Trang chủ » Điểm nóng » 500 DN lớn nhất Việt Nam: Bản lĩnh vượt sóng dữ

500 DN lớn nhất Việt Nam: Bản lĩnh vượt sóng dữ

Tác giả:

Điều này được phản ánh đầy đủ trong Bảng Xếp hạng 500DN lớn nhất Việt Nam năm 2010, với sự trỗi dậy của doanh nghiệp tư nhân, sự khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước và tính hiệu quả trong đầu tư của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Các CEO (giám đốc điều hành) cũng chứng tỏ được bản lĩnh điều hành doanh nghiệp của mình khi chèo lái con tàu doanh nghiệp vượt qua sóng dữ.

Vững tay lái

Chia sẻ với PV. Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, hầu hết lãnh đạo các doanh nghiệp cho rằng, 2010 mới là năm thực sự khó khăn cho hoạt động của họ khi hậu bão khủng hoảng kinh tế mới thực sự “ngấm”.

Nếu năm 2009, tưởng là khó khăn đã hết và doanh nghiệp vẫn chứng tỏ hiệu quả kinh doanh cao bằng con số lãi lớn được công bố vào cuối năm, thì 2010, dư âm suy thoái vẫn còn, trong khi kinh tế thế giới chưa hồi phục, khiến nhiều doanh nghiệp lao đao.

Cộng với biến động phức tạp của tỷ giá, lãi suất, lạm phát, giá vàng… từ trong nước, doanh nghiệp Việt chịu “đòn” tác động kép. Khó khăn nhân đôi, song các doanh nghiệp thuộc TOP 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500) đã thể hiện được bản lĩnh và sức mạnh của mình.

Bằng chứng, TOP 20 doanh nghiệp đầu tiên trong Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam đã đủ điều kiện gia nhập nhóm câu lạc bộ doanh thu 1 tỷ đô la, với mức doanh thu trung bình của nhóm đạt 2,7 tỷ USD.

Đáng ghi nhận hơn khi các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam ngày càng thu hẹp khoảng cách với các doanh nghiệp trên thế giới. Điển hình, TOP 50 doanh nghiệp đầu tiên trong Bảng xếp hạng năm 2010 đã đủ tiêu chí về doanh thu để có thể đứng trong Bảng Xếp hạng Forbes 2.000 về TOP 2.000 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu.

Ông Vũ Đăng Vinh, Tổng giám đốc Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), cho hay, trong sóng gió, Bảng Xếp hạng vẫn ghi nhận sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp mới, mặc dù có 20% doanh nghiệp bị loại ra khỏi cuộc chơi.

Tất nhiên, đây là lẽ thường tình khi tiêu chí doanh thu Bảng xếp hạng được nâng lên (trong Bảng xếp hạng doanh nghiệp mọi thành phần, doanh thu tối thiểu của doanh nghiệp phải trên 1.200 tỷ đồng (năm ngoái là 1.000 tỷ đồng) và vào Bảng xếp hạng doanh nghiệp tư nhân, doanh thu tối thiểu của doanh nghiệp phải đạt trên 500 tỷ đồng (so với 400 tỷ đồng năm 2009).

Bù vào khoảng trống này, các tên tuổi mới trong Bảng xếp hạng đã trải rộng ra nhiều ngành nghề, điển hình như tài chính, chứng khoán, bất động sản. Đặc biệt là sự góp mặt của nhiều công ty bất động sản, sau 2-3 năm đầu tư, bắt đầu đến thời kỳ gặt hái.

“Thuốc” cũ nhưng vẫn hiệu quả

Khó khăn buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh lại phương án hoạt động sản xuất, kinh doanh, tập trung đầu tư vào những ngành, lĩnh vực, mặt hàng… mà doanh nghiệp kỳ vọng đem lại hiệu quả cao nhất. Nói cách khác, đó là cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh để dồn sức đầu tư vào thế mạnh đem lại hiệu quả cao, giúp doanh nghiệp tăng thêm sức mạnh.

Đó chính là nâng cao giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.

Bài thuốc này không mới, nhưng xem ra vẫn rất hiệu quả ở Việt Nam, bởi các doanh nghiệp hiện vẫn quá tham trong việc mở rộng lĩnh vực sản xuất, đầu tư đa ngành nghề. Khi gặp “sóng dữ”, họ buộc phải cơ cấu lại, hoặc loại bỏ, hoặc để chế độ chờ (stand-by), hoặc tìm hướng đi mới.

Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Thủy Linh là một ví dụ điển hình. Tổng giám đốc Nguyễn Anh Linh nói rằng, trước khó khăn, công ty chỉ đặt ra mức tăng trưởng doanh thu 10%, thay vì 25-30% như các năm trước. Điều này phản ánh chính xác trên thực tế, khi qua 9 tháng hoạt động, công ty đạt doanh thu trên 400 tỷ đồng.

Đáng nói là, thay vì quá trọng vào doanh số, công ty quay sang sắp xếp lại, ưu tiên các mặt hàng có chất lượng doanh thu cao. Chẳng hạn, là những dòng sản phẩm mà Linh Thủy đang phân phối độc quyền tại miền Bắc của các hãng Gigabyte, King Max, Adata, HP…

“Chỉ khi lợi nhuận ổn định thì sự phát triển của công ty mới bền vững”, ông Linh đúc kết.

