Trang chủ » Điểm nóng » Kinh tế Việt Nam cần xác định lợi thế mới

Kinh tế Việt Nam cần xác định lợi thế mới

Tác giả:

Ước mơ hoá rồng của Việt Nam bao giờ sẽ trở thành hiện thực khi kinh tế liên tục phải đối mặt với những khó khăn, từ cả nội tại và tác động bên ngoài? Năm mới 2012 này, đâu là hướng đi cho nền kinh tế Việt Nam? Chúng ta đang ở chặng nào trong quá trình đổi mới và công cuộc tái cấu trúc cần thực hiện ra sao?

Đón xuân mới Nhâm Thìn, phóng viên Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VEF.VN) – báo VietNamNet trò chuyện với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan xung quanh chủ đề này.

Tái cấu trúc: Cần mạnh mẽ và thực chất

– Thưa bà, xin cho biết hướng đi nào cho kinh tế Việt Nam năm 2012 – dự báo còn khó khăn hơn nhiều so với 2011 – khi dư địa chính sách còn ít khoảng trống?

Bà Phạm Chi Lan: Thực ra, năm 2011 công cụ chính Việt Nam sử dụng để ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát mới là Nghị quyết 11 với 6 nhóm giải pháp. Trong đó, chúng ta mới tập trung cao nhất vào nhóm chính sách tiền tệ. Mặc dù đạt được mục tiêu kiềm chế tăng trưởng tín dụng, nhưng hệ quả lại ảnh hưởng nặng nề khi hàng loạt DN khó tiếp cận vốn, thậm chí lâm vào tình cảnh tắc nghẽn hoạt động.

Bản thân Nghị quyết 11 cũng còn những giải pháp khác nhưng chưa được thực hiện đầy đủ, như chính sách tài khoá. Trên thực tế, chủ trương thắt chặt tài khoá chưa thực hiện được bao nhiêu bởi cuối năm, tại diễn đàn Quốc hội có đưa ra con số 81.000 tỷ đồng cắt giảm từ đầu tư và chi tiêu công, nhưng tỉ lệ cắt giảm như vậy là chưa cao và dường như chưa thực chất lắm vì không ít dự án cắt giảm là những dự án chưa được bố trí vốn. Mặt khác cũng trên nghị trường, thông tin cho thấy có hơn 300 dự án nằm ngoài kế hoạch vẫn được khởi công trong năm 2011, và hầu hết các địa phương đều không muốn các dự án của mình bị cắt giảm. Ngoài ra, còn những vấn đề khác như điều hành giá cả, đặc biệt là giá điện, giá xăng dầu còn không ít chuyện đáng bàn, hay yêu cầu về cải cách doanh nghiệp nhà nước, cải cách hệ thống ngân hàng thương mại đã đề ra nhưng năm 2011 hầu như chưa làm được gì.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan (ảnh Lê Anh Dũng)

Đến gần cuối năm 2011, Hội nghị TƯ 3 mới quyết định việc tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó tập trung vào 3 lĩnh vực: đầu tư công, hệ thống ngân hàng và các DNNN và tập đoàn kinh tế lớn. Chủ trương đó hoàn toàn đúng đắn và đó là việc vô cùng quan trọng, quyết định khả năng chúng ta có ra khỏi những tồn tại kéo dài và chuyển theo hướng phát triển bền vững được không.

Trong mấy năm qua, đã có nhiều nghiên cứu và khuyến nghị về thay đổi mô hình tăng trưởng, từ bỏ mô hình cũ – chạy theo tốc độ và bề rộng, dựa trên vốn đầu tư, tài nguyên và lao động giá rẻ và doanh nghiệp nhà nước – đi theo mô hình mới lấy phát triển bền vững làm mục tiêu, coi hiệu quả, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh là tiêu chí quyết định.

Thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng đó rất cần phải bắt đầu làm sớm, mạnh và thực chất ngay từ đầu năm 2012, không thể để kéo dài hay chậm trễ hơn được nữa. Chậm thay đổi mô hình tăng trưởng bao nhiêu, Việt Nam sẽ còn tổn thất và tụt hậu bấy nhiêu, sẽ còn phải đối phó với tình trạng lạm phát, bất ổn vĩ mô và kém hiệu quả, kém sức cạnh tranh, năng suất lao động thấp kéo dài. Như vậy sẽ rất khó đạt được những mong muốn, ước vọng về phát triển bền vững từ nay đến năm 2020.

Loại bỏ việc dựa dẫm “vía” Nhà nước

– Theo bà, đâu là những nguyên nhân, lực cản khiến quá trình tái cấu trúc ở Việt Nam diễn ra chậm trễ như vậy? Việc hợp nhất 3 ngân hàng vừa qua có được xem là bước đi đầu tiên trong tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam?

Như nhiều người đã nói, tái cấu trúc phải bắt đầu từ cái đầu, từ tư duy về con đường phát triển. Trước hết là cách nhìn nhận về vai trò của Nhà nước và thị trường. Chừng nào vai trò của nhà nước như người kiến tạo sự phát triển (như gần đây Thủ tướng đã khẳng định) còn chưa được hiểu và thực hiện thật đúng, mà vẫn muốn kinh tế Nhà nước đóng vai trò chủ đạo theo cách dồn hầu hết nguồn lực và hoạt động đầu tư vào khối này, vào các doanh nghiệp nhà nước và tập đoàn kinh tế nhà nước, thì rất khó tái cấu trúc.

Cũng rất cần cải cách thể chế, vì không ít thành tố của thể chế hiện hành hoặc còn phục vụ cho cơ chế đó, hoặc chưa đủ mạnh để tạo điều kiện cho phát triển theo hướng mới. Bên cạnh hay đằng sau tư duy và thể chế đó là các nhóm lợi ích đã quen hưởng lợi nhiều từ cơ chế này, không dễ chấp nhận thay đổi và chúng cũng đã trở nên quá mạnh, không dễ vượt qua.

Tái cấu trúc 3 lĩnh vực DNNN, đầu tư công và hệ thống ngân hàng có liên quan chặt chẽ với nhau và tác động lẫn nhau. Nếu không tái cấu trúc DNNN và đầu tư công thì hệ thống ngân hàng lại có thể tiếp tục cho vay những dự án kém hiệu quả, thiếu cẩn trọng khi đánh giá yêu cầu tín dụng và năng lực, trách nhiệm của người đi vay khi người đi vay là DNNN hoặc đơn vị đang thực hiện các dự án đầu tư công, và do vậy có nhà nước chống lưng cho. Dựa vào “vía” Nhà nước, ngân hàng thương mại sẽ ung dung với những khoản nợ xấu từ đầu tư công hoặc đầu tư của DNNN.

Trong thời gian qua DN có thể được chấp nhận ở thị trường trong nước và cạnh tranh được trên một số lĩnh vực xuất khẩu, nhưng hiện nay, bối cảnh cạnh tranh đã thay đổi mạnh mẽ và sâu sắc.

Còn chuyện hợp nhất 3 ngân hàng, không nên vội gắn nó với quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng chỉ mới được khởi xướng trong thời gian rất gần đây, còn đang phải chờ các đề án được phê chuẩn và thực hiện. Theo tôi hiểu thì tự thân 3 ngân hàng này đã có nhu cầu và ý định thay đổi từ vài năm nay, đã có giao dịch với nhau từ trước rồi, họ chỉ hoàn tất các thỏa thuận và công bố sự sáp nhập đó vào lúc này thôi.

Trong khi đó, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đòi hỏi trước hết phải rà soát và đánh giá lại toàn bộ hệ thống ngân hàng, làm rõ cấu trúc, hoạt động và các vấn đề của chúng, phân loại để xử lý những vấn đề đó. Tái cấu trúc ngân hàng không phải chỉ là dọn dẹp để giảm bớt số NHTM đi hoặc sáp nhập số hiện có lại để hình thành những NHTM có quy mô to hơn, bởi to hơn chắc gì đã mạnh hơn. Điều quan trọng hơn nhiều là phải buộc các NH phải tuân thủ các nguyên tắc thị trường, áp dụng hệ thống quản trị tiên tiến theo những chuẩn mực đã được áp dụng rộng rãi ở các nước và tuân thủ luật pháp, đặc biệt về minh bạch, trách nhiệm giải trình, quản trị hệ thống, quản lý rủi ro, trách nhiệm đối với đông đảo cổ đông và người gửi tiền. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải làm một cách hết sức căn cơ, kể cả sửa các luật và qui định liên quan và thiết lập hệ thống giám sát hữu hiệu cả quá trình tái cấu trúc và sau tái cấu trúc.

Xác định lợi thế cạnh tranh mới

– Trước đó bà có nói về tái cấu trúc nền kinh tế, giờ xin hỏi bà về tái cấu trúc DN nói chung. 2012 được dự báo một năm mới cũng đầy thử thách, các DN sẽ phải tái cấu trúc mình như thế nào để ứng phó và vươn lên?

Theo tôi, tái cấu trúc DN, cũng như tái cấu trúc nền kinh tế và các ngành nói chung đều  phải xuất phát từ quan điểm: đó là quy luật của vòng đời hoạt động.

Trong một thế giới thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ, khi nền kinh tế phát triển đến ngưỡng nhất định thì không thể dựa vào những lợi thế so sánh cũ để tiếp tục đi lên, mà cần tạo lập và phát triển những lợi thế mới. Nước ta bây giờ ra khỏi ngưỡng nghèo, bước vào ngưỡng thu nhập trung bình thấp, buộc phải tính đến những nhân tố cạnh tranh mới  để từ một nền kinh tế trung bình thấp có thể vươn lên mức trung bình cao hơn. Đấy là quy luật tất yếu.

Mặt khác, mô hình tăng trưởng của ta trong thời gian qua có rất nhiều điều bất ổn, nên tuy có giúp nền kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng nhất định, nhưng đồng thời cũng gây ra những tác động tiêu cực, nếu không thay đổi thì khó có thể phát triển lên được nữa. Do vậy, nếu không có những sóng gió nặng nề mấy năm qua thì vẫn phải tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam chứ không thể hài lòng với những thành công của quá khứ được.

Đối với DN cũng vậy. Trong thời gian qua DN có thể được chấp nhận ở thị trường trong nước và cạnh tranh được trên một số lĩnh vực xuất khẩu, nhưng hiện nay, bối cảnh cạnh tranh đã thay đổi mạnh mẽ và sâu sắc.

Hầu hết DN Việt Nam thời gian qua cạnh tranh chủ yếu bằng giá thấp nhờ nhân công rẻ, tài nguyên trong nước có thể khai thác hoặc được sử dụng với chi phí không cao, chọn mảng thị trường hoặc cách tham gia thị trường không quá nặng gánh đối với họ (như làm gia công, bán sản phẩm thô hoặc sơ chế, ký hợp đồng ngắn hạn…), và chấp nhận lợi nhuận thấp. Hệ quả của cách làm đó là tuy có thể tồn tại và cạnh tranh được trong thời gian qua, nhưng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam rất thấp so với các nước trong khu vực, hầu hết các DN không tham gia được vào chuỗi cung ứng của khu vực và toàn cầu, khó phát triển lên quy mô hoặc trình độ cao hơn và khó giữ vị trí của mình trên thương trường.

Trong bối cảnh thị trường thế giới đang thay đổi mạnh mẽ và trong nước đang có những chuyển động, rõ ràng tất cả các yếu tố đã từng tạo nên thành công của DN Việt Nam trong thời gian qua sẽ không thể đảm bảo cho thành công của họ trong tương lai nữa. Các DN phải tự xác định lại vị trí nào mình muốn đứng trên thị trường, và từ sự tái định vị đó mà xem lại lợi thế cạnh tranh của mình trong giai đoạn tới có thể và cần phải ở đâu.

Những việc tối cần thiết như nâng cao năng suất lao động, cải thiện sản phẩm và cách thức kinh doanh cho phù hợp với đòi hỏi của thị trường mục tiêu, nâng cao năng lực quản trị… mọi DN không thể không làm. Thói quen kinh doanh chưa thiết lập mối liên kết với các DN khác, các bạn hàng để tạo thành mạng lưới vững chắc cũng cần phải thay đổi, bởi thế giới toàn cầu hoá là thế giới cạnh tranh nhưng cũng là một thế giới kết nối và phụ thuộc lẫn nhau.

Và cũng rất mong các DN có thể nhìn xa hơn, nghĩ đến việc chuyển hướng đầu tư, đi vào những lĩnh vực mới sáng tạo hơn, khác biệt hơn, áp dụng mô hình tổ chức DN và phương thức kinh doanh hiện đại hơn, kể cả tìm kiếm đối tác chiến lược để sáp nhập, tạo quy mô kinh tế và hiệu quả hơn hoặc xông mạnh ra các thị trường ngoài… Những việc này chắc chắn có nhiều thách thức nhưng cũng có thể đem lại cơ hội phát triển bứt phá như một số ít doanh nghiệp và rất DN nhiều nước khác đã và đang làm.

Trên thế giới, trước các cuộc khủng hoảng tài chính, năng lượng, lương thực và môi trường, mọi nước đều xem xét, điều chỉnh lại cơ cấu lại nền kinh tế của mình, đồng thời cũng quay lại bảo hộ nhiều hơn cho các ngành trong nước. Bao thách thức đang đe dọa ngay cả các trung tâm kinh tế trên toàn cầu như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, nên thị trường thế giới còn nhiều nhân tố bất ổn, hoạt động xuất khẩu và thu hút đầu tư sẽ có nhiều trở ngại. Mặt khác, những yêu cầu mới như “xanh” hơn – thân thiện với môi trường hơn, tiết kiệm tài nguyên hơn, minh bạch hơn, bảo đảm lợi ích xã hội hơn… đã trở nên ngày càng  phổ biến, các DN không theo không được.

Riêng ở Việt Nam, liên tục trong 4 năm từ 2008 đến nay nền kinh tế rơi vào tình trạng lạm phát cao và bất ổn về vĩ mô, các DN bị ảnh hưởng nặng nề. Hàng vạn DN đã phải đóng cửa, số lớn các DN nhỏ và vừa khác cũng khốn đốn. Ngay 500 DN lớn nhất Việt Nam theo Bảng xếp hạng VNR500, nhất là các DN khu vực tư nhân, cũng giảm lợi nhuận đáng kể. Năm 2012 nhà nước tuyên bố sẽ tập trung chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời sẽ khởi động tái cấu trúc nền kinh tế, nhưng có thể hình dung tình hình còn nhiều khó khăn. Thị trường trong nước, thị trường chính của số lớn DN nhỏ và vừa cũng không dễ sớm khôi phục từ tình trạng ảm đạm trong năm 2011.

Năm 2012 cũng đánh dấu 5 năm nước ta gia nhập WTO, tiếp tục thực hiện các cam kết với tổ chức này, đồng thời tăng tốc giảm thuế đối với hàng hoá từ các nước mà ta có hiệp định mậu dịch tự do FTA đa phương hoặc song phương với họ. Không lâu nữa, đến năm 2015 qúa trình thực hiện một loạt các cam kết tự do hóa trong nội bộ ASEAN và giữa ASEAN với Trung Quốc sẽ hoàn tất, lúc đó về cơ bản thuế cho hàng hoá ASEAN vào Việt Nam chỉ còn 0%, cho phần lớn hàng Trung Quốc còn 0-5%. Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái bình dương TPP mà ta tham gia đàm phán nếu kết thúc thành công cũng có thể đem lại không ít cơ hội và thách thức mới cho DN Việt Nam.

Vậy DN có thể tồn tại được không hoặc sẽ tồn tại như thế nào trong bối cảnh đó? Riêng về góc độ này đã buộc họ phải xem xét lại mình, phải điều chỉnh chiến lược cạnh tranh và xác định lợi thế cạnh tranh mới cần xây dựng.

(Còn tiếp)