Trang chủ » Kinh tế 24h » Du lịch ‘rùng mình’ khi giá vé máy bay tăng

Du lịch ‘rùng mình’ khi giá vé máy bay tăng

Tác giả:

Chẳng lẽ bỏ khách

Việc đột ngột tăng giá vé thăm quan một số danh thắng như Hạ Long, Sapa và sắp tới là chùa Hương, Văn Miếu đang khiến các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành