Trang chủ » Điểm nóng » DNNN không có vai trò điều tiết nền kinh tế

DNNN không có vai trò điều tiết nền kinh tế

Tác giả:

DNNN còn gây sốc cho nền kinh tế

Bản kiến nghị của Uỷ ban Kinh tế QH, được đúc kết từ Diễn đàn Kinh tế mùa xuân, tổ chức hồi tháng 4 tại Đà Nẵng, lập luận, về mặt lý thuyết, công cụ điều tiết vĩ mô và bình ổn kinh tế thị trường là chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá và chính sách cơ cấu. DNNN chỉ là một tác nhân thị trường như các DN khác, chịu tác động chứ không phải là một bộ phận của kinh tế vĩ mô.

Ngoài ra, cơ quan này cho rằng, cái giá của việc sử dụng DNNN làm công cụ bình ổn giá là rất lớn. Có 2 nguyên nhân lý giải điều này:

Thứ nhất, DNNN chiếm vị trí độc quyền hoặc gần như độc quyền ở nhiều lĩnh vực, không chịu áp lực cạnh tranh và do vậy kém hiệu quả. Do vậy, thay vì điều tiết, bình ổn kinh tế vĩ mô, đây lại là một trong những nguyên nhân dẫn tới kinh tế vĩ mô bất ổn.

Thứ hai, sử dụng DNNN làm công cụ ổn định giá làm cho giá thị trường của các sản phẩm liên quan bị bóp méo, khiến việc phân bổ và sử dụng nguồn lực trở nên bất hợp lý và kém hiệu quả. Chưa kể, giá cả sau một thời gian bị “dồn nén” dẫn đến thua lỗ hay buộc phải trợ cấp, đến lúc không kìm được nữa thì chực chờ bung ra, tạo cú sốc và gây xáo trộn lớn cho nền kinh tế.

Vì thế, Ủy ban Kinh tế QH đề xuất, cần kiên định với nguyên tắc “Nhà nước chỉ làm những gì mà khu vực tư nhân không muốn làm hoặc không thể làm khi đã được tạo điều kiện và hỗ trợ từ phía Nhà nước”. Không sử dụng DNNN làm công cụ để Nhà nước định hướng, điều tiết vĩ mô nền kinh tế hay lo giải quyết các vấn đề công ích, sử dụng DNNN để làm đòn bẩy để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua hình thức ‘bơm’ vốn đầu tư lớn, song sử dụng kém hiệu quả.

Nhiều DNNN làm ăn thua lỗ, gây thoát lớn nguồn vốn của Nhà nước

Ba đề xuất

Chính vì thế, trong bản kiến nghị gửi các đại biểu QH, Ủy ban Kinh tế dành hẳn một chương để đề xuất các giải pháp riêng về DNNN.

Cụ thể, trong khi thực hiện đề án tái cơ cấu DNNN, cần xác định rõ, chặt chẽ các căn cứ, tiêu chí về thành lập, duy trì và hoạt động của các DNNN, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế nhà nước; không cho phép đầu tư ra ngoài những lĩnh vực ngoài ngành; thực hiện quản trị doanh nghiệp hiện đại, công khai minh bạch và chịu trách nhiệm giải trình.

Hàng năm có khoảng 12% doanh nghiệp nhà nước bị thua lỗ trong sản xuất kinh doanh, trong khi khu vực doanh nghiệp nói chung là 25%. Tuy nhiên, mức lỗ bình quân của một doanh nghiệp nhà nước lại cao hơn 12 lần so với các doanh nghiệp khu vực khác. Chỉ tiêu hệ số thu nhập trên tài sản và hệ số thu nhập vốn cổ phần của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là 20,8%, thấp hơn nhiều so với khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài. Quy mô vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là 70.778 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu chỉ đạt khoảng 13,1%, thấp hơn nhiều so với lãi suất vay ngân hàng thương mại.

Đặc biệt, có đến 80% tổng số lợi nhuận trước thuế đến từ 4 tập đoàn: dầu khí, viễn thông quân đội, bưu chính viễn thông và cao su, nghĩa là ở các tập đoàn, tổng công ty còn lại, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu còn thấp hơn nữa.

Ủy ban Kinh tế bày tỏ sự lo ngại trước việc đầu tư ồ ạt ra ngoài ngành của các DNNN. Ngoài việc thua lỗ do tác động từ thị trường, việc này còn dẫn đến tình trạng sở hữu chéo giữa doanh nghiệp – doanh nghiệp, doanh nghiệp – ngân hàng, và ngân hàng – doanh nghiệp, làm tăng sự lệ thuộc lẫn nhau mang tính tiêu cực, tạo nên những mối quan hệ sở hữu hết sức phức tạp trong nền kinh tế, khiến Nhà nước khó có sự can thiệp mạnh tay.

Để giải quyết những tồn tại nêu trên, Ủy ban Kinh tế của QH nhấn mạnh cần hoàn thiện khung pháp luật và tiêu chí cho việc hình thành, tổ chức và hoạt động của các tập đoàn kinh tế; việc thành lập và duy trì các DNNN cần đảm bảo những tiêu chí rõ ràng, minh bạch. Chỉ những DNNN nằm trong tiêu chí “4 có, 3 không” thì được duy trì và phát triển.

“4 có” bao gồm: “doanh nghiệp phục vụ quốc phòng, an ninh; lĩnh vực tạo ra hàng hóa cực kỳ thiết yếu cho nền kinh tế (giao thông, cảng biển, sân bay, an ninh năng lượng) đầu tư tốn kém, thu hồi chậm; các ngành áp dụng công nghệ mới nhiều rủi ro; và những ngành đặc thù như chất độc, thuốc lá, rượu..v.v.. mang tính độc quyền tự nhiên”; và 3 không là: “không đầu tư vào những ngành vì lợi nhuận đơn thuần; không đầu tư vào những ngành vì địa tô đơn thuần; và không đầu tư tạo ra doanh nghiệp cạnh tranh không bình đẳng với các thành phần kinh tế khác cùng ngành, cùng lĩnh vực”.

Ngoài ra, cần làm rõ vai trò và chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước và chức năng quản lý nhà nước tại các DNNN là điều kiện cơ bản cho tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp nhà nước.

Cuối cùng, cần đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác cổ phần hóa DNNN, công việc mà 20 năm qua đã thực hiện rất chậm trễ.