Trang chủ » Thế giới » Cha đẻ thuyết “Sức mạnh mềm” nhìn nhận 2009, dự báo 2010

Cha đẻ thuyết “Sức mạnh mềm” nhìn nhận 2009, dự báo 2010

Tác giả:







GS. Joseph Nye, ĐH Harvard cha đẻ của học thuyết "Sức mạnh mềm" nổi tiếng thế giới tổng kết năm 2009, "năm vượt qua khủng hoảng" và dự báo những thách thức của năm 2010.

 

Tăng trưởng kinh tế vẫn là thách thức hàng đầu

"Điều quan trọng nhất là chúng ra đã bước đầu vượt qua được cuộc khủng hoàng tài chính của năm ngoái. Giờ chính là thời điểm bắt đầu sự phục hồi tăng trưởng kinh tế, và đó chính là điều làm cho năm nay khác hẳn với năm ngoái", GS. Nye nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Tân Hoa xã. Ông nhấn mạnh rằng tăng trưởng kinh tế ổn định sẽ là chìa khoá quyết định việc đối phó với các thách thức khác.

"Thách thức quan trọng nhất là làm sao duy trì được sự tiến bộ của kinh tế thế giới, và chắc chắn rằng chúng ta sẽ không nhanh chóng lãng quên giai đoạn mất cân bằng đã đẩy chúng ta đến cuộc khủng hoảng năm. Không giữ được đà tăng trưởng kinh tế, sẽ rất khó giải quyết được nhiều vấn đề mà chúng ta đang đối mặt", GS. Nye nói.

Theo GS. Nye, việc thành lập nhóm G20 có lẽ là "bước tiến quan trọng nhất" trong điều hành toàn cầu. Hành động mang tính quốc tế của các nền kinh tế lớn "sẽ là khuôn khổ quan trọng nhất" để duy trì đà tăng trưởng bền vững cho kinh tế thế giới trong những năm tới.

Tuy nhiên theo quan điểm của GS. Nye, dù G20 đã và đang đóng vai trò quan trọng trong điều hành toàn cầu, G20 với tư cách hiện nay là một tổ chức kinh tế liên chính phủ sẽ không biến đổi thành một tổ chức chính trị.

"Tổ chức này không muốn đánh mất mục tiêu cơ bản của mình và họ sẽ cố gắng giải quyết mọi vấn đề. Trước hết họ sẽ tập trung vào kinh tế quốc tế", ông nhận định.

 




Giáo sư Joseph S. Nye của ĐH Harvard – cha đẻ của các học thuyết "sức mạnh mềm" và "sức mạnh thông minh". Ảnh: stanford.edu


 

An ninh vẫn sẽ bấp bênh

Theo GS. Nye, những vấn đề an ninh đau đầu, như các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq, sự bế tắc trong vấn đề hạt nhân ở Iran và bán đảo Triều Tiên, cũng như tiến trình hoà bình Trung Đông, sẽ tiếp tục bỏ ngỏ trong năm tới, nhưng "việc Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định tăng thêm quân đến Afghanistan có thể sẽ đưa chiến trường này trở thành điểm nóng số một".

Đối với nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân, GS. Nye cho rằng nước Mỹ sẽ tận dụng các cuộc đàm phán đa phương 6 bên để nhấn mạnh mối quan ngại đối với vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Nước Mỹ không tin rằng những vấn đề như thế này không thể giải quyết song phương, GS. Nye nói. "Đây là một vấn đề đa phương. Nó thuộc về các cuộc đàm phán sáu bên".

Về vấn đề hạt nhân của Iran, GS. Nye nói vẫn có "cơ hội để Iran đạt được thoả thuận", nhưng mấu chốt vẫn là Iran phải tuân theo các nghĩa vụ quốc tế của họ. "Tôi không nghĩ người Israel sẽ tấn công hay làm điều tương tự nếu người Iran tuân thủ thoả thuận".

Cũng tương tự với tiến trình hoà bình ở Trung Đông, GS cho biết "khó có thể mong đợi một tiến bộ lâu dài xảy ra trong một sớm một chiều" cho dù cộng đồng quốc tế sẽ vẫn tiếp tục các nỗ lực đẩy nhanh tiến trình này.

 

Quan hệ giữa các nước lớn cải thiện

Trong năm 2009, quan hệ của Mỹ với Liên minh châu Âu, Nga và Trung Quốc đã cải thiện nhiều trong giai đoạn đầu triều đại của ông Obama, GS Nye nhận định. Ông kiên định đề xuất rằng nước Mỹ cần phát triển "sức mạnh thông minh" để vừa đảm bảo an ninh quốc gia, vừa duy trì vị thế thống trị trong hệ thống quốc tế.

Theo GS. Nye, sức mạnh thông minh chính là sự kết hợp giữa các công cụ của sức mạnh cứng và sức mạnh mềm thành những chiến lược thành công.

 

 




GS. Nye cho rằng chính quyền Mỹ hiện nay đang tận dụng tốt "sức mạnh thông minh" trong quan hệ với các nước lớn khác trên thế giới. Ảnh: welt.de


 

Chính quyền của Tổng thống Obama, bằng cách đưa sức mạnh thông minh vào các chính sách đối ngoại của mình, đã quyết định tận dụng vị thế lãnh đạo của mình để xây dựng quan hệ hợp tác và giải quyết các vấn đề mà không một nước nào có thể tự mình giải quyết, GS. Nye nói. Rõ ràng, một cấu trúc quan hệ bền vững là điều tốt cho lợi ích quốc gia của bất cứ cường quốc nào cũng như cho điều hành toàn cầu.

"Việc Mỹ và Trung Quốc có được mối quan hệ tốt đẹp là điều rất quan trọng bởi hai nước đều có ảnh hưởng lớn đến kinh tế thế giới", GS nhận định. Tuy nhiên, ông phản đối cái gọi là G2, trong đó Mỹ và Trung Quốc tạo thế chiến lược để cùng nhau xử lý các vấn đề toàn cầu.

"Tôi cho G2 là một sai lầm, vì những vấn đề mà chúng ta cần giải quyết có mức độ sâu rộng hơn nhiều… Chúng ta cần phải hợp tác với cả châu Âu, Nhật Bản và các nước khác", GS. Nye nói.

"Nước Mỹ rất coi trọng vai trò đối tác của một châu Âu đoàn kết trong việc giải quyết các vấn đề cả về kinh tế và an ninh, trong đó có vai trò của EU về mặt kinh tế và NATO về mặt quân sự", ông bổ sung.

GS. Nye nói ông thấy rất lạc quan với những tiến bộ mà chính quyền Tổng thống Obama đạt được trong năm đầu nắm quyền. "Chính quyền mới đã tạo nên giọng điệu mới cho chính sách đối ngoại của Mỹ. Những hành động của Mỹ trong việc ủng hộ sự phát triển của G20 là một tư duy đa phương mới, cũng như những hành động của Mỹ trong việc cải thiện các quan hệ song phương với châu Âu, Nga, Trung Quốc và Nhật Bản, là những bước đi quan trọng".

 







Tuần Việt Nam