Trang chủ » Điểm nóng » Nợ công: Khó hiểu ngưỡng nào an toàn

Nợ công: Khó hiểu ngưỡng nào an toàn

Tác giả:

Vấn đề nợ công và hiệu quả đồng vốn Nhà nước tiếp tục được “xới” lên tại phiên thảo luận tổ chiều 22/10 về tình hình thực hiện kế hoạch ngân sách Nhà nước 2010, dự toán 2011 và nguyên tắc phân bổ Ngân sách năm 2011.

Lập lờ ngưỡng an toàn nợ công

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), bày tỏ: “Trong báo cáo của Chính phủ, có chi để trả nợ nhưng chưa thấy có thu từ vay nợ, trong khi đây đang là việc mà dân ta rất quan tâm, khi mà nợ công lên đến hơn 56% GDP.

Theo quy định của Luật Quản lý nợ công, Quốc hội có thẩm quyền xác định số vay nợ của năm tài chính, như định vay ai, vay làm gì. Để Quốc hội có ý kiến thì phải có báo cáo, nhưng trong báo cáo này không có”.

Ông Thuyết nhấn mạnh, phải xem xét nợ công đến mức nào là hết ngưỡng an toàn. Bởi theo ông, Chính phủ vẫn còn chưa rõ ràng trong vấn đề này.

“Trước đây, khi tôi tham gia khoá XI, nợ công khoảng 30-40% thì các đồng chí bảo còn an toàn, 50% mới mất an toàn. Đến nay đã vay trên 50%, các đồng chí bảo vẫn an toàn, có nước vay 200% cơ, như Mỹ, Nhật. Nhưng mình so với họ không được!” đại biểu Thuyết chia sẻ.

Mô tả ảnh.
Đại biểu QH TP. Hà Nội kiến nghị về việc sử dụng vốn ngân sách của DNNN (ảnh: Phạm Huyền)

Ông cho rằng trong kỳ họp này, Chính phủ phải báo cáo với Quốc hội rất cụ thể về nợ công. Chính phủ cần lý giải với Quốc hội nợ công là gì, đến ngưỡng nào là an toàn, căn cứ khoa học nào để tính… thì Quốc hội mới yên tâm. Đằng này Quốc hội không biết thông tin gì mà cứ quyết, rồi năm sau lại nhận khuyết điểm.

Trước đây, trong nhiều lần phát biểu với báo chí, Bộ Tài chính cho rằng, thông lệ quốc tế là… dưới 50% GDP là an toàn. Song đến nay, mức được cho là an toàn theo ý kiến của Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nhà nước lại là “dưới 60%”.

Vay 1 tỷ USD, Lọc dầu Dung Quất có nguy cơ lỗ

Theo đại biểu này, riêng Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã vay khoảng 1 tỷ USD để đầu tư , lãi suất là 7,5%. Một năm, phải trả 75 triệu USD, liệu tất cả số dầu Dung Quất sản xuất ra có đủ trả nợ hay không?

Cũng liên quan tới chủ đầu tư của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tỏ vẻ không đồng tình với việc Chính phủ sẽ rót thêm 3.500 tỷ đồng vốn Ngân sách cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN). Mức này chiếm tới 67% vốn Ngân sách dành cho các doanh nghiệp Nhà nước năm 2011.

Bà Trần Thị Quốc Khánh, đại biểu Hà Nội, nói, nguồn Ngân sách Nhà nước nên đầu tư ưu tiên cho những đối tượng thiết thực khác như cho điện, bởi ngành điện đang thiếu vốn nặng. Vốn cho công trình điện chủ yếu có nguồn từ ADB, vay thương mại trong nước vô cùng khó khăn, trong khi thiếu điện đang rất cấp bách.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) đề nghị, Chính phủ sẽ phải làm rõ việc phân bổ 3.500 tỷ đồng cho Tập đoàn này và việc phân bổ đó phải do Quốc hội quyết định.

Hiện nay, vốn đầu tư nhà nước dành cho các Tập đoàn, đến khi có lợi nhuận thì lại thu về cho Tập đoàn đó.

