Trang chủ » Điểm nóng » Lời cảnh báo cho dự án bauxite của Việt Nam

Lời cảnh báo cho dự án bauxite của Việt Nam

Tác giả:

“Bom bẩn” đã công phá sông Danube

Hôm qua (7/10), dòng lũ bùn đỏ độc hại bị vỡ từ hồ chứa chất thải của nhà máy nhôm ở Hungaria đã đổ vào con sông lớn thứ nhì châu Âu, Danube.

Các giới chức môi trường và Liên minh châu Âu đều lo lắng về khả năng xảy ra một thảm họa sinh thái, ảnh hưởng tới nhiều nước, nếu dòng bùn thải này làm ô nhiễm con sông Danube.

Các nhà chức trách ở nhiều quốc gia thuộc hạ nguồn Danube, như Croatia, Serbia và Romania, hôm qua đã tiến hành kiểm tra dòng sông cứ vài giờ một lần và hi vọng lượng nước khổng lồ của dòng sông Danube sẽ làm bão hòa chất độc.

Theo tin của AP, dòng bùn đỏ đã lan tới nhánh tây của sông Danube vào buổi sáng. Đến chiều qua, thì dòng bùn đã chảy vào nhánh chính của sông.

Tuy nhiên, theo phát ngôn viên của cơ quan cứu hộ Hungary, Tibor Dobson, hiện “không có kim loại nặng trong nước uống” ở vùng bị ảnh hưởng.

Dobson cho hay, nồng độ pH trong dòng bùn đổ vào sông Danube đã giảm xuống mức khó có thể gây tổn hại thêm cho môi trường. Đến nay cũng chưa thấy cá trên sông bị chết.

Ông Gbor Figeczky, quyền giám đốc điều hành của Quỹ Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) tại Hungary, cảnh báo rằng sau khi tràn xuống sông Danube, bùn thải có thể gây nên tác hại có quy mô quốc tế.

“Một số loài động vật và thực vật chết ngay lập tức, một số loài khác sẽ bị nhiễm độc trong thời gian dài do bùn độc tích tụ trong cơ thể chúng”, ông nói.

Hiện vẫn chưa rõ vì sao nguyên nhân nào khiến hồ chứa bùn đỏ của nhà máy nhôm bị vỡ, làm đổ 1,1 triệu m3 chất thải lên một vùng diện tích 40 km2. Ít nhất 4 người đã thiệt mạng, trong khi 3 người mất tích, 150 người khác bị thương.

Lời cảnh báo cho Việt Nam

Báo Thanh Niên sớm nay (8/10) đã dẫn lời ông Dương Văn Hòa, Phó tổng giám đốc Tập đoàn than khoáng sản VN (TKV) cho biết, “Tuy các dự án bauxite của chúng ta chưa đi vào sản xuất, nhưng sự cố trên có thể xem như lời cảnh báo để chúng tôi chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng hơn trong khâu thi công”.

Theo thiết kế dự án khai thác bauxite tại khu vực Tây Nguyên, hồ chứa bùn đỏ được chia thành nhiều bậc đập. Giai đoạn 1 sẽ xây dựng 8 ô chứa bùn đỏ, kéo dài cho 12 năm sản xuất, công việc xây lắp tuần tự là xây ô thứ hai sẽ tiến hành thải ô thứ nhất, nhằm đảm bảo sự cố các hồ chứa không bị tràn bùn.

“Với thiết kế này, cứ một ô thải có một ô dự phòng, tức là thải một năm có một năm dự phòng các sự cố xảy ra. Việc xây lắp các ô chứa được tiến hành song song với xây dựng, hoàn thiện nhà máy”, ông Hòa nói. Dung tích mỗi ô chứa được lượng bùn thải ra trong khoảng 1,5 – 2 năm.

Ngoài ra, có một số phương án phòng tránh khác như điểm cuối hồ bùn đỏ có một cống chặn và cống này sẽ đóng chặt trong mọi trường hợp cần thiết nhằm chặn bùn tràn nếu có.

Cũng vẫn báo Thanh Niên dẫn lời ông Hòa, các dự án sản xuất alumin trong nước hiện nay đều sử dụng công nghệ Trung Quốc nhưng chuẩn quốc tế (theo tiêu chuẩn công nghệ Bayer). Được biết, cuối tháng 12 tới đây sẽ bắt đầu tiến hành chạy thử dây chuyền sản xuất alumin tại các dự án (Tân Rai, Nhân Cơ) của TKV.

Hiện tại, TKV đang chạy thử từng phần, theo trình tự nếu các nhà máy nước, điện, khí hóa chạy tốt mới tính đến sản xuất alumin.

Ông Hòa còn cho biết, việc đảm bảo an toàn cho môi trường cũng đã được tính toán kỹ lưỡng. Bùn chứa ở các ô sẽ lắng đọng, thu hồi pH để bùn khô dần và hoàn nguyên, sau đó sẽ đóng hồ, phủ lớp vải chống thấm cả bên trên và bên dưới, rồi rải lớp đất khoảng 1m lên trên.

Theo đó, cứ hai năm xả bùn sẽ mất ít nhất 3 năm để đất bùn hoàn nguyên lại thành đất tái sử dụng được.