Trang chủ » Thế giới » Joseph S.Nye, người vẽ bức tranh về tương lai nước Mỹ

Joseph S.Nye, người vẽ bức tranh về tương lai nước Mỹ

Tác giả:







Không chỉ đối thoại với lịch sử, giải thích lịch sử thế giới, mà chính Joseph S.Nye còn là người viết nên lịch sử của nước Mỹ và định hướng cách thế giới nhìn về nước Mỹ.

 

Cuối thập kỉ 80 của thế kỉ 20, người Mỹ đã bị Giáo sư sử học ĐH Yale, ông Paul Kennedy thuyết phục về sự đi xuống của nước Mỹ như một quy luật tất yếu của lịch sử, với Sự thưng thịnh và suy vong của các cường quốc. Hầu hết họ nghi ngờ về sức mạnh của nước Mỹ, và  tin rằng, nước Mỹ cũng sẽ theo chân đế chế Anh suy tàn. Vị thế siêu cường của Mỹ sẽ sớm bị thay thế và vượt qua bởi Nhật Bản, Nga và Đức.

 

Thế nhưng, Joseph Nye không bị thuyết phục dễ dàng như vậy. Cho rằng Sự hưng thịnh và suy vong của các cường quốc là cuốn sách sử tuyệt vời nhưng, theo Nye, việc so sánh và đồng nhất đế chế Anh và Mỹ là "không chuẩn xác", và nước Mỹ sẽ không trải qua con đường mà đế chế Anh quốc đã đi qua.

 

Với cuốn sách Bound to Lead xuất bản năm 1989, Joseph Nye đã thách thức cách nhìn của số đông và của học giả uy tín Paul Kennedy bằng cách lí giải tại sao cường quốc Mỹ lại có con đường khác, tại sao sức mạnh Mỹ vẫn tiếp tục, cả sức mạnh cường (sức mạnh quân sự và kinh tế) và cả sức mạnh mềm (sự lý tưởng về văn hóa và chủ thuyết của nước Mỹ).

 

   

 

Và đó không phải là lần duy nhất ông thay đổi cách thế giới nhìn vào nước Mỹ. Năm 1995, căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Nhật Bản sau khi ba người lính Mỹ bị buộc tội bắt cóc và hãm hiếp một học sinh người Nhật. Sự cố này khiến người Nhật đặt câu hỏi về sự hiện diện của quân đội Mỹ tại nước này. Trong bối cảnh đó, Joseph Nye đã viết báo cáo về chiến lược an ninh châu Á mới.

 

"Cho đến hiện nay, đó vẫn được xem là văn bản cuối cùng về chiến lược của Mỹ ở khu vực", cựu Bộ trưởng Quốc phòng William Perry nói trên trang tin nội bộ của Kennedy School.  "Đó là một công việc sáng tạo to lớn và có tác động đáng kinh ngạc. Nhưng nó còn bất thường hơn ở chỗ cách mọi người ngay lập tức đứng đằng sau ủng hộ cho chính sách mới đó. Đó phải là báo cáo sâu sắc và đầy tính thuyết phục".

 

Không chỉ đối thoại với lịch sử, soi sáng các mối quan hệ quốc tế, mà chính Joseph S.Nye đã viết tiếp lịch sử của nước Mỹ với lòng tin và niềm tự hào về sức mạnh Mỹ. Ông cũng đã định hướng cách thế giới nhìn về nước Mỹ.

Ông còn được xem là người "nắm giữ bức tranh của tương lai". Từ rất sớm, ông đã khẳng định sự tiếp tục của sức mạnh Mỹ, về sự thất bại của thị trường chung ở Đông Phi…

 

Mang những kiến thức học thuật vào đời sống chính trị Mỹ khi tham gia Bộ Ngoại giao dưới thời Jimmy Carter hay Bộ Quốc phòng dưới thời Bill Clinton, Joseph Nye đã góp phần "định dạng bức tranh tương lai" ấy, như lời ông tâm sự trong cuộc phỏng vấn "Đối thoại với lịch sử" vào năm 1998.

 

Joseph Nye: từng là Hiệu trưởng Trường Hành chính John F. Kennedy (thuộc Đại học Havard), là Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dưới thời Clinton, GS Joseph Nye là chuyên gia trên nhiều lĩnh vực trong quan hệ quốc tế: quốc phòng, ngoại giao, chính sách đối ngoại, châu Á, châu Âu, chủ nghĩa khủng bố, vũ khí hạt nhân và Liên Hợp Quốc.

Ông cũng là tác giả của hàng loạt các cuốn sách nổi tiếng: Soft Power: The Means to Success in World Politics, Understanding International Conflict, The Power Game: A Washington Novel…

 

 

Là người thích hành động, lại thích được suy ngẫm, Joseph Nye luôn bị giằng lại hoặc đẩy đi giữa hai đời sống chính trị và đời sống học thuật.

