Trang chủ » Tranh luận » Năm 2010: Doanh nghiệp lớn lạc quan về doanh thu

Năm 2010: Doanh nghiệp lớn lạc quan về doanh thu

Tác giả:

 

 
Lễ công bố TOP 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam – VNR500 năm 2009 do Báo VietNamNet phối hợp với Công ty Báo cáo và Đánh giá Việt Nam (Việt Nam Report) đã diễn ra long trọng sáng 13/1 tại Hà Nội. Khách mời đặc biệt, GS Joseph Nye – “người vẽ bức tranh về tương lai nước Mỹ” – trao Giấy chứng nhận cho các doanh nghiệp và thuyết trình về “Quyền lực mềm và chiến lược dẫn đầu”. 
 
Doanh nghiệp và Trách nhiệm xã hội
Điểm nhấn và được chờ đợi nhiều nhất của diễn đàn VNR500 năm nay là sự tham gia trao chứng nhận cho doanh nghiệp và bài nói chuyện của vị Giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực quan hệ quốc tế của Hoa Kỳ, cha đẻ của học thuyết “sức mạnh mềm” – ông Joseph Nye.
 
Tiếp đó là phần trình bày của Tiến sĩ Mary Lyndon Haviland – Chuyên gia tư vấn chương trình phát triển Liên hợp quốc về vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam cũng như những chia sẻ tâm đắc của ông Chaovalit Ekabut – Chủ tịch công ty SCG – tập đoàn công nghiệp hàng đầu của Thái Lan về những kinh nghiệm trong việc ứng dụng trách nhiệm xã hội ở doanh nghiệp. Theo Tiến sĩ Haviland, Trách nhiệm xã hội cũng chính là một loại Quyền lực mềm”.
 
Sở dĩ tập trung vào các chủ đề nêu trên, ông Nguyễn Anh Tuấn – Tổng Biên tập Báo VietNamNet trong phát biểu khai mạc nhấn mạnh, là bởi song hành cùng với sự phát triển của đất nước, các doanh nghiệp không chỉ tập trung vào việc xây dựng một mô hình phát triển kinh tế đơn thuần mà trên hết chính là sự phát triển bền vững, giữ gìn môi trường sinh thái.
 
 
 
 
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Tổng Biên tập Báo VietNamNet – phát biểu khai mạc Lễ công bố
 
“Chúng tôi suy nghĩ, môi trường sinh thái ở đây bên cạnh ý nghĩa là môi sinh, môi trường tự nhiên mà còn là môi trường sinh thái về văn hóa, luân thường đạo lý, nhân cách đạo đức của đất nước, dân tộc, những truyền thống lâu bền. Cả hai môi trường đó đều rất quan trọng nhưng trong điều kiện phát triển mới, có thể đôi lúc chúng ta quên lãng đi.”
 
Chính vì lý do đó, theo ông Tuấn, Diễn đàn VNR500 do VietNamNet lập ra, “với các hoạt động thiết thực sẽ là nơi chia sẻ, trao đổi, góp phần định hình một đội ngũ doanh nhân trí thức của Việt Nam. Không chỉ là những chủ doanh nghiệp giỏi mà doanh nhân còn là những người có văn hóa, góp phần xây dựng nên một tư tưởng kinh doanh mới, một tư duy phát triển cho Việt Nam” – ông Tuấn nêu bật.
 
Bức tranh 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam
 
Đánh giá về những nét mới, xu hướng nổi bật của các doanh nghiệp trong bảng xếp hạng VNR500 năm 2009, ông Vũ Đăng Vinh – Giám đốc Công ty Việt Nam Report nhận xét, thứ nhất, khối doanh nghiệp tư nhân đang phát triển rất mạnh mẽ, thể hiện ở sự vươn lên về số lượng các doanh nghiệp này trong TOP 500.
 
Trong khi đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong bảng xếp hạng năm nay lại có sự sụt giảm so với trước đây. Lý giải đưa ra ở đây là độ nhạy của các doanh nghiệp này với tình hình kinh tế năm vừa qua là cao hơn, bị ảnh hưởng trực tiếp nhiều hơn các nhóm khác. 
 
 

Giáo sư Nye trao Giấy chứng nhận và hoa cho lãnh đạo các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam
Một điều không thay đổi là những doanh nghiệp thuộc TOP đầu không phân biệt vốn chủ sở hữu vẫn là những “ông lớn”, các tập đoàn nhà nước thuộc những lĩnh vực độc quyền khai thác.
 
“Nếu xét về lĩnh vực thì thế chân kiềng đang bị lệch. Ngành công nghiệp đang chiếm ưu thế thượng phong trong khi ngành dịch vụ, nông nghiệp vẫn thiếu nhiều đại diện trong TOP doanh nghiệp lớn” – ông Vinh nói thêm.
 
