Trang chủ » Thế giới » Mối đe dọa mới từ bong bóng địa ốc Trung Quốc

Mối đe dọa mới từ bong bóng địa ốc Trung Quốc

Tác giả:

Việt Hà (theo Mint)

Trong lúc Mỹ đang vật lộn để hồi phục sau sự sụp đổ của thị trường nhà đất, thì Trung Quốc lại rơi vào tình trạng bong bóng bất động sản.

TIN LIÊN QUAN

Xuất phát từ tình trạng nhà đất của Mỹ hiện tại và những đổ vỡ trong quá khứ, các nhà phân tích lo ngại rằng, tình trạng giá địa ốc của Trung Quốc đang tăng vùn vụt có thể trở thành mối nguy hại tiếp theo đối với kinh tế toàn cầu.

Mô tả ảnh.
Giá nhà đất tại nhiều nơi ở Trung Quốc hiện đã vượt quá ngưỡng chịu đựng của người dân.

Tờ Times hồi cuối năm ngoái đã từng cảnh báo về “hiểm họa bong bóng” và lưu ý rằng, vấn đề bất động sản “là nỗi lo lớn nhất” của Trung Quốc.

Tuy rằng, bất động sản có thể là động lực thúc đẩy sự hồi phục kinh tế của Trung Quốc, nhưng tình trạng bong bóng hiện nay có thể gây ra viễn cảnh kinh tế “không ổn định và rủi ro” trong nhiều năm hoặc hàng thập kỷ sắp tới.

Những dấu hiệu về bong bóng địa ốc của Trung Quốc đã bắt đầu xuất hiện vào cuối năm 2009. Vào tháng 10/2009, giá bất động sản tại 70 thành phố của nước này tăng 3,9% so với cùng kỳ 2008, mạnh nhất trong 14 tháng trước đó. 20/70 thành phố có mức tăng giá từ 1% trở lên.

Tình trạng bong bóng như vậy không chỉ xảy ra ở những thành phố ven biển sầm uất của Trung Quốc, mà ngay cả những thành phố như Nam Kinh, Trùng Khánh và Côn Minh cũng có hiện tượng giá đất tăng vọt.

Trên cơ sở những phát hiện đó, các chuyên gia kinh tế thuộc Ngân hàng Merril Lynch của Mỹ đã cho rằng “việc giá nhà đất đang tăng mạnh mẽ hiện đã trở thành vấn đề hàng đầu đối với các nhà hoạch định chính sách ở Trung Quốc”.

Cũng như phần lớn các nước phát triển, Trung Quốc đã đưa ra gói kích thích kinh tế để ứng phó với những tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng phát hồi năm 2008.

Tạp chí Forbes số ra tháng 11/2008 cho biết, gói kích thích khổng lồ này trị giá 4.000 tỷ Nhân dân tệ (586 tỷ USD), sẽ được dùng để “nâng cấp đường sa,s đường sắt, sân bay và lưới điện quốc gia”.

Gói kích thích kinh tế này cũng được sử dụng để “làm tăng thu nhập thông qua cải cách đất đai” và các dự án phúc lợi xã hội như bảo vệ môi trường và nhà ở giá rẻ.

Việc hạ lãi suất cơ bản và nới lỏng những hạn chế cho vay đối với các ngân hàng thương mại cũng là trọng tâm của kế hoạch kích thích kinh tế của Trung Quốc.

Trong khi đó, cùng thời điểm này, Mỹ chỉ bơm có 100 triệu USD vào nền kinh tế trong suốt mùa hè năm 2008. Phải tới các gói kích thích kinh tế sau này, Mỹ mới chi nhiều hơn.

Tạp chí Time cho rằng, nhịp độ tăng trưởng giá nhà đất quá nhanh như vậy “đang gây khó dễ cho Bắc Kinh trong việc đưa ra quyết định khi nào, cũng như làm thế nào để chấm dứt các biện pháp kích thích kinh tế” và đưa kinh tế trở lại trạng thái bình thường trước đây.

Trên thực tế, gói kích thích kinh tế đã góp phần tạo ra bong bóng bất động sản. Theo tờ MSN Money, lượng tiền đầu tư vào thị trường bất động sản của giới đầu cơ trong 5 tháng đầu năm 2010 đã tăng 38,2% so với cùng kỳ năm 2009.

Thêm vào đó, theo Time, tổng số tiền cho vay mới của các ngân hàng Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm 2009 đã lên tới 1.300 tỷ USD, tăng 144% so với cùng kỳ năm 2008.

Các nhà hoạch định chính sách lo ngại rằng, sự tăng giá nhà đất ở các thành phố lớn của Trung Quốc đang vượt quá mức có thể chịu đựng được. Và tiếp đó, tình trạng này có thể khiến việc chi tiêu dùng bị co lại, điều mà Trung Quốc không hề mong muốn.

Từ đầu năm 2010 trở lại đây, Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực ngăn chặn tình trạng giá nhà đất leo thang dẫn đến vỡ bong bóng, như thắt chặt tăng trưởng tín dụng và cho vay mua bất động sản.

Tuy nhiên, tình trạng nợ nần tại chính quyền các địa phương do đầu tư quá mức vào cơ sở hạ tầng đã làm tăng thêm lo ngại về việc bong bóng bất động sản sẽ vỡ trong tương lai.