Trang chủ » Điểm nóng » Kinh tế Việt Nam và “sóng ngầm” bất ổn

Kinh tế Việt Nam và “sóng ngầm” bất ổn

Tác giả:


Hà Yên
(ghi)

(VNR500) – Hội nhập kinh tế toàn cầu đã 3 năm song kinh tế Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều nghịch lý – hậu quả từ những căn bệnh kinh niên – lâu nay chữa trị chưa dứt điểm. Đây là đầu bài khó cho đề án tái cấu trúc kinh tế.

Vô số nghịch lý

Tại hội thảo “Phục hồi kinh tế thế giới và Sự thích ứng của doanh nghiệp Việt Nam: Bài học quản trị và phát triển doanh nghiệp”, do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức chiều 11/08, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng, sau 3 năm gia nhập WTO, kinh tế Việt Nam đang đứng trước hàng loạt nghịch lý.

Ông viện dẫn, Việt Nam tăng trưởng liên tục 7% trong 25 năm nhưng nền kinh tế́ vẫn không phải là tăng trưởng bền vững. Điều này khiến thế giới "sửng sốt" vì chỉ cần 10 năm phát triển, với tốc độ 5% là đã đạt đến sự bền vững.

Hơn nữa, khi bước vào hội nhập, chúng ta đã biết trước rất lâu để chuẩn bị năng lực cạnh tranh nhưng đến khi hội nhập hoàn toàn, sức cạnh tranh lại giảm rất mạnh.

Mô tả ảnh.
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7% nhiều năm qua nhưng không bền vững
 (ảnh Vinalines)

Một nghịch lý khác là dường như Việt Nam tăng trưởng nhanh hơn nhiều nước trên thế nhưng cũng tụt hậu xa hơn, kể cả về thu nhập trên đầu người. Rõ ràng, giá trị của GDP (tổng sản phẩm quốc dân) trong phát triển thuần túy vẫn là về lượng, chứ chưa chú trọng về chất.

Ba năm hội nhập WTO, cơ hội cho Việt Nam lớn, vốn đầu tư vào nhiều, thị trường rộng mở song nền kinh tế sinh ra nhiều chuyện hơn, như tăng trưởng giảm tốc, lạm phát tăng lên bất ổn và trở nên nghiêm trọng hơn. Ở đây có vấn đề rất lớn là năng lực hội nhập của Việt Nam thế nào – cần phải được đánh giá rất nghiêm túc. Đây cũng là một nghịch lý ghê gớm.

Rồi chiến lược thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Việt Nam được coi là địa chỉ tốt nhất thế giới, và nhà đầu nước ngoài từng gọi Việt Nam là thiên đường đầu tư. Tuy nhiên, TS. Trần Đình Thiên dẫn lời một cán bộ công tác lâu năm trong Bộ KH-ĐT thì có tới 60-80% nhà đầu tư vào kêu lỗ triền miên, trong khi Việt Nam không có ý kiến gì.

"Điều lạ là họ kêu lỗ nhiều nhưng không ai bỏ chạy. Vậy gọi thiên đường đầu tư là như thế nào, cho ai, vì ai, ai được lợi? Vì sao lại thế. Ở đây có câu chuyện từ góc nhìn tái cấu trúc, không phân biệt nội lực hay ngoại lực, nhưng đang có vấn đề", TS. Thiên nghi vấn.

Thêm vào đó, năm 2009, Việt Nam kích cầu lớn nhưng lạm phát giảm. Năm 2010 dự báo lạm phát tăng ghê gớm nhưng cuối cùng lại giảm – có sai quy luật không? Hay nói đến lạm phát, ta mới quan tâm đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mà quên vấn đề giá đầu vào, tức chỉ quan tâm đến đầu ra.