Một xu thế đáng chú ý là sự chuyển đổi mô hình sở hữu, sự tái cấu trúc của doanh nghiệp, đặc biệt trong khối doanh nghiệp nhà nước xuất hiện một số tập đoàn mới như Viettel, còn các doanh nghiệp tư nhân cũng có mô hình tập đoàn định hình thương hiệu như Hòa Phát, Hoa Sen… và một số công ty đăng ký tên là Công ty Cổ phần Tập đoàn.
 
Nếu nhìn từ khía cạnh địa lý trên bảng xếp hạng thì chiếm 75% là các doanh nghiệp tập trung ở TP.HCM và Hà Nội, ở các tam giác phát triển vệ tinh như vùng phía Bắc là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh; phía Nam là Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương.
 
Về ngành tăng trưởng tốt nhất thì trực quan qua bảng xếp hạng có thể thấy năm 2009 có sự vươn lên của các công ty thuộc ngành vàng bạc đá quý, sắt thép, xăng dầu. Ngược lại, các đại diện thuộc ngành chứng khoán năm 2009 xuất hiện rất ít so với năm ngoái.
 
Năm 2010: Doanh nghiệp lớn lạc quan về quy mô doanh thu
 
Dựa trên kết quả khảo sát ý kiến của lãnh đạo các doanh nghiệp lớn về kịch bản kinh tế, dự báo tăng trưởng của doanh nghiệp trong năm 2010 tại Lễ công bố sáng nay, ông Vũ Đăng Vinh – Giám đốc Công ty Việt Nam Report đã đưa ra nhiều con số và nhận định lạc quan.
 
 
Về “dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2010 sẽ nằm trong khoảng nào?” thì có đến 46% ý kiến cho rằng sẽ vào khoảng 6-7%; 34% ý kiến chọn mức 5-6%; 17% cho rằng kinh tế đất nước sẽ tăng trưởng ở mức 7% – tiệm cận mức tăng trưởng của giai đoạn trước khủng hoảng kinh tế. 14% còn lại đưa ra con số tăng trưởng ở mức dưới 5%.
 
 
Khách mời của Lễ công bố gồm các chuyên gia, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn nhất VN
Ở câu hỏi “kịch bản nào có thể xảy ra đối với nền kinh tế Việt nam trong nửa đầu năm 2010?” thì đa số (51%) cho rằng tình hình có cải thiện đôi chút so với nửa cuối năm 2009; 29% chọn phương án sẽ tốt hơn rất nhiều. “Điều này là tín hiệu đáng mừng và phản ánh khá chuẩn xác, trùng với nhận định của Quỹ Tiền tệ Thế giới cũng như của Chính phủ Việt Nam” – ông Vinh bình luận.
 
Chưa hết, đánh giá thời điểm nền kinh tế cả nước sẽ bắt đầu vào nhịp tăng trưởng mạnh (đạt mức 7,5%) trở lại, phần lớn ý kiến tập trung vào nửa đầu năm 2011 hay quý III – IV của năm 2010.
 
Điểm đáng chú ý là dự kiến doanh thu của doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2010. Nếu như những doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn sẽ còn gặp nhiều khó khăn thì đại diện các doanh nghiệp lớn tại diễn đàn đều thể hiện sự tích cực khi có đến 80% cho rằng doanh thu và lợi nhuận sẽ tăng lên. 9% chọn sẽ không thay đổi và 14% cho rằng sẽ giảm so với năm 2009.
 
Trong 5 năm tới, những thay đổi về mặt cơ cấu góp phần tác động đến tổng quan ngành hoạt động của doanh nghiệp được tập trung ý kiến nhất là sự xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh mới trên thị trường và chính sách Người Việt dùng hàng Việt của Bộ Chính trị với 34% doanh nghiệp cho rằng thị trường nội địa đã trở nên quan trọng hơn so với thị trường xuất khẩu…
 
Căn cứ vào những dự báo, đánh giá nêu trên, những hoạt động được các doanh nghiệp ưu tiên hàng đầu trong thời điểm cuối năm 2009 và nửa đầu năm 2010 lần lượt được lựa chọn như sau: Tái cấu trúc công ty để cắt giảm chi phí (37%); Cần tìm kiếm thị trường mới (chiếm 34%); Sắp xếp lại chuỗi cung ứng (17%); Tìm kiếm cơ hội M&A (9%); Phát triển sản phẩm và dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và Tái cấu trúc lại đội ngũ lãnh đạo cấp cao (cùng chiếm tỷ lệ 6%)…
 
“Trái với dự báo của một số chuyên gia và giới truyền thông từ năm ngoái đến nay cho rằng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, các doanh nghiệp sẽ phải cắt giảm rất nhiều nhân công thì các doanh nghiệp lớn năm 2008 đều khẳng định sẽ duy trì.
 
“Năm nay chúng tôi tiếp tục tìm hiểu sâu hơn về tình hình nhân sự cấp cao – những người đầu tàu quyết định chính sách, đường lối phát triển của doanh nghiệp thì kết quả cũng cho thấy không có nhiều biến động. Điều đó chứng tỏ vấn đề ổn định nhân sự đang được các doanh nghiệp đặt lên hàng đầu” – ông Vinh phân tích.
 
Nguyễn Nga