Trang chủ » Tranh luận » Xây dựng DN dân tộc: Kết nối Việt Nam và thế giới

Xây dựng DN dân tộc: Kết nối Việt Nam và thế giới

Tác giả:















Gần đây, khái niệm “lực lượng doanh nghiệp dân tộc” được Thủ tướng đề cập đã khiến cộng đồng doanh nghiệp thực sự chú ý. Nhân dịp xuân mới, tiến sĩ Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam – đã có cuộc trò chuyện với phóng viên xung quanh vấn đề đang rất được quan tâm này.

 

Quá trình hình thành giai cấp tư sản ở nước ta diễn ra hết sức khó khăn và thăng trầm. Những biến động của lịch sử đã làm cho giai cấp tư sản dân tộc gần như bị biến mất trong đời sống kinh tế. Sau hơn 20 năm đổi mới, nhiều thế hệ doanh nhân mới ra đời. Nhưng cho đến nay, chúng ta vẫn chưa đủ sức xây dựng nên những doanh nghiệp (DN), thương hiệu tầm cỡ và vẫn vắng bóng những doanh nhân lớn có đủ cả tài năng và nhân cách.

 

– Thưa tiến sĩ, để biến khát vọng có được một lực lượng "DN dân tộc" thành hiện thực cần những chính sách hỗ trợ đi kèm. Theo ông, chúng ta cần phải khắc phục những nhược điểm gì về cơ chế, chính sách hiện nay để hỗ trợ lực lượng này phát triển?

 

– Sở dĩ gần đây chúng ta phải đặt ra khái niệm DN dân tộc vì hai lẽ.

Khái niệm “Doanh nghiệp dân tộc” do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra, được hiểu đơn giản nhất là “các doanh nghiệp mà khi ra thế giới, nghe nói đến người ta biết ngay là của Việt Nam. Như khi nói đến Toyota biết ngay là của Nhật Bản, nói đến Samsung, biết ngay là của Hàn Quốc, không cần giải thích gì thêm”.

 

Thứ nhất là VN cần có một động lực mạnh để vươn lên trong cuộc đua tranh toàn cầu. Đi sau, tụt hậu, sức yếu, nhiệm vụ đặt ra lại nặng nề – phải tiến nhanh để sánh vai với thế giới. Muốn đạt được mục tiêu đó, phải có động lực mạnh. Có các nguồn lực mà không có động lực, không có sự cố kết thì sẽ không có sức mạnh. Lực lượng DN dân tộc chính là động lực đó.

 

Thứ hai, ở cấp độ DN, các DN VN hiện đang phải cạnh tranh quyết liệt trên thị trường thế giới mở cửa – hội nhập. Tình trạng thiếu liên kết – căn bệnh cố hữu của các DN VN – làm cho chúng tự suy yếu thêm. Thậm chí vì lợi ích cục bộ, các DN VN còn "đấu đá" với nhau trước khi cạnh tranh với DN nước ngoài, dẫn đến kết cục là "trai cò tương tranh, ngư ông đắc lợi". Việc ưu đãi quá mức các DN nước ngoài cũng là cách giúp họ có thêm sức chèn lấn, tranh chấp các cơ hội và nguồn lực khan hiếm với các DN trong nước, làm cho lực lượng kinh tế bản địa vốn nhỏ yếu gặp thêm nhiều khó khăn trong nỗ lực phát triển.

 

Ở một khía cạnh khác, khái niệm DN dân tộc còn có nghĩa là mỗi DN VN thuộc bất cứ thành phần kinh tế nào đều phải tự hiểu mình phải làm gì, làm như thế nào để xứng đáng với danh hiệu lực lượng kinh tế dân tộc. Một DN chỉ lo đi chặt rừng, một DN thì chỉ hì hục xúc cát xuất khẩu lậu hàng triệu tấn ngay cả khi Thủ tướng đã có lệnh cấm, một DN xả chất độc hại ra môi trường, gây tổn hại cho người dân… thì liệu có xứng đáng là DN dân tộc hay không?