 

Cùng với Henry Kissinger và Zbigniew Brzezinski, Joseph Nye là một trong không nhiều những học giả nắm giữ vị trí cao trong chính sách đối ngoại Mỹ. Ông cũng là một trong số không nhiều những người từng nắm trọng trách trong chính quyền lại quay trở về lĩnh vực học thuật, mở con đường hai chiều giữa học thuật và đời sống chính trị.

 

Nắm giữ các vị trí khác nhau, ở các cơ quan khác nhau tại các nhiệm kì Tổng thống khác nhau của nước Mỹ mà vị trí nào cũng chỉ vài năm, Joseph Nye khiến người ta có cảm giác ông không có khả năng ngồi lâu ở bất kì vị trí nào và ông không có khả năng tập trung vào một công việc cụ thể.

 

Từng có cảm giác "bị người ta ném xuống hồ bơi và nói, hãy bơi đi" khi lần đầu tiên tham gia chính quyền của Tổng thống Jimmy Carter, GS Joseph Nye đã trải nghiệm những khác biệt của đời sống học thuật và đời sống chính trị.

 

Ông chỉ rõ: trong đời sống học thuật, thời gian không nắm giữ vai trò quyết định. Yếu tố quan trọng là phải có câu trả lời đúng. Khi tham gia chính phủ, nếu bạn không có câu trả lời đúng vào 4h chiều khi Tổng thống gặp Thủ tướng nước khác, thì dù một bản báo cáo hoàn hảo nhưng hoàn thành muộn cũng chỉ nhận được điểm F.

 

Tương tự, các đồng nghiệp trong giới học thuật gửi cho ông những báo cáo họ đã viết và kèm theo lời nhắn "đây là câu trả lời cho việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt". Đó là báo cáo 30-40 trang kèm theo rất nhiều chú thích. Họ không nhận ra rằng ông phải có mặt ở văn phòng lúc 7h sáng, phải đọc báo cáo tình báo thâu đêm, tóm tắt báo chí hằng ngày, vài bản ghi nhớ về công việc ở Capitol Hill trong ngày, gặp Ngoại trưởng lúc 7h30.

 

 

Ông nhận ra, cũng giống như họ, ông từng viết những bản báo cáo dài mà quên mất quan chức không có thời gian để đọc chúng.

 

"Khi tham gia chính phủ, không phải lúc nào tôi cũng có thể phát ngôn thẳng thắn một cách công khai như mong muốn", ông cũng chia sẻ tại Viện Nghiên cứu Quốc tế UC Berkeley năm 1998.

 

Được hướng dẫn không bao giờ được phép nói dối khi tham gia họp báo của Phòng Bầu Dục, thế nhưng, "điều đó không đồng nghĩa bạn hành xử giống như thiêu thân lao vào lửa. Bạn phải tránh né câu hỏi. Điều này không phải lúc nào cũng dễ chịu đối với một người làm học thuật".

 

Và ông hiểu rằng, một trong những điều tuyệt vời của đời sống học thuật là bạn có thể đối mặt với tất cả các vấn đề một cách trực diện, không hề lảng tránh.

 

Trải nghiệm hai đời sống ấy, Joseph Nye nhận ra, khi ở vị trí người làm chính sách, ông có cơ hội sử dụng năng lực trí tuệ đã được tích tụ khi ở ngoài chính quyền. Và khi ở bên ngoài, ông có khả năng tái thiết hoặc xây dựng năng lực trí tuệ của mình.

 

Theo Joseph Nye, ông đã may mắn đủ để trải nghiệm "cuộc đối thoại giữa lý thuyết và thực tiễn".

Trước khi tham gia chính quyền Carter, Joseph Nye đã bị hấp dẫn với câu hỏi về điều gì đang diễn ra trong việc buôn bán hạt nhân và phổ biến các nguyên liệu hạt nhân. Sau đó, ông đã có cơ hội giải đáp vấn đề này trong vai trò làm chính sách.

 

Khi xử lý vấn đề hạt nhân ở Bộ Ngoại giao Mỹ, ông đã không tìm được câu trả lời cho câu hỏi của đối tác: "Tại sao Mỹ, quốc gia có hạt nhân lại ngăn cấm nước khác sở hữu chúng? Như vậy có thực là hành động mang tính đạo đức?" Rời khỏi chính quyền, ông lại có cơ hội xem lại những câu hỏi về quy chuẩn đạo đức của vấn đề hạt nhân.