Hơn nữa, trong bối cảnh lạm phát, tỷ giá leo thang… vì là doanh nghiệp nhập khẩu nhiều linh kiện điện tử từ nước ngoài, bí quyết của công ty là luôn phải bám sát thông tin về tỷ giá cũng như tính toán trả nợ đối tác nước ngoài cho hợp lý, tránh nhập hàng về khi tỷ giá USD lên cao, khó bán, đồng vốn khó luân chuyển nhanh.

Đối với Ngân hàng An Bình (ABBANK), theo ông Bùi Trung Kiên – Phó Tổng giám đốc ABBANK, đối mặt với thị trường tiềm ẩn nhiều khó khăn cùng với áp lực cạnh tranh ngày càng cao, năm 2010, ngân hàng chủ động theo dõi sát tình hình kinh tế và diễn biến  thị trường để có sách lược phù hợp.

ABBank đã xây dựng cơ chế quản trị rủi ro một cách toàn diện trên cả 3 lĩnh vực: rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động; xây dựng cơ cấu kiểm toán – kiểm soát nội bộ phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước, có khả năng kiểm soát hiệu quả mọi hoạt động của ngân hàng.

Thực tế cho thấy, dù tăng trưởng với tốc độ khá cao, nhưng ông Kiên cho hay ABBANK vẫn duy trì tốt các chỉ số về an toàn, ổn định hệ thống, ngay cả trong giai đoạn thị trường có biến động về nguồn vốn và thanh khoản.

Đến hết tháng 10/2010, mọi mặt hoạt động kinh doanh của ngân hàng đều đạt kết quả tích cực. Tất cả các chỉ tiêu kinh doanh đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, dư kiến đến cuối năm 2010, ABBank sẽ vượt nhiều chỉ tiêu kế hoạch của cả năm 2010.

Đến 31/10/2010, tổng tài sản đạt 36.796 tỷ đồng (đạt 105% kế hoạch cả năm 2010, lợi nhuận trước thuế đạt 604,5 tỷ đồng, đạt 96% kế hoạch năm.

Sẽ vươn tầm thế giới

Ông Vũ Đăng Vinh nhận định, qua 4 năm triển khai xếp hạng các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, về tổng thế, kết quả này phản ánh sát thực trạng phát triển của doanh nghiệp.

Bảng Xếp hạng VNR500 cũng thể hiện tính đồng nhất với Bảng Xếp hạng V1000 – TOP 1.000 doanh nghiệp nộp thuế nhiều nhất cả nước, bởi khi đã có mặt trong VNR500, các doanh nghiệp này cũng lọt vào danh sách V1000. Điều này chứng tỏ, sự thành công của các doanh nghiệp không chỉ đem lại giàu có, vinh quang cho cá nhân hay doanh nghiệp, mà họ đã thể hiện trách nhiệm với đất nước, với cộng đồng khi đóng góp nguồn thu không nhỏ cho ngân sách Nhà nước.

Có thể, tiêu chí doanh thu của Bảng Xếp hạng VNR500 (theo Fortune), chỉ phản ánh một khía cạnh của doanh nghiệp, tưởng là đơn giản nhưng lại phù hợp với hiện trạng doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, khi mà tính minh bạch về thông tin còn hạn chế.

Trong khi đó, theo ông Vinh, nếu lấy theo tiêu chí của Forbes, như xét về tổng tài sản, hiệu quả lao động, đất đai, tổng doanh thu… có thể sẽ khiến bức tranh tổng thể về doanh nghiệp Việt Nam bị biến dạng.

Lâu nay, các mô hình phái sinh thường lấy tổng tài sản, lợi nhuận… làm tham chiếu đo sức khỏe của doanh nghiệp. Thực tế Bảng xếp hạng Forbes cũng giao thoa các tiêu chí trên.

Vừa qua, sự kiện Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) là công ty Việt Nam đầu tiên và duy nhất lọt vào danh sách 200 doanh nghiệp tốt nhất tại châu Á – Thái Bình Dương của tạp chí Forbes Asia (Asia’s 200 Best Under A Billion) trong năm 2010, đã chứng tỏ sự trưởng thành của doanh nghiệp Việt Nam trên đường vươn ra biển lớn.

Ông Vinh khẳng định, nhiều doanh nghiệp khác ở Việt Nam chắc chắn sẽ lọt vào Bảng xếp hạng này nếu xét trên các tiêu chí lợi nhuận, tăng trưởng, số tiền nợ và triển vọng. Tuy nhiên, hạn chế hiện nay là dữ liệu doanh nghiệp tại Việt Nam chưa đầy đủ và rộng mở, riêng Vinamilk có lợi thế hơn nhờ đã niêm yết trên thị trường chứng khoán quốc tế.

Chính vì vậy, tham gia vào Bảng xếp hạng VNR500 chính là để các doanh nghiệp minh bạch thông tin, đặt một bước vào sân chơi chung toàn cầu. 4 năm triển khai xếp hạng, từ rụt rè, e ngại ban đầu, rất nhiều doanh nghiệp đã rất cởi mở và chủ động hơn trong việc công bố thông tin và hợp tác kiểm chứng dữ liệu. Chẳng hạn, năm nay, đã có gần 2.500 hồ sơ, tài liệu cũng như các báo cáo tài chính được doanh nghiệp được chủ động gửi về cho Ban tổ chức dùng làm tài liệu tham khảo.

Đây là dấu hiệu đáng mừng cho thấy môi trường kinh doanh tại Việt Nam đang tiến triển mạnh mẽ theo hướng minh bạch hoá phù hợp với thông lệ quốc tế. Điều đó cũng chứng tỏ tính lan tỏa, hiệu ứng xã hội của Bảng xếp hạng.