Ông Lịch cũng đề nghị, Chính phủ nên giải trình cả việc lợi tức của PVN. Khoản lợi nhuận của Tập đoàn là của Chính phủ ủy thác cho tập đoàn bán tài nguyên, hay đó là lợi tức của riêng tập đoàn.

Bội chi tăng cao cũng là do chi cho các tập đoàn chưa hiệu quả. Theo các đại biểu tính toán, mức bội chi năm 2010 là tới 7% chứ không phải là dưới 6% như Chính phủ báo cáo.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết bổ sung: Đến bây giờ các tập đoàn kinh tế, các công ty nhà nước vẫn bao cấp, cứ hết vốn rồi lại rót vốn. Vinashin đã thua lỗ rồi nhưng vẫn tiếp tục rót thêm 700 triệu đô la với lãi suất cao hơn lãi suất trả cho ngân hàng Việt Nam đồng nghĩa với việc không vay ngân hàng Việt Nam nữa mà vay ngân hàng nước ngoài.

Trong khi đó, những nước đóng tàu hàng đầu đã bắt đầu thấy ngành đóng tàu ảnh hưởng đến môi trường, lãi không đáng bao nhiêu và tìm cách rút ra thì Việt Nam lại rất hoan hỉ phấn đấu chiếm vị trí thứ 3, thứ 4 nhưng rồi cũng thua lỗ.

Rút kinh nghiệm từ vụ Vinashin, ông Trần Du Lịch đề nghị, Quốc hội cần ban hành Nghị quyết yêu cầu tập đoàn, tổng công ty nhà nước công khai báo cáo tài chính như các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán. Làm như vậy sẽ giúp nhân dân dễ dàng giám sát hoạt động của tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đồng thời, bảo đảm công bằng giữa các doanh nghiệp.

Ngân sách thêm “oằn lưng” vì những quyết định ngẫu hứng?

Không chỉ chuyện vay nợ để phát triển kinh tế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Thanh thiếu niên nhi đồng Nguyễn Minh Thuyết còn dẫn chứng về một số quyết định đầu tư vào giáo dục gần đây mang màu sắc ngẫu hứng, khiến ngân sách thêm “oằn lưng”.

Ông Thuyết lấy ví dụ: giáo dục xây dựng thêm mấy trường đại học xuất sắc không biết từ đâu ra. Chúng ta mời nước ngoài vào xây dựng 5 trường đại học và chính phủ Việt Nam đóng chi phí từ 200 đến 300 triệu đô la vào mỗi trường đó, vị chi tổng số tiền là 1 tỉ rưỡi đô là 30 nghìn tỉ Việt Nam. Con số này tương đương với một công trình trọng điểm của quốc gia.

Trong khi đó quan điểm xây dựng các trường đại học này thế nào thì không có ai báo cáo.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết kể lại câu chuyện đi giám sát tạo trường Đại học Việt Đức. Trước đây những khóa đầu chỉ tuyển sinh 28 người nhưng chính phủ đầu tư 200-300 triệu đô và chi 60% ngân sách thường xuyên cho trường. Học phí 15 nghìn đô một năm, mỗi năm Chính phủ có chính sách hỗ trợ thêm mỗi em 7.500 đô để khuyến khích các em vào học. Vấn đề là các em đó không phải là con nhà nghèo, học hành không xuất sắc và cũng chẳng phải là con cháu thương binh liệt sĩ gì cả.

Vì vậy, nếu nói giáo dục là quốc sách hàng đầu thì xin kiến nghị đồng chí nào tham dự Đại hội phải bàn thật “hàng đầu”. Nói 20% dành cho giáo dục nhưng giáo dục là cả đào tạo cán bộ chính trị từ huyện, hệ thống an ninh quốc phòng….chứ không phải hoàn toàn cho các cháu, và như vậy dân phải bỏ tiền túi ra – ông Thuyết băn khoăn.

Nếu mình cứ yên tâm với tất cả bề mặt ổn định thế này, không tính đến sóng ngầm thì có lúc mình sẽ phải trả giá” – Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết kết luận.