Trang chủ » Điểm nóng » Thấy gì từ kiến nghị tăng giá điện “gây sốc” của VEA

Thấy gì từ kiến nghị tăng giá điện “gây sốc” của VEA

Tác giả:

Trần Khiết (tổng hợp)

Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) lại vừa gây sốc với kiến nghị gửi Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam, trong đó đề nghị tăng giá điện từ 5 cent/kWh hiện hành lên mức 8cent/kWh (tương đương 1.500 đồng) và xoá bỏ giá điện bậc thang.

Trước đó, hôm 24/2, bất chấp giá điện năm 2010 đã được Thủ tướng phê chuẩn chỉ tăng 6,8% so với bình quân năm 2009, nhưng Hiệp hội này vẫn gửi văn bản kiến nghị tăng giá điện cao hơn, lên mức 10,7%. Tuy nhiên, Thủ tướng đã không phê duyệt đề nghị này.

TIN LIÊN QUAN

Tăng giá điện lên 1.500 đồng/kWh

Theo báo VietNamNet, trong kiến nghị mới nhất, VEA đã đề xuất hai loại giá điện. Thứ nhất là, giá điện có hỗ trợ của Nhà nước (50kWh đầu tiên). Nhà nước thiết lập một mức giá bán hợp lý (thấp hơn giá thị trường để bán cho các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, cán bộ hưu trí, cán bộ công nhân viên hưởng lương không có thu nhập khác và học sinh, sinh viên…

Mô tả ảnh.
Nếu những lập luận của VEA là hợp lý thì việc tăng giá điện cũng nên làm, thế nhưng ẩn phía sau là những ngụy biện thì cũng cần phải thấy rõ. (Ảnh: Hanoipc)

Thứ hai là giá điện theo thị trường. Các hộ sử dụng điện có mức sống trung bình trở lên áp dụng giá bán điện theo thị trường (mức giá 7-8 cent/kWh). VEA cho rằng, sau một thời gian áp dụng trong thực tiễn, bảng giá điện bậc thang đã bộc lộ những bất cập, bởi 50 kWh đầu tiên không chỉ người nghèo, các hộ chính sách được hưởng mà cả người có thu nhập cao, kể cả người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam cũng hưởng lợi từ cơ chế giá này, gây lãng phí trong sử dụng điện.

Theo VEA, ngành năng lượng là kết cấu hạ tầng của toàn bộ nền KTXH, có công nghệ phức tạp, mang tính đặc thù rất cao, đặc biệt đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn. Do đó, việc thu xếp nguồn vốn đầu tư cho phát triển năng lượng được xem là nhiệm vụ trọng tâm và phải giải quyết trước tiên. Trong bản kiến nghị gửi Ban Bí thư và Thủ tướng, VEA phân tích về việc thiếu vốn của các dự án điện một cách rõ nét. Vì vậy để đẩy nhanh các dự án điện chỉ còn cách… tăng giá bán.

“Nếu chúng ta không điều chỉnh giá điện hợp lý, thì các dự án nguồn điện trong Quy hoạch điện VI, và Quy hoạch điện VII đang lập để trình Thủ tướng Chính phủ khó có thể thành công”, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch VEA, nhận định. Phát biểu trên báo Nông nghiệp, ông Ngãi cho biết, trước khi đưa ra phương án này, VEA đã tổng hợp, cân nhắc tất cả các ý kiến và xem xét bối cảnh chung của đất nước.

“Chúng tôi cho rằng, phương án đưa ra là phù hợp với lộ trình phát triển năng lượng, không gây sốc cho nền kinh tế; vừa đảm bảo lợi ích cho các hộ nghèo, gia đình chính sách", Chủ tịch VEA nói.

Lạm phát chắc chắn tăng cao

Tuy nhiên, theo lời Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TƯ Võ Trí Thành trả lời trên báo Nông nghiệp: “Năm qua, phải thừa nhận là ngành điện gây ra quá nhiều thất vọng. Tôi cho rằng, dù là giá điện của nước ta có thể được cho là thấp trong khu vực, nhưng chỉ vì bán điện giá thấp mà cắt điện liên tục như hiện nay, tính ra người dân phải bỏ ra quá nhiều tiền cho chất lượng dịch vụ không tương xứng”.

Ông Thành cho biết, “tiền thiệt hại do cắt điện, tiền mua xăng dầu chạy máy nổ, máy phát khi mất điện…đôi khi còn lớn hơn tiền điện phải trả”. Theo TS Thành, có thể lập hẳn một Cty quản lý điện công ích cho Nhà nước, thay vì nửa vời như hiện nay.

Còn theo TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế độc lập, việc tăng giá điện chắc chắn sẽ làm lạm phát tăng cao. “Điều này có thể nói là đương nhiên. Theo tôi, nguyên nhân của việc chậm tiến độ các công trình điện, dẫn đến thiếu điện và cắt điện vô tội vạ như cách đây không lâu, thì chưa hẳn đã do giá điện thấp".

"Chúng ta hãy xem lại cơ chế thu hút đầu tư của các DN ngoài ngành vào xây dựng NM điện. Tôi luôn cho rằng, cần phải nghiên cứu thật kỹ trước khi quyết định tăng giá điện, vì nó quá nhạy cảm”, ông Doanh phát biểu trên báo Nông nghiệp Việt Nam.

