Trang chủ » Điểm nóng » Từ chuyện xếp hạng: Tập thói quen tốt khi hội nhập

Từ chuyện xếp hạng: Tập thói quen tốt khi hội nhập

Tác giả:

TIN LIÊN QUAN

Câu chuyện các ngân hàng Việt Nam bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm rồi cũng qua đi nhưng đây lại một lần nữa vấn đề xếp hạng tín nhiệm lại được xới lại ở Việt Nam.

Trong khi trên thế giới, xếp hạng tín nhiệm trở nên phổ biến, một phần của thị trường và còn được xem là một điều kiện đánh giá môi trường kinh doanh thì ở Việt Nam, đánh giá tín nhiệm vẫn còn rất hạn chế.

Vì sao Ficth từ chối thông tin của VCB?

Giải thích sau khi Fitch công bố xếp hạng tín nhiệm với việc hạ bậc của VCB, lãnh đọa của VCB tiết lộ, khi biết Fitch xếp hạng tín nhiệm, VCB đã có liên hệ và giải thích một số thông tin nhưng Fitch không nghe.

Và kết quả cuối cùng và một vị trí xếp hạng gây thất vọng.

Có vẻ như, hãng xếp hạng đã cố tình không nghe, không chịu hiểu mới dẫn đến những thông tin sai lệch. Liệu như thế có đúng với bản chất của định giá xếp hạng và sâu xa hơn liệu có một động cơ nào không về việc công bố này?.

Trao đổi vấn đề này, một số chuyên gia đánh giá tín nhiệm và chuyên gia tài chính ngân hàng Việt Nam đều cho rằng, đây là một việc hoàn toàn bình thường và tin rằng không có động cơ nào trong vấn đề này. Đơn giản, đây là một việc làm phổ biến ở các nước có thị trường phát triển.

Điều tối kỵ là đừng đổ lỗi cho khó khăn và phê phán lấy được.

Trên thế giới, có hai cách mà một hãng đánh giá tín nhiệm đưa ra kết quả đánh giá của mình.

Thứ nhất là xếp hạng độc lập dựa trên những thông tin đã công khai. Thứ hai là xếp hạng theo sự chỉ định tức là được thuê để đánh giá xếp hạng. Mỗi cách thức đều có những điểm mạnh, điểm yếu riêng và có những quy tắc riêng phải tuân thủ.

Đối với đánh giá tín nhiệm chỉ định, tức là các DN hay ngân hàng chọn hãng đánh giá tín nhiệm và cung cấp thông tin để họ đánh giá tín nhiệm cho mình. Cách này có điều lợi là thông tin đầy đủ và dồi dào.

Tuy nhiên, việc cung cấp thông tin trong một số điểm nhạy cảm có thể sẽ phải thỏa hiệp và phụ thuộc vào người thuê, kết quả và quyền công bố thông tin do người đi thuê quyết định. Điều này dẫn đến nhiều yếu tố không khách quan vì thông tin có nhiều điểm bị loại bỏ, kết quả công bố không hết và thường là có lợi cho tổ chức được định giá.

Những phần khống có lợi hay khuyến cáo thường được giữ lại như là một cảnh báo để các tổ chức này biết để sửa mình mà thôi.

Bên cạnh đó, cá hãng đánh giá lớn cũng thường có cách đánh giá độc lập, không theo sự chỉ định nào cả. Việc này dựa trên những thông tin đã được công bố và không vì hoạt động lợi nhuận. Điểm yếu là thông tin không nhiều và chịu sự chi phối gián tiếp của thông tin đã công bố mà thường là thông tin có lợi của các DN và tổ chức công bố.

Tuy nhiên, cách này thì các hãng tín nhiệm đảm bảo được tính khách quan cao nhất. Đây thường là sản phẩm các hãng làm vì tính trách nhiệm với cộng đồng, vì uy tín của chính mình và để cung cấp thông tin cho thị trường nên nó cũng có những nguyên tắc riêng.

Vì sao Ficth từ chối thông tin của VCB?

Một trong những nguyên tắc là để đảm bảo khách quan và uy tín đồng thời giữ được quyền công bố về kết quả, các hãng sẽ không liên hệ, không nhận thông tin tham khảo từ đối tượng họ xếp hạng. Điều này lý giải vì sao Fitch không nhận thông tin và giải thích từ VCB.

Theo cách chuyên gia từ Công ty VietnamCredit thì trên thế giới, hình thức này là rất phổ biến và hoàn toàn bình thường. Các hãng lớn khi đánh giá độc lập họ không đơn thuần chỉ dựa vào các thông tin công bố mà còn có sự tham khảo trong hệ thống đánh giá và thông tin tín nhiệm có mặt ở Việt Nam.

Đồng thời, có sự tham khảo so sánh ở tầm vĩ mô với các trường hợp có hoàn cảnh tương tự để có được kết quả cuối cùng.

Như vậy, có thể nói, ở mỗi cách đánh giá và mức độ thông tin đều có những giá trị khác nhau. Không thể nói cái nào là tốt hơn cái nào.

Nếu như những đánh giá chỉ định được các DN và ngân hàng sử dụng để quảng cáo cho bản thân, để tự soi mình tìm ra điểm yếu nhằm hoàn thiện hơn thì các đánh giá độc lập lại có ý nghĩa lớn đối với thị trường, với các nhà đầu tư. Nó cung cấp thêm một cái nhìn, một thông tin cho giới kinh doanh trong thị trường đầy biến động.

Xét cho cùng, đó là một phần của thị trường.

Thói quen thời hội nhập

Sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, các chuyên gia tài chính và đánh giá tín nhiệm thường nhắc đến chuyện “đánh tín nhiệm các tổ chức tín nhiệm”. Chuyện là có rất nhiều tổ chức vốn được đánh giá tốt nhưng sau đó lại sụp đổ nhanh chóng với những điểm yếu chết người trong quản trị.

Ngược lại, vụ khủng hoảng nợ của Dubai – Arập Xêút lại được các hãng đánh giá nhìn nhận quá bi quan trong khi thực tế không đến nỗi quá tệ.

Vì thế, mới đây, một số ngân hàng châu Âu đã đánh giá hạ mức tín nhiệm của các tổ chức tín nhiệm.

Theo các chuyên gia, nói câu chuyện này để thấy, đã là đánh giá tín nhiệm thì mỗi hãng đánh giá có một bộ tiêu chí riêng, đó là nhãn quan của họ khi nhìn vào để đánh giá các đối tượng. Chính vì thế, không có gì lạ mỗi hãng có một cách đánh giá khác nhau.

Chuyên gia của VietnamCredit cho biết, trên thế giới, họ đã quen với các thông tin như thế và tiếp nhận nó một cách bình thường. Họ có thể phản ứng lại hoặc không nhưng luôn có thái độ tôn trọng như đối với một ý kiến trái chiều. Không hề có một sự phản ứng nào thái quá và nếu cần thì có thể phản biện lại với đầy đủ thông tin.

Trong vụ việc vừa qua, ngoài ý kiến của các ngân hàng người ta không thấy ý kiến từ phía Hiệp hội khi các thành viên hàng đầu của mình bị hạ bậc.

Điều này gợi nhớ lại phản ứng gay gắt của ngân hàng, hiệp hội và cả cơ quan nhà nước đối với xếp hạng các ngân hàng trong nước công bố hồi đầu năm.

Dù đối với Ficth, ngân hàng phản ứng có chừng mực thì qua cả hai vụ việc có vẻ như các các DN Việt Nam chưa quen với các sản phẩm đánh giá độc lập, nhất là khi nó trái với mong muốn chủ quan. Điều đó dường như không phù hợp với thói quen của thị trường hội nhập.

Đáng chú ý, phản ứng từ phía các ngân hàng Việt Nam dù được cho là khá thận trọng và bình tĩnh nhưng việc cho rằng việc không hiểu hết đặc thù và những khó khăn của Việt Nam dẫn đến kết quả không chính xác là điều không nên.

Theo các chuyên gia của một tổ chức xếp hạng trong nước, thông thường, dù đánh giá độc lập nhưng các hãng lớn đều có sự tham khảo rất kỹ các thông tin từ mạng lưới của họ có mặt tại Việt Nam.

Có sự so sánh với các trường hợp có tình huống và hoàn cảnh tương đồng nên có thể nói những đánh giá đó hoàn toàn đáng được lưu tâm.

Chúng ta chỉ được tiếp cận kết quả cuối cùng nhưng chúng ta chưa thể hiếu hết cách thức, các định lượng trong cơ cấu tính toán của họ… đã bao hàm những yếu tố nào, bao nhiêu nên rất khó để nói là không hiểu rõ về Việt Nam.

Đánh giá tín nhiệm của các hãng đánh giá nói cho cùng là môt ý kiến trên thị trường, nó không thể thoát khỏi chủ quan. Họ có quyền nói và chúng ta có quyền phản biện nhưng hãy làm một cách khoa học, tôn trọng ý kiến trái chiều và điều tối kỵ là đừng đổ lỗi cho khó khăn và phê phán lấy được. Đó không phải là một thói quen tốt của hội nhập.