 triệu xe vào cuối những năm 1990 đến hơn 5,2 triệu xe như hiện nay.

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng cơ sở hạ tầng không theo kịp và số lượng xe máy khổng lồ đã trở thành một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Hà Nội hiện có mật độ các phương tiện giao thông cao, đặc biệt vào giờ cao rất dày đặc. Điều đó dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông. Sự dày đặc của xe máy làm giảm tốc độ di chuyển và kéo dài thời gian đi lại.

Ùn tắc giao thông thường xuyên trên diện rộng đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế, gia tăng mức độ ô nhiễm môi trường, gây nguy hại cho sức khỏe của con người và làm suy giảm chất lượng cuộc sống đô thị.

Hiện tại xe máy chỉ có quản lý về chất lượng trước khi đưa vào lưu hành, chưa có quy định quản lý chất lượng khi lưu hành.

Theo dự báo, số lượng xe máy sẽ còn tăng cao trong thời gian tới. Cụ thể tới năm 2020, Hà Nội sẽ có 6,1 triệu chiếc, năm  2025 tăng lên thành 7 triệu chiếc và năm 2030 là 7,5 triệu chiếc.

{keywords}
Từ năm 2018, Hà Nội sẽ thực hiện quản lý chặt các phương tiện giao thông cá nhân, đặc biệt là xe máy.

Do vậy, cần phải có giải pháp hạn chế, tiến tới dừng hoạt động, nếu không, tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường sẽ càng trở nên nghiêm trọng.

Theo Sở GTVT Hà Nội, tại châu Á, một số TP có mật độ xe máy dày đặc tương tự Hà Nội đã thực hiện dừng hoạt động  với xe máy.

Jakarta thủ đô của Indoniesia là nơi nổi tiếng với mật độ xe máy dày đặc và tỷ lệ tử vong cao do tai nạn. Tính đến năm 2013, tại thủ đô Jakarta có khoảng 26,4 triệu xe máy. Sự gia tăng mạnh mẽ của số lượng xe máy không cân đối với sự gia tăng diện tích đường. Chính quyền TP đã đề ra lộ trình cấm xe máy và công bố cho người dân biết, đồng thời phát triển mạnh vận tải bằng xe buýt. Từ tháng 2/2015, chính quyền TP Jakarta đã cấm hoàn toàn xe máy tại một số khu vực và tuyến đường trung tâm, nơi có hệ thống giao thông công cộng hiệu quả.

Chính quyền TP Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đã thực hiện việc cấm xe máy cách đây hơn 10 năm, do số lượng quá dày đặc gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Đầu tiên cấm xe máy không đăng ký tại Quảng Châu lưu hành trong khu vực và sau đó tiến tới cấm toàn bộ xe máy vào năm 2007 tại nội đô.

Dừng hoạt động xe máy

Theo kế hoạch của UBND TP và Sở GTVT Hà Nội, lộ trình quản lý, hạn chế và tiến tới dừng hoạt động của xe máy sẽ được thực hiện từng bước.

{keywords}
Số lượng xe máy sẽ còn tăng cao trong thời gian tới.

Giai đoạn 2018-2020 sẽ rà soát và có biện pháp xử lý đối với xe máy không đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Điều tra, thống kê số lượng xe máy đã qua sử dụng trên địa bàn, để đề xuất các biện pháp xử lý đối với xe máy không đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Đề xuất quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy nhằm kiểm soát chất lượng xe máy hoạt động trên địa bàn TP.

Tiếp đến, sau năm 2020 sẽ tiến hành xử lý phương tiện xe máy, không đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.  Giai đoạn 2025-2029 sẽ dừng hoạt động của xe máy theo giờ, theo ngày tại một số tuyến trục chính, một số quận. Từ năm 2030 sẽ dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận.

Theo Sở GTVT Hà Nội, việc hạn chế và dừng hoạt động xe máy tại khu vực nội thành sẽ giúp giảm tình trạng ùn tắc giao thông, giảm thiệt hại về kinh tế, tiết kiệm thời gian đi lại và chi phí của người dân. Bên cạnh đó, sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm số vụ tai nạn giao thông,  góp phần quan trọng để phát triển đô thị bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Việc dừng hoạt động xe máy trên địa bàn nội thành chỉ hạn chế phạm vi hoạt động, không hạn chế sở hữu phương tiện và đây là một trong các hình thức tổ chức giao thông, phù hợp với Luật Giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, quy định  này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng trên 50% người dân sinh sống trên địa bàn TP Hà Nội và người dân ngoại tỉnh, thường xuyên đi lại, học tập và làm việc trong khu vực dừng hoạt động xe máy. Ngoài ra, quy định này cũng ảnh hưởng tới các DN kinh doanh xe máy trên địa bàn TP.

Mặc dù vậy, theo Sở GTVT, điều tra mới đây của Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải, Sở GTVT và Công an TP Hà Nội thực hiện, cho thấy đa số người dân ủng hộ quyết định này.

Điều tra thực hiện vào đầu năm 2017 với 15.337 phiếu phát đến các hộ gia đình tại 30 quận, huyện trên địa bàn TP, kết quả cho thấy có tới 84% (tính trên số phiếu hợp lệ: 14.441 phiếu) số người tham gia điều tra ủng hộ kiểm soát và hạn chế xe cá nhân, trong đó có dừng hoạt động của xe máy vào năm 2030. Tuy nhiên, phải đáp ứng điều kiện đi kèm như hoạt động vận tải công cộng phải đáp ứng được nhu cầu đi lại, về chất lượng phục vụ, đúng giờ, giá vé phù hợp, an toàn, tiện nghi…

{keywords}
Để hạn chế và tiến tới dừng hoạt động của các phương tiện cá nhân, hoạt động vận tải công cộng phải đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Nếu hệ thống vận tải công cộng phát triển và hoàn thiện, đáp ứng về giá vé, cự ly tiếp cận, thời gian chờ ngắn, đúng lịch trình, tiện nghi có 73,38% số người được lấy ý kiến cho biết, sẽ chuyển đổi sang sử dụng phương tiện công cộng để đi lại.

Sở GTVT Hà Nội cho biết, TP đang tập trung ưu tiên phát triển đồng bộ hệ thống vận tải hành khách công cộng. Đây là tiền đề quan trọng để hạn chế giao thông cá nhân. Theo kế hoạch, TP sẽ mở thêm nhiều tuyến xe buýt mới, trong đó có cả xe buýt 2 tầng, xe buýt nhanh BRT, kết nối với 6 tuyến tầu điện ngầm và trên cao, sẽ phục vụ nhu cầu đi lại tốt hơn của người dân.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội nhấn mạnh, phải có hệ thống vận tải hành khách công cộng phát triển, đảm bảo năng lực phục vụ, thì TP mới có đủ điều kiện để hạn chế xe cá nhân, đặc biệt là xe máy.

Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, đến năm 2020, vận tải công cộng sẽ đáp ứng 20%-25% tỷ trọng vận chuyển. Cùng với đó, là phát triển không gian đi bộ, khuyến khích sử dụng phương tiện phi cơ giới. Tới năm 2030 vận tải công cộng sẽ đáp ứng 35-40%  nhu cầu đi lại của người dân TP. Lộ trình này sẽ giúp mọi người làm quen, thích ứng dần và tiến tới việc từ bỏ xe máy. “Tôi tin rằng chúng ta sẽ đạt được mục tiêu đề ra mà không làm ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân”, Lãnh đạo Sở GTVT nhận định.

Hoàng Xuân