Trang chủ » Điểm nóng » Trung Quốc thầu 2 trong 3 nhà máy nhiệt điện phía Nam

Trung Quốc thầu 2 trong 3 nhà máy nhiệt điện phía Nam

Tác giả:


Thuận Hải
(tổng hợp)

Ngày 8/8/2010, tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã khởi công xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát lệnh khởi công công trình.

Một trung tâm nhiệt điện lớn phía Nam đang hình thành

Dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 do EVN làm chủ đầu tư có tổng công suất lắp đặt 1.244MW với hai tổ máy, sản lượng điện sản xuất hàng năm khoảng 7,2 tỷ kWh. Tổng mức đầu tư của dự án đã được điều chỉnh là 1 tỷ 384 triệu USD bao gồm hợp đồng nhà máy chính và hợp đồng bốc dỡ than cho toàn bộ Trung tâm điện lực Vĩnh Tân. 

Trong tổng vốn đầu tư có sử dụng 85% vốn tín dụng xuất khẩu ưu đãi, thương mại người mua của Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc và ODA của Chính phủ Trung Quốc, còn lại 15% vốn đối ứng của EVN.

Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân do nhà thầu Tập đoàn điện khí Thượng Hải (SEC) – Trung Quốc làm Tổng thầu EPC (thiết kế-cung cấp – lắp đặt). Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2 là tư vấn chính dự án cùng tư vấn phụ Aurecon (Australia) giám sát thi công.
EVN cho biết, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 sử dụng công nghệ nhiệt điện ngưng hơi truyền thống, lò hơi tới hạn đốt than antraxit Quảng Ninh là loại công nghệ đã được kiểm chứng trên thế giới cũng như ở Việt Nam và phù hợp với nguồn, chủng loại than than antraxit Quảng Ninh, nhu cầu tiêu thụ than khoảng 3 triệu tấn/năm.
 Cũng theo EVN thì đây là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc thiết kế và xây dựng nhà máy nhằm đảm bảo các chỉ tiêu cao về độ sẵn sàng, hiệu suất, tính ổn định, an toàn và đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo các tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế. Than sẽ được vận chuyển đến nhà máy bằng phương tiện vận tải thuỷ có tải trọng đến 30.000DWT.
Với việc áp dụng công nghệ hiện đại, công suất, hiệu suất cao, chi phí hợp lý, nhà máy đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo các tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế.

Bên cạnh dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, EVN đang tích cực triển khai các dự án đường dây đồng bộ với nhà máy như các đường dây 220kV Vĩnh Tân – Tháp Chàm, Vĩnh Tân – Phan Thiết, đường dây 500kV Vĩnh Tân – Sông Mây và trạm biến áp 500-220kV Vĩnh Tân để đấu nối nhà máy vào hệ thống điện quốc gia.

Nhà thầu Trung Quốc có 2 trong 3 hợp đồng EPC
Dự án nhiệt điện Vĩnh Tân nằm trong quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia giai đoạn 2006-2015 đã được Chính phủ phê duyệt và được Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) phê duyệt quy hoạch ngày 4/5/2007.
Theo quy hoạch, Trung tâm điện lực Vĩnh Tân dự kiến phát triển 3 nhà máy Nhiệt điện với quy mô công suất khoảng 4.400 MW, sản xuất khoảng 28,6 tỉ KWh/năm. Các nhà máy nhiệt điện sử dụng công nghệ đốt than công nghệ tuabin ngưng hơi truyền thống, với nhu cầu than khoảng 8,8 triệu tấn/năm, nhu cầu dầu FO khoảng 50.000 tấn/năm từ các nhà máy lọc dầu trong nước hoặc nhập của nước ngoài.
Than và dầu được vận chuyển đến nhà máy bằng đường biển với hệ thống bến cảng được quy hoạch xây dựng gồm 1 cảng tàu 3.000 DWT sử dụng chung cho toàn trung tâm và 3 cảng than quy mô từ 50.000 DWT trở lên được đầu tư riêng biệt cho từng nhà máy.
Dự kiến vốn đầu tư nhà máy Vĩnh Tân 1 là 1.900 triệu USD, tiến độ xây dựng 2010 – 2011, do Công ty Lưới điện Phương Nam – Trung Quốc (CSG) làm chủ đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương. Nhưng đến nay, dự án vẫn chưa khởi công và đang trong giai đọan san lấp mặt bằng do Tập đòan than khóang sản Việt Nam (TKV) đảm nhận từ tháng 4/2009.

Hai nhà máy Vĩnh Tân 2 (vốn 1.600 triệu USD, xây dựng 2012 – 2013 ), Vĩnh Tân 3 (vốn 2.600 triệu USD, xây dựng 2014 – 2015) theo phương thức đầu tư nhà máy độc lập và BOT (đầu tư – kinh doanh – chuyển giao)…

Tại lễ khởi công ngày 8/8/2010, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo các bên có liên quan sớm hoàn thành đàm phán hợp đồng Vĩnh Tân 1 và Vĩnh Tân 3 để có thể sớm khởi công các dự án này.