Lãi to hay lỗ nặng?

Dưới nhan đề “Đề nghị tăng giá điện không thuyết phục”, báo Sài Gòn Tiếp thị cho rằng, nếu những lập luận của VEA là hợp lý thì việc tăng giá điện cũng nên làm, thế nhưng ẩn phía sau là những ngụy biện thì cũng cần phải thấy rõ.

Theo báo này, kể từ mức thứ hai trở đi VEA khẩn thiết đề nghị áp mức giá thị trường là 7-8 cent/kWh. Và ngay ở đây chúng ta có chuyện không ổn. 7-8 cent tương đương 1.337- 1.528 đồng/kWh (tỉ giá 19.100/1USD như VEA đưa ra)! Không biết VEA dựa trên cái mức chuẩn “giá thị trường” nào để đưa ra cái giá cao ngất ngưởng như vậy ?

Lý do đầu tiên mà VEA nêu là mức giá này vẫn thấp hơn giá điện trong khu vực, với cơ cấu giá nhiên liệu đầu vào ở mức 100 USD/tấn than như hiện nay.

Ngay ở lý do này đã thấy có hai điều bất ổn: Một là, so với giá điện khu vực thì liệu VEA đã tính đầu vào ngang với khu chưa mà lại tính đầu ra ngang với khu vực? Được biết, về mặt chính thức, lương của công nhân ngành điện cũng không cao hơn các ngành khác, thậm chí lương của các giám đốc sở điện, hoặc ngay tổng giám đốc ngành điện cũng chỉ vài triệu đồng mỗi tháng, trong khi ở khu vực mức lương của họ đã vài ngàn đô la Mỹ.

Đó là chưa nói các chi phí bảo hiểm cho người tiêu dùng điện một khi có sự cố, các nước trong khu vực chi đền bù ở mức vài trăm ngàn đô la Mỹ còn ở ta thì ngành điện không thèm nói tới; nhà máy phát điện và cơ sở hạ tầng ở ta giá thành cũng rẻ hơn do giá công nhân xây dựng thấp hơn. Nếu chỉ tính giá thiết bị đầu tư là tương đương với nước ngoài mà không tính giá lao động và vận hành rõ ràng là một phép tính không đầy đủ.

Hai là, giá nhiên liệu đầu vào dựa trên giá than (hoặc xăng dầu hay khí ga) là hoàn toàn cùng giá với khu vực, thoạt nghe là một lập luận không thể tranh cãi, thế nhưng cần phải nhớ rằng ở ta cơ cấu ngành điện thì không phải tất cả đều là than, xăng dầu hay khí ga mà gần 50% là thủy điện. Mà thủy điện thì phải giá rẻ, bởi đơn giản vì đó là tài nguyên của toàn dân. Đầu tư vào thủy điện phải khấu hao 40 – 50 năm chứ không thể khấu hao trong 10 năm rồi bảo giá điện cũng cao không kém.

Năng lượng hóa thạch có thể không lãi, nhưng thủy điện thì đang rất lãi, đó không phải là đoán mò mà chính là phát biểu của Bộ trưởng Vũ Văn Ninh trước phiên họp Quốc hội vừa rồi khi nói về đầu tư vốn của SCIC: “SCIC đang đầu tư bằng vốn điều lệ Chính phủ giao, và phần đầu tư này đang có lãi. Đơn cử, đầu tư vào thủy điện, lãi gấp đôi rồi”.

Chưa biết sự lãi gấp đôi ấy là trong bao năm, chỉ biết Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước này thành lập năm 2005, trong 5 năm mà đã lãi gấp đôi từ đầu tư thủy điện thì đủ biết mức khấu hao của thủy điện trong cơ cấu giá thành đang là rất cao ở mức không thể chấp nhận được. 

Vì vậy, theo Sài Gòn Tiếp Thị, nếu không tính đầy đủ bình quân mức lãi của thủy điện và mức “lỗ” của điện hóa thạch để cho ra giá thành hợp lý mà cứ mỗi lần đề nghị tăng giá điện VEA lại chỉ đưa ra minh họa từ điện hóa thạch e rằng sẽ không thuyết phục được ai mà còn tạo cho người ta cảm giác mình không minh bạch trong tính toán.

Và thực tế là cho dù ngành điện luôn báo động không có đầu tư nào vào ngành điện nhưng thủy điện vừa và nhỏ thì ngược lại, các công ty cố phần đang đầu tư vào thủy điện vừa và nhỏ khá mạnh, các cổ phiếu của các công ty thủy điện đã lên sàn hoặc chưa lên sàn đều có giá ổn định ở mức cao. Nay nếu giá điện tăng thì cổ phiếu này chắc chắn sẽ lại sốt. Tiền lãi thủy điện sẽ vào túi ai sẽ là một câu hỏi rất trách nhiệm cho VEA nếu không chịu tính đúng tính đủ giá điện các loại nguồn năng lượng?

Bạn đọc suy nghĩ như thế nào về đề nghị tăng giá điện "gây sốc" này của VEA? Hãy chia sẽ quan điểm và góc nhìn của bạn với chúng tôi qua email: [email protected]