Ông Thiên cho rằng, lạ lùng nữa là Việt Nam sau 2 năm vất vả chống đỡ với suy giảm, ai cũng nghĩ lần này kinh tế rơi xuống hố sâu, khó hồi phục nhưng cuối cùng lại "ngóc" lên được. Hết tháng 1/2010, kinh tế hồi phục ngay lập tức.

Song, dù đang đà tăng trưởng về GDP và khá thành công trong kiềm chế lạm phát, không ai dám khẳng định kinh tế Việt Nam ổn định và tốt lên, mà chỉ lo bất ổn gia tăng. Bằng chứng là mới đây, tổ chức đánh giá xếp hạng Fitch đã hạ điểm Việt Nam về mức tín nhiệm nợ. Lẽ ra, khi kinh tế phát triển thì họ phải nhận xét ngược lại.

Bắt nguồn từ những căn bệnh kinh niên

Theo TS. Trần Đình Thiên, các nghịch lý trên hiện rất đáng lo ngại, bắt nguồn từ những căn bệnh kinh niên của nền kinh tế Việt Nam. Đó là triền miên thâm hụt ngân sách (ở mức 5%), và tại các kỳ họp Quốc hội sau khi các đại biểu phê bình chi tiêu công hoang nhưng cuối cùng vẫn thông qua mức đó.

Đó là triền miên thâm hụt thương mại – mà không có lý do gì để biện minh vì 25 năm nay, Việt Nam mới thặng dư 1 năm khoảng 40 triệu USD. Khi gia nhập WTO, thâm hụt thương mại bùng nổ ghê gớm – chứng tỏ bệnh không chữa khỏi mà còn nặng lên. 

Đáng báo động 90% thâm hụt thương mại hiện nay là với Trung Quốc. Việc lệ thuộc thương mại quá nhiều vào một nước là bất bình thường chứng tỏ cơ cấu thâm hụt có vấn đề nghiêm trọng.

Mô tả ảnh.
Thu hút FDI cần thiết kế tiêu chuẩn cụ thể, không nên chạy theo số lượng 
(ảnh minh họa – doanhnhansg) 

Ngoài ra, các "bệnh" khác bắt nguồn từ các tập đoàn nhà nước, "bệnh" do doanh nghiệp tư nhân chậm lớn. Điều đó phản ảnh cơ cấu của nền kinh tế và hệ quả là bất ổn vĩ mô, điều hành chính sách bất ổn.

Ông Thiên chỉ ra rằng, trong khi chính sách tài khoá (phục vụ chi tiêu nhà nước) ổn định, thì chính sách tiền tệ (phục vụ DN) lại bất ổn, mà lẽ ra trách nhiệm chính phải là chính sách tài khóa.

"Kinh tế khó khăn nhưng thu ngân sách vẫn bội thu chứng tỏ không có chia sẻ với doanh nghiệp", ông nhận xét.

Điều đó cũng bắt nguồn từ 5 điểm yếu cơ cấu, gồm 5 loại lát cắt: về vốn cho hạ tầng với sự tranh chấp căng thẳng giữa đầu tư các nguồn vốn; cấu trúc thị trường chưa gắn với toàn dân, quên những yếu tố cơ bản như đất đai, lao động; nguồn nhân lực Việt Nam chủ yếu là "đào mỏ" và gia công – hệ quả của nguyên lý giáo dục "đầu vào khó đầu ra dễ"; sự yếu kém của doanh nghiệp Việt Nam khi phát triển nhỏ và rời rạc, doanh nhân chưa được coi là lực lượng dẫn dắt phát triển kinh tế; năng lực quản trị nhà nước và phát triển con người yếu kém; thiếu quyết tâm thay đổi mô hình tăng trưởng, lâu nay duy trì quá lâu một mô hình mà mục tiêu thiết kế lệch, chỉ chú trọng tăng trưởng GDP và xác định các trụ cột của nền kinh tế không còn phù hợp.