 

Tương tự, khi tham gia chính quyền Clinton, Joseph Nye cũng phải đối mặt với câu hỏi về sự trỗi dậy của Nhật Bản, vai trò của Trung Quốc, sự cân bằng quyền lực ở Đông Á. Sau đó, ông lại có cơ hội làm việc tại Bộ Quốc phòng, để tái xác lập quan hệ liên minh an ninh Mỹ – Nhật vốn đang bị bào mòn.

 

Nói cách khác, ông đã sử dụng những suy nghĩ được phát triển trong giai đoạn tham gia đời sống học thuật, áp dụng nó trong chính quyền và sau đó quay trở lại, suy xét về chúng một lần nữa trên một chiều kích khác hoặc một lần nữa điều chỉnh những suy

nghĩ mang tính học thuật.

Và có vẻ như, luôn có sợi chỉ vô hình kết nối những vị trí công việc, trong đời sống học thuật cũng như đời sống chính trị, cái này nối tiếp cái kia, công việc trước chuẩn bị cho công việc sau và ngược lại, công việc sau soi chiếu, làm rõ những câu hỏi chưa có lời giải trong công việc trước.

 

Từng viết luận văn về thị trường chung Đông Phi mà câu hỏi nghiên cứu chủ yếu được ông đặt ra là, liệu Kenya, Tanzania và Uganda có thể xây dựng một thị trường chung mang lợi ích cho tất cả các nước, hay áp lực chính trị bởi các quốc gia mới độc lập ở châu Phi sẽ chia tách họ? Sau nghiên cứu, Joseph Nye đưa ra kết luận rằng các nước này sẽ bị chia tách. Thực tế đúng như thế và điều đó thật tồi tệ cho các nước này.

 

 

Sau đó, ông nhận ra rằng Thị trường chung Trung Mỹ đang hoạt động và vì thế, ông quyết định đến Trung Mỹ và sống ở Guatemala để nghiên cứu về đề tài này. Từ đó, ông đã nghiên cứu về Hội nghị Thương mại và Phát triển của LHQ ở châu Âu và sau đó là Thị trường chung châu Âu.

 

Quá trình nghiên cứu này thúc đẩy ông quan tâm hơn  đến thương mại với các nguyên liệu khó, đặc biệt là nguyên liệu hạt nhân. Sau đó, với công việc tại Bộ Ngoại giao, ông lại xử lý với việc giảm sự phát tán vũ khí hạt nhân. Từ đó, ông lại quan tâm đến câu hỏi lớn hơn về vũ khí, chiến tranh và vấn đề hạt nhân. Vấn đề này lại dẫn tới chủ đề về điều gì đang diễn ra với sức mạnh Mỹ và lòng tin của người Mỹ về sự sụt giảm sức mạnh của nước Mỹ vào cuối thập kỉ 80.

 

Sau đó, Joseph Nye quay trở lại tham gia chính quyền. Ông quan tâm đến nghiên cứu về sự thay đổi quan hệ sức mạnh với Nhật Bản. Khi làm việc tại chính quyền, ông lại xử lý vấn đề Nhật Bản và sự trỗi dậy của Trung Quốc, các vấn đề ở Đông Á. Từ đó, câu hỏi lớn hơn về vấn đề xảy ra với chính quyền nói chung lại được nêu ra. Tại sao người dân mất lòng tin vào chính quyền? Chính quyền cần thay đổi ra sao khi trải qua cách mạng thông tin?

 

Nói như Joseph Nye, đó là "sự kết nối từ sự ham thích tri thức".

 

Lòng ham thích tri thức, tìm câu trả lời cho những câu hỏi cả trong học thuật và đời sống chính trị đã giúp Joseph Nye thành công ở trong giới học thuật cũng như trên cương vị quan chức Bộ Ngoại giao hay Bộ Quốc phòng Mỹ.

 

Cũng giống như sức hút từ vẻ ngoài "thanh lịch, quý tộc, khôn ngoan" của ông như nhận xét của các đồng nghiệp tại ĐH Harvard, những lí thuyết mà ông đưa ra từ "sức mạnh mềm" đến "sức mạnh thông minh" đã và đang hút sự quan tâm của giới học giả và những người làm chính sách toàn thế giới. Chúng đã và đang định hình cách con người nhìn về thế giới, về quan hệ quốc tế, nhất là quan hệ giữa các cường quốc.

 

 Không phải ngẫu nhiên, Joseph Nye được xem như một người khổng lồ trong giới học giả chính trị Mỹ, bên cạnh những người khổng lồ như Samuel Hungtington, Robert Keohane… Cùng với Robert Keohane, ông là đồng sáng lập nên học thuyết tân tự do về quan hệ quốc tế. Ông được xem là một trong 10 học giả ảnh hưởng lớn nhất đến quan hệ quốc tế của nước Mỹ.

 

Tuần Việt Nam