Trang chủ » Tranh luận » Chuyện Trung Quốc thắng thầu: Góc khuất không nằm ở giá rẻ

Chuyện Trung Quốc thắng thầu: Góc khuất không nằm ở giá rẻ

Tác giả:


TIN LIÊN QUAN

Buồn và đau xót! Đó là cảm xúc của hàng trăm độc giả đã bày tỏ với Diễn đàn VNR500 sau bài trả lời phỏng vấn của ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội cơ khí Việt Nam với tựa đề “Ra rìa, đói việc khi Trung Quốc trúng thầu” đăng hôm 5/8/2010. Đằng sau sự rẻ đắt ấy, nhiều độc giả đã bức xúc “chất vất” các chủ đầu tư Việt Nam để mong được cắt nghĩa những nghịch lý đang hiện hữu ở câu chuyện này.

Tại chủ đầu tư Việt Nam “dễ tính”!

Xin được dẫn lời của độc giả Mai Anh, email maianh…@walla.com để mở đầu cho nhận định mang tính “ước đoán” trên.

Mô tả ảnh.
Nhiệt điện Hải Phòng cũng do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm

Đừng đổ lỗi cho việc các DN Trung Quốc bỏ thầu thấp! Nếu “anh” (chủ đầu tư Việt Nam) quy định chủng loại, chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế và thậm chí có thể bắt buộc chọn lựa theo các điều kiện an toàn, thì đố ai dám mua đắt bán rẻ cho “anh”, dẫu có được Chính phủ hỗ trợ.

“Nếu “anh” quy định và kiểm soát chất lượng công trình bằng cách thuê tư vấn quốc tế, dễ gì nhà thầu Trung Quốc trúng? Nếu “anh” quy định về sử dụng nhân công làm sao họ ồ ạt đưa lao động phổ thông qua làm việc?”

Với những lập luận này, độc giả Mai Anh thẳng thắn rằng: “Đằng sau những câu chuyện “trúng thầu” của Trung Quốc, cũng cần xem lại tại sao trước và sau một cuộc đấu thầu, các đoàn “tham quan học hỏi” của chủ thầu nước ta lại ra vào liên tục ở nước họ đến thế? Có thực chất đó là các chuyến đi học tập hay tìm hiểu công nghệ?”

“Đắt hay rẻ, tốt hay xấu có một phần cũng từ các cuộc đi lại, thăm viếng ấy”, Mai Anh viết đầy ẩn ý.

Trùng quan điểm của bạn Mai Anh, Thạc sĩ Ngô Quí Nhâm, Khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngoại Thương Hà Nội, email quy…@gmail.com phân tích: “Việt Nam là một thành viên của WTO nên việc dùng các quy định hành chính để ngăn cản các công ty Trung Quốc bỏ giá thấp là không thể.

Nhưng nếu đặt ra những tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe hơn và có cơ chế thực hiện, kiểm tra nghiêm ngặt, điều kiện bảo hành chặt chẽ, và đặc biệt là siết chặt các quy định về sử dụng lao động trong các công trình này thì liệu các công ty Trung Quốc có dám hạ giá đấu thầu xuống thấp không?”

“Tôi đã trăn trở rất nhiều  và thật đau đớn là số tiền của người dân, của DN Việt Nam bỏ ra rất nhiều mà không tạo ra công ăn việc làm cho người Việt. Tôi nghĩ, Chính phủ và các chủ đầu tư cần phải hành động, đừng để các DN trong nước phá sản rồi mới lo giải cứu”, thạc sĩ Ngô Quí Nhâm chia sẻ.

Có không ít những tiếng thở dài khi chia sẻ với VNR500: “Sao không nghe nói về phạt hợp đồng? Có lẽ chúng ta ngại phạt chăng? Thỏa thuận sòng phẳng, phạt sòng phẳng, sao ta không dám làm,” độc giả Trần Ngọc Hà, email ha…[email protected] thắc mắc.

Hay như một câu bình luận ngắn gọn nhưng đầy day dứt của Thái Trần, email onthai…@yahoo.com: “Điều này chẳng có gì là lạ của các ông DN nhà nước. Mua cho tập thể thì mua hàng rẻ còn mua cho nhà mình thì mua đồ xịn . Đằng sau sự mua rẻ và đắt này là cả một vấn đề!”

Bạn đọc Trần Kiên, email evergreen…@gmail.com thẳng thắn đút kết: “Một phần lỗi trong câu chuyện này, cũng chính do những người có trách nhiệm, có quyền quyết định trong những dự án!

“Những cuộc đấu thầu của chúng ta không chịu vận dụng những quy định để hạn chế bớt khả năng Trung Quốc thắng thầu, hoặc cũng không ngoại trừ chính họ đã bị chi phối bởi vấn đề lợi ích cá nhân được đặt lên trước. Điều này, có lẽ nhà quản lý đều biết cả?!”

Nổi khổ của “người trong cuộc”

Xin nói rõ hơn, “người trong cuộc” ở đây không phải là các TGĐ, Chủ tịch HĐQT của các Tập đoàn, Tổng công ty mà là cán bộ, kỹ sư  Việt Nam đang làm việc hàng ngày với các nhà thầu Trung Quốc.

Mô tả ảnh.
Nhiệt điện Phả Lại có sự tham gia của Licogi – Việt Nam

Ông Phạm Văn Mạc, ở Cà Mau, email: vanmac…@vnn.vn chua xót kể với VNR500 về những ấm ức khi phải “nhận mấy thứ trúng thầu bị bắt phải nhận về và… để xó”.

Ông chia sẻ: “Tôi đã có “vinh dự” bắt phải đi xét thầu! Thật nực cười khi không có quyền chọn nhà cung cấp mà chỉ được đưa ra tiêu chuẩn mà tiêu chuẩn thì ai đưa ra cũng đúng như vậy, nhưng khác nhau nhiều về kết cấu và chất lượng sản phẩm. Nếu là doanh nghiệp tư nhân thì chả ai mua những “của nợ” đó !

“Thế nhưng, nếu có ý kiến phản đối hoặc không đồng tình thì lãnh đạo sẽ bảo “không được phát ngôn bừa bãi”.

“Rõ ràng nhà thầu sai sót mà người mua lại phải chịu thiệt thòi thì vô lý quá. Ai dám nói ra?”, ông Phạm Văn Mạc bức xúc.

Còn đây là câu chuyện của bạn Vũ Minh Ngọc gửi từ email: vuminhngoc…@gmail.com: “Tôi đang công tác tại một nhà máy nhiệt điện do Trung Quốc trúng thầu. Tại đây, chính mắt tôi nhìn thấy các thiết bị do Trung Quốc lắp ráp là rất  kém, toàn thiết bị kém chất lượng nếu không muốn nói là đồ thải của đất nước họ. Khi đi vào vận hành thì sự cố liên tục. Tôi thực sự lo ngại về các dự án do đối tác nước này trúng thầu.”

Trong câu chuyện này, “nếu có dấu hiệu chính quyền địa phương lơ là hay bao che nhà thầu Trung Quốc kém mà vẫn trúng thầu, thì DN Việt Nam nên kiện chính quyền”, bạn Tùng, email tvd…@gmail.com nêu ý kiến.

Bởi, theo bạn đọc này, “yếu tố giá cả chỉ nên chiếm 20-30% tổng số điểm chấm thầu. Giá xây dựng ban đầu chỉ là một phần không lớn của tổng giá thực sự của một công trình trong suốt 30 năm hay 50 năm đời sống của công trình đó. Đừng vì cái lợi trước mắt mà nguy hại cho cả nền kinh tế sau này.”

Và bởi, “chấp nhận giá bỏ thầu rẻ của Trung Quốc để rồi thời gian hoàn thành dự án bị kéo dài, chất lượng kém, lao động và các doanh nghiệp trong nước không được tham gia thì gói thầu ấy còn có giá “đắt” hơn nhiều so với các nước G7!”, độc giả Trần Huy, email huy…@yahoo.com.vn so sánh.

Một tổng kết xác đáng và ngắn gọn nhất mà VNR500 nhận được từ nick name “Tom gon” email  [email protected]: “Chỉ còn một cách duy nhất để thắng nhà thầu Trung Quốc: về phía chủ đầu tư, hãy bầu chọn các vị giám đốc liêm chính và yêu nước, không ăn hối lộ và không phải làm tham quan.

Còn phía doanh nghiệp nhà thầu Việt Nam, phải làm ăn uy tín.

Câu hỏi đặt ra cho các doanh nghiệp có dự án đấu thầu là, tại sao cứ chọn giá rẻ của nhà thầu Trung Quốc khi biết là, dự án sẽ khó hoàn thành tốt? Vậy nên nhớ câu thành ngữ “tiền nào của nấy”, rốt cục, bí kíp giá rẻ của Trung Quốc e rằng, sẽ còn đắt hơn nhiều lần!

Diễn đàn VNR500 sẽ tiếp tục phản ánh sâu về câu chuyện ’Vì sao chủ đầu tư Việt lại quay lưng với nhà thầu Việt?” Bạn đọc có thể chia sẻ những ý kiến tâm huyết của mình về email: [email protected]. Xin trân trọng cảm ơn!