Dứt khoát phải thay đổi mô hình tăng trưởng

Để thoát ra khỏi tình trạng trên, TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh, Việt Nam dứt khoát phải tái cơ cấu kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng và tư duy phát triển. Ông ví von, kinh tế Việt Nam như đứa trẻ giờ đã lớn lên nhưng cái “áo” vẫn chật (dù rất đẹp) nhưng buộc phải bỏ, không nên tiếc.

Tất nhiên, việc thay đổi là không dễ dàng vì kinh tế Việt Nam nằm trong các xung đột, đơn giản chẳng hạn là giữa nhóm xuất khẩu và nhập khẩu về tỷ giá… Hơn nữa, chuyện lương bổng cũng là một cản trở 50 năm qua từ khi chính sách lương ra đời, cần thay đổi quan niệm về lương và hệ thống lương.

Thêm vào đó, rất cần có sự đột phá mạnh về cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng.

Ngoài ra, cải cách toàn diện quan niệm về chuyển đổi cơ cấu kinh tế và tái cơ cấu lại mô hình tập đoàn nhà nước.

TS. Trần Đình Thiên nhìn nhận, chuyện tái cấu trúc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) vừa qua là câu chuyện phức tạp, bởi tái cấu trúc khi tập đoàn “bệnh” quá nặng nên rất khó, cần làm từng bước.

Nguyên tắc chung về tái cấu trúc tập đoàn, tổng công ty nhà nước là không khó, chỉ cần khi giao tiền thì phải gắn với giao trách nhiệm, giao quyền cũng gắn với giao trách nhiệm. Cần có cơ chế độc lập giám sát việc giao tiền, giao quyền này – mà đây lại là khâu yếu nhất hiện nay.

Vấn đề là nếu cưng chiều quá mức, thiếu nguyên tắc dẫn tới suy nhược thôi. Cách tổ chức cấu trúc quyền lực liên thông, tạo nhóm lợi ích quyền lực như vậy là không được”, ông Thiên cho hay. Đồng thời, cần phân biệt rõ ràng kinh doanh hàng hóa công và kinh doanh thông thường, tránh nhập nhèm.

Một trong những biện pháp khác là xem xét lại chiến lược thu hút FDI, đặt nó trong chiến lược tổng thể về tái cấu trúc kinh tế. Mục tiêu của thu hút vốn đầu tư nước ngoài là phát triển quốc gia chứ không nên tăng trưởng về số lượng. Về đại thể, thu hút FDI là nên lôi kéo công nghệ, tạo nguồn lực dẫn dắt doanh nghiệp.

Như lời nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, Việt Nam có thể rút ra kinh nghiệm từ Hàn Quốc trong việc này khi lôi kéo nước ngoài vào đầu tư, Hàn Quốc không quan tâm nhiều đến các doanh nghiệp lớn nhưng rất khắt khe với doanh nghiệp nhỏ và vừa vì phải nuôi dưỡng thành phần này trong nước./.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, hạn chế của Việt Nam hiện nay là cơ cấu sản xuất lạc hậu, tiêu hao năng lượng và ô nhiễm môi trường lớn; bảo hộ mậu dịch gia tăng trên thế giới; công nghiệp lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường dịch chuyển sang Việt Nam; vấn đề lương thực đặt ra nhiều thách thức trong tình hình mới và việc cơ cấu lại tiêu dùng của các nước mà Việt Nam đang bắt tay hợp tác.

 

Ngoài ra, ông cũng cảnh báo Việt Nam cần theo dõi chặt chẽ quá trình toàn cầu hoá và khu vực hoá sẽ “dội” vào nước ta như thế nào, đặc biệt là về sự luân chuyển luồng vốn.

 

Theo nguyên Phó thủ tướng, Việt Nam cần lưu ý đến tái cấu trúc vị trí đồng tiền; giám sát hệ thống tiền tệ và tài chính ngân hàng; vị trí của các quốc gia trong thể chế chính trị quốc tế; việc tái cấu trúc kinh tế tác động như thế nào đến sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam…