Trang chủ » Tranh luận » DN xã hội: Mỗi người là một thế giới tạo nên sự thay đổi

DN xã hội: Mỗi người là một thế giới tạo nên sự thay đổi

Tác giả:




Thuật ngữ Doanh nhân Xã hội (Social Entrepreneur) mới bắt đầu xuất hiện trong những năm cuối của thế kỉ 20 và phát triển mạnh trong hai thập kỉ gần đây, là cụm từ dành cho những doanh nghiệp thay vì lấy lợi nhuận làm đầu, họ hoạt động vì sự phát triển của cộng đồng và xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội như thiếu nước sinh hoạt, ô nhiễm môi trường, thiếu việc làm, nâng cao trình độ cho người nghèo v.v… Các doanh nhân xã hội ngày nay được coi là những công dân toàn cầu (global citizen) tạo nên những thay đổi và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của nhân loại trong thế kỉ này.

 

Doanh nhân xã hội là gì?

 

Ở đây có ba khái niệm liên quan trong kinh tế và kinh doanh cần phân tích:

 

1. Nhà tư bản (capitalist): là người có vốn nhưng không trực tiếp tham gia điều hành doanh nghiệp, mặc dù chịu rủi ro đầu tư (take risks) nhưng không tạo nên ý tưởng (idea), sự đột phá (innovation) hay cải tiến (improvement) trong doanh nghiệp.

 

2. Doanh nhân (entrepreneur): là người trực tiếp quản lý, điều hành doanh nghiệp và chịu các rủi ro đến công việc kinh doanh, thương mại. Vai trò của doanh nhân chỉ bắt đầu tách biệt với nhà tư bản vào thế kỉ 19 với sự phát triển mạnh mẽ trên diện rộng của sản xuất và thương mại. Doanh nhân là những người tạo nên một ngành mới, hoặc có những ý tưởng sáng tạo, tạo nên sự đột phá hoặc cải tiến ngành công nghiệp đó. Ví dụ như Henry Ford, người đã chế tạo ra xe hơi vào những năm đầu thế kỉ 20.

 

Các doanh nhân đề cập ở trên là doanh nhân thương mại (business entrepreneur) do mục tiêu chính của họ là kiếm lợi nhuận. Một số doanh nhân thương mại sau một thời gian phát triển doanh nghiệp của mình rất thành công và thu được nhiều lợi nhuận thì họ quay trở lại đóng góp vào các hoạt động xã hội và phát triển cộng đồng. Tuy vậy họ không phải là một doanh nhân xã hội (social entrepreneur) – một khái niệm mới xuất hiện trong hai thập kỉ gần đây.

 

Doanh nhân xã hội được hiểu là những người tạo nên đột phá, hoặc có những ý tưởng giải quyết các vấn đề của xã hội và tạo nên những thay đổi làm cho xã hội tốt hơn, vốn lâu nay vẫn được cho là thuộc trách nhiệm của nhà nước, hoặc các doanh nghiệp thương mại “có tâm”.

 

Cũng như doanh nhân thương mại, để thành công, một doanh nhân xã hội là người kiên định với ý tưởng của mình, cam kết dành cả cuộc đời để tạo nên sự thay đổi. Họ vừa là những người có tầm nhìn xa trông rộng lại vừa là những người rất thực tế, và luôn suy nghĩ về cách thức thực hiện tầm nhìn của mình một cách rất thực tế. Họ cần phải đưa ra những ý tưởng dễ áp dụng, dễ hiểu, có đạo đức, và kêu gọi sự ủng hộ của nhiều người để có thể tối đa hóa số lượng những người dân địa phương cùng đứng lên, nắm bắt ý tưởng, và thực hiện.

 

Nói một cách khác, mỗi một doanh nhân xã hội đi đầu là một người tuyển dụng trên diện rộng những người tạo nên thay đổi cục bộ (local changemaker). Đây là điểm rất khác biệt giữa doanh nhân xã hội và doanh nhân thương mại. Nếu như doanh nhân thương mại chỉ tập trung phát triển doanh nghiệp, lấy mục tiêu lợi nhuận làm trọng, thì mục tiêu của doanh nhân xã hội là làm thế nào để giải quyết triệt để một vấn đề xã hội cụ thể, hơn nữa, họ không làm một mình, mà tính hiệu quả của doanh nghiệp được tính bằng số người hưởng lợi từ các hoạt động đó. Tốt hơn nữa là giúp chính những người dân địa phương có được nguồn tài chính và kĩ năng để tự họ làm cải thiện môi trường sống của mình tốt hơn.

 

Doanh nhân xã hội là các cột trụ của ngôi nhà lớn mà chúng ta gọi là “xã hội dân sự” (civil society), tức là tên gọi chung của tập hợp tất cả đoàn thể thiện nguyện phi chính phủ (non-government organizations, NGOs).

 

 



DN xã hội là người tạo nên những thay đổi làm cho xã hội tốt hơn

 

Ashoka – Mỗi người là một thế giới tạo nên sự thay đổi

 

Billl Drayton là một trong những người khởi xướng khái niệm Social Entrepreneur. Hiện nay ông là người sáng lập và là CEO của Ashoka http://www.ashoka.org/, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại bang Virginia, Mỹ, với ngân sách hoạt động khoảng 15 tỉ USD mỗi năm. Trong suốt 30 năm qua, Ashoka liên tục tìm kiếm và hỗ trợ các ý tưởng đột phá nhằm tạo nên sự thay đổi có tính hệ thống đối với cộng đồng và địa phương. Khẩu hiệu của Ashoka là “an Everyone a Changemaker World” – Mỗi người là một thế giới tạo nên sự thay đổi.

 

Ashoka không cung cấp tài chính cho các tổ chức hay doanh nghiệp, mà trực tiếp hỗ trợ tiền ăn ở cho các doanh nhân xã hội để họ có thể toàn tâm toàn ý thực hiện các ý tưởng của mình. Ví dụ mức hỗ trợ cho một doanh nhân ở Ấn Độ là 3.000 USD một năm, còn ở Mỹ là 45.000 USD một năm. Hiện nay mạng lưới doanh nhân trong chương trình của Ashoka đã lên tới 1,200 người trải rộng trên 43 nước.

 

Những doanh nhân này đang giúp giải quyết các vấn đề như là xây giếng chi phí thấp cho người dân vùng nông thôn Ấn Độ, hay là chống lại căn bệnh HIV tại Nigeria, hay là cung cấp các khoản cho vay, bảo hiểm, và dịch vụ điện thoại cho những người dân có thu nhập thấp và thiểu số ở Mỹ. Mặc dù mục tiêu các doanh nhân trong chương trình của Ashoka là làm giảm thiểu các vấn đề xã hội chứ không phải là thu lợi nhuận, cách làm của họ cũng giống như một doanh nhân thương mại.

 

Renata Arantes Villella, một doanh nhân xã hội người Braxin, là một ví dụ điển hình cho thấy cách thức mà Ashoka đánh giá hiệu quả hoạt động của các doanh nhân xã hội trong chương trình của mình.

 

Renata tham gia Ashoka vào năm 1995 với mục tiêu là thực hiện một mô hình toàn diện dành cho giáo dục, tái định cư, và hòa nhập xã hội của những người khuyết tật ở mọi lứa tuổi.

 

          Renata đã trực tiếp phục vụ 200 sinh viên khuyết tật học ở trường cấp 3 do cô sáng lập tại Brazil.

 

          Renata làm việc với các bệnh viện địa phương để thực hiện một bài kiểm tra chẩn đoán ban đầu dành cho trẻ sơ sinh và vì thế có sự điều trị kịp thời. Các bệnh viện đăng kí cho trẻ khuyết tật tham gia lớp học của Renata.

 

 

          Renata đã tạo ra sự thay đổi trong chính sách cấp các khoản tài chính miễn phí cho các chương trình giáo dục đặc biệt, ở cả cấp nhà nước cũng như địa phương.

 

          Khoảng 600 người đã tham gia vào các buổi hội thảo về chăm sóc sức khỏe tiền sinh sản, dinh dưỡng, và sử dụng các chất có cồn – những nguyên nhân chính gây ra khuyết tật ở trẻ.

 

          Renata tổ chức một chương trình radio hàng tháng về các chủ đề liên quan đến chăm sóc sức khỏe sinh sản với 5,000 khán giả theo dõi.

 

Tương tự như vậy đã có rất nhiều các câu chuyện thay đổi ở khắp nơi trên thế giới ở cả các nước nghèo và đang phát triển như Ấn Độ, Nigeria cho đến các nước phát triển như Mỹ, Đức.

 

Ở Việt Nam hiện nay cũng đã có nhiều chương trình phát triển và hỗ trợ mạng lưới các doanh nhân xã hội, ví dụ như chương trình hỗ trợ các doanh nhân xã hội do Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng – CSIP khởi xướng, bắt đầu từ đầu năm 2009.

 

Các doanh nhân xã hội ngày nay đang góp rất nhiều công sức giúp giải quyết các vấn đề xã hội. Họ giúp cải tạo môi trường sống tốt hơn, vì một thế giới công bằng và tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.

 

Hoàng Khánh Hòa