 

Tuy nhiên, khác với nhận định của EVN là nguồn nhiên liệu của Trung tâm nhiệt điện lớn nhất phía Nam này sẽ có thể được đáp ứng từ nguồn than trong nước vì chủng lọai và yêu cầu kỹ thuật rất phù hợp thì các chủ mỏ lớn nhất Việt nam hiện nay là TKV lại đang tìm nguồn nhiên liệu bên ngòai – ít nhất trong thời gian vận hành ban đầu?
Được biết, trong quá trình chuẩn bị dự án Vĩnh Tân 1, TKV đã ký hợp đồng khung với 2 công ty là PT Berau Indonesia và Maintime Hồng Kông tại Indonesia, để mua than cho dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 1 với sản lượng 3,5 triệu tấn.

TKV đã có văn bản gửi Bộ Công Thương và đề xuất khi nguồn than cho dự án điện Vĩnh Tân 1 được thay thế bằng nguồn than trong nước, thì nguồn than nhập khẩu này sẽ dùng để cấp cho dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2.

Đầu tháng 6/2008, đoàn công tác của TKV tại Indonesia đã làm việc với các công ty là PT Berau, Oxbow Coal, Siam Cement Trading, Sojitz và Cincor Coal để tìm hiểu thêm khả năng nhập khẩu than của nước này. Nhìn chung, các đối tác đều nhận định việc nhập than từ Indonesia cho các nhà máy nhiệt điện ở phía Nam là có tính khả thi cao nhất, so với nhập khẩu từ các nguồn khác.
Tuy nhiên, theo TKV, việc nhập khẩu than ngày một khó hơn do nhu cầu sử dụng than trên thế giới tăng và giá cả cũng ngày một cao. Các điều khoản đàm phán mua than ngày càng khó khăn và bất lợi cho người mua; đồng thời, các nhà cung cấp luôn từ chối bán than dài hạn.
Ngoài đàm phán tại Indonesia, TKV cũng đã cử các đoàn đi khảo sát ở Ôtxtrâylia để xúc tiến nhập khẩu than cho các dự án nhiệt điện.
Hiện nay, ngoài dự án Nghi Sơn 2, các chủ đầu tư dự án nhiệt điện chưa làm việc với TKV và chưa ký hợp đồng xác định cụ thể nhu cầu sử dụng về số lượng, chất lượng than, thời gian sử dụng, cảng dỡ hàng để TKV sớm chủ động trong việc tìm kiếm và đàm phán tiếp các hợp đồng cung cấp than, hợp đồng vận tải than./.

 
Ngày 3/11/2008, tại công văn 7469/VPCP-KTN của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Công Thương hướng dẫn các nhà đầu tư lập dự án đầu tư 13 dự án nhiệt điện than, trình duyệt theo quy định hiện hành.
 
Theo đó, 13 dự án nhiệt điện than được giao cho các chủ đầu tư bao gồm:
 
Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Dự án Duyên Hải 1 (Trà Vinh) công suất 2 x 600 MW, tiến độ vận hành tổ máy 1 năm 2013 và Dự án Vĩnh Tân 2 (Bình Thuận) công suất 2 x 600 MW, tiến độ vận hành các tổ máy từ năm 2013.
 
Tập đoàn Janakusa (Malaysia): Dự án Duyên Hải 2 (Trà Vinh) công suất 2 x 600 MW, tiến độ vận hành tổ máy 1 năm 2014-2015.
 
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Dự án Long Phú 1 (Sóc Trăng) công suất 2 x 600 MW, tiến độ vận hành tổ máy 1 năm 2013.
 
Tập đoàn Lưới điện Phương Nam -CSG (Trung Quốc): Dự án Vĩnh Tân 1 (Bình Thuận) công suất 2 x 600 MW, tiến độ vận hành các tổ máy năm 2011-2012.
 
Công ty cổ phần gồm EVN, One Energy, Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Thái Bình Dương (Pacific Corporation): Dự án Vĩnh Tân 3 (Bình Thuận) công suất 2 x 1000 MW, tiến độ vận hành các tổ máy năm 2013.
 
Tổng công ty Lắp máy Việt Nam: Dự án Vũng Áng 1 (Hà Tĩnh) công suất 2 x 600 MW, tiến độ vận hành tổ máy 1 năm 2013. CTCP gồm Lilama, REE, One Energy: Dự án Vũng Áng 2 (Hà Tĩnh) công suất 2 x 600 MW, tiến độ vận hành các tổ máy từ năm 2013.
 
Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam: Dự án Hải Phòng 3, công suất 4 x 600 MW, tiến độ vận hành các tổ máy từ năm 2014.
 
Các Dự án Duyên Hải 3, Long Phú 2, Long Phú 3: sẽ tiếp tục xem xét trên cơ sở thực hiện các dự án trong các Trung tâm điện lực nói trên.
 
Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương lập hồ sơ mời thầu để tổ chức đấu thầu quốc tế các dự án nhiệt điện than Vũng Áng 3, Quảng Trạch; chỉ đạo cơ quan tư vấn bổ sung các nội dung theo quy định để xem xét phê duyệt quy hoạch địa điểm các Trung tâm điện lực Hải Phòng 3, Vũng Áng 3, Quảng Trạch theo đúng quy định hiện hành. Bộ Công Thương, các Bộ, ngành, địa phương và các nhà đầu tư liên quan khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao, bảo đảm hoàn thành các dự án nêu trên theo đúng tiến độ quy định. Trường hợp chủ đầu tư triển khai chậm, có nguy cơ phá vỡ tiến độ, Bộ Công Thương đề xuất thay chủ đầu tư khác, báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.