 

– Đặt ra khái niệm DN dân tộc, theo nghĩa như vậy, một phần để nhắc nhở Nhà nước, Chính phủ, mọi tổ chức và mỗi người phải quan tâm tới lực lượng này, giúp nó phát triển để nâng cao vị thế VN, tôn vinh thương hiệu VN. Mặt khác, khái niệm đó còn để bản thân các DN phải luôn luôn tự hỏi mình làm thế nào để xứng đáng với danh hiệu ấy.

 

Về mặt kinh tế, một DN được coi là mang đến lợi ích cho nền kinh tế trong nước khi tạo ra công ăn việc làm cho người lao động nội địa, thúc đẩy phát triển các hoạt động phụ trợ khác… Vậy thì DN dân tộc được định nghĩa như thế nào? Nếu DN xây dựng trên đất VN nhưng do người nước ngoài làm chủ, đáp ứng được tất cả các yêu cầu về lợi ích cho nền kinh tế trong nước, liệu có thể coi là DN dân tộc được không?

 

– Trước hết, DN dân tộc phải là DN của người VN, phải mang lại lợi ích phát triển cho người VN. Lợi ích này không chỉ tính từ mỗi góc độ tăng trưởng GDP mà còn phải xem xét nhiều khía cạnh khác. Còn DN nước ngoài, vốn nước ngoài, do người nước ngoài làm chủ, có đóng góp cho nền kinh tế VN, thì xứng đáng là thành viên của cộng đồng DN VN, nhưng theo tôi, không nên xếp họ vào khái niệm “DN dân tộc VN”. Nếu không, lực lượng này sẽ trở thành một cái gì đó quá ôm đồm, thiếu tiêu chuẩn rõ ràng để định hình bản sắc. Mà không có cái đó thì giá trị, tính mục đích của khái niệm sẽ mờ đi, mất ý nghĩa.

 

Thưa tiến sĩ, K.Marx cho rằng tư bản không có quốc gia dân tộc mà chỉ biết đến lợi nhuận. Điều này rất rõ trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay. Nếu giả dụ điều này là đúng, vậy thì vai trò của Nhà nước, đại diện cho lợi ích dân tộc, trong trường hợp này là thế nào?

– Mục tiêu của DN là tạo ra lợi nhuận. Tuy nhiên, tìm kiếm lợi nhuận cũng phải có điều kiện, đặc biệt là khi xét đến tính mục đích của hoạt động kinh doanh – lợi nhuận – được hiểu như một động cơ trường kỳ, một mục tiêu lâu dài. Theo nguyên lý của kinh tế thị trường, DN muốn thu được lợi nhuận thì phải biết phục vụ xã hội, thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng. Nhiều DN có thương hiệu vì họ khẳng định phục vụ xã hội hết lòng. Như vậy, tìm kiếm lợi nhuận tự nó không có gì là xấu, thậm chí, đó là động lực mạnh, không thể thiếu của phát triển.

 

Trong những trường hợp cụ thể, có thể vì lợi nhuận mà người ta phá huỷ nguyên tắc đó để kiếm chác, thu lợi nhuận nhanh. Lợi nhuận ngắn hạn xung đột với lợi ích xã hội, với quyền lợi người dân và đi ngược lại lợi ích quốc gia. Lúc đó, cần có sự quản lý, điều tiết vĩ mô nghiêm minh, hiệu lực.

 

Ở đây có hai vế, một mặt trên nguyên lý chung là muốn có lợi nhuận nhiều phải phục vụ tốt xã hội, giả định khâu ở giữa là luật pháp, chế tài, định hướng nhà nước tốt, kinh doanh môi trường cạnh tranh sòng phẳng, lành mạnh. Thứ hai là giá trị kinh doanh của mỗi DN. Tôi cho rằng, Nhà nước phải lo vế thứ nhất, trên cái nền đó, DN sẽ quan tâm tốt hơn đến vế thứ hai.

 

– Với những vấn đề đã đề cập, ông có cho rằng, đến bây giờ chúng ta mới đặt vấn đề xây dựng các DN dân tộc là quá chậm?

 

– Để khái niệm DN dân tộc hình thành thì phải trải qua cạnh tranh, xây dựng trong cạnh tranh… DN phải gánh vác trọng trách đấy và Nhà nước phải tạo cơ hội để DN gánh vác. Quan trọng là khi đã đặt vấn đề ra rồi thì phải làm cho DN xứng đáng trở thành DN dân tộc bằng cách tạo cho DN môi trường kinh doanh tốt. Nếu để DN còng lưng ra cạnh tranh chống chọi với thế giới mà không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì cũng khốn khổ lắm, nhất là khi DN dân tộc của chúng ta còn non yếu. Hội nhập để vươn lên, đây là điều chúng ta phải cố gắng làm, nếu không sẽ muộn.

 

 

       

 






Việt Nam rất cần những doanh nghiệp như Samsung của Hàn Quốc, Honda của Nhật

 







– Mỗi quốc gia đều có những DN gắn liền với hình ảnh của mình. Nói đến Hàn Quốc, chúng ta nghĩ đến Hyundai, Samsung; nói đến Nhật Bản, chúng ta nghĩ đến Honda, Sony; nói đến Mỹ, chúng ta nghĩ đến Coca-Cola, GE, Ford… Còn ở VN, thì dường như chưa có DN nào có thể đủ sức đại diện cho hình ảnh của nền kinh tế quốc gia. Theo ông, điều này có nguyên nhân do đâu?

 

– Khái niệm DN hãy còn rất mới mẻ ở VN. Nó đích thực là sản phẩm của quá trình đổi mới. Nghĩa là chỉ mới hơn vài chục năm nay. Mới mẻ như vậy, thời gian hình thành và phát triển ngắn như vậy nên năng lực yếu, trình độ non của DN VN hiện tại, việc chưa có thương hiệu "mạnh" cũng không có gì khiến chúng ta phải quá buồn phiền.

 

Tất nhiên, cũng phải nói rằng việc VN chưa có những DN lớn, tầm cỡ thế giới một phần đáng kể là do những ràng buộc cơ chế, bắt nguồn từ chỗ các trói buộc tư duy cũ chưa được tháo gỡ hết. Chính đây là điểm đáng lưu ý. Nếu không gỡ thì chắc chắn sẽ quá muộn.

 

Thử nhìn sang Hàn Quốc, sau 20-30 năm bước vào quỹ đạo thị trường, họ đã có những tập đoàn mạnh, những thương hiệu lớn cỡ như Samsung, Daewoo…, làm thành những đầu tàu mạnh để kéo cả nền kinh tế đi lên.

 

Hiện nước ta, sau hơn 20 năm đổi mới, cũng có một số tập đoàn được coi là lớn, ví dụ như than khoáng sản, dầu khí, hàng không. Nhưng những tập đoàn này chỉ "to" theo tiêu chuẩn VN, còn so với thế giới thì chỉ là hạng trung bình hay nhỏ thôi. Mà đó là những tập đoàn còn "nhờ vả" nhiều vào Nhà nước, vào các ưu đãi đặc biệt để thành lớn chứ chưa hoàn toàn lớn lên thực trong khói lửa cạnh tranh thị trường.

 

Để thành lớn, các DN VN, đặc biệt là các DN tư nhân, cần phải cực kỳ nỗ lực. Nhà nước cần có sự yểm trợ tối đa nhưng phải đúng kiểu, đúng cách. Nếu các DN VN có môi trường thuận lợi thật sự thì tôi tin rằng họ sẽ lớn rất nhanh. Quá trình đó còn được đẩy nhanh hơn trong đội hình "lực lượng DN dân tộc" và kết nối tốt với thế giới.

 

– Như vậy có thể nói, gốc rễ của việc đến bây giờ chúng ta vẫn chưa có được những DN lớn làm nên “thương hiệu" của dân tộc là do sự trói buộc của cơ chế kinh tế cũ?

 

– Chắc chắn là như vậy. Nhưng sâu xa thì còn nhiều chuyện. Không chỉ đơn thuần do cơ chế mà còn do tâm lý kinh tế tiểu nông còn quá nặng.

 

 

Bích Hằng (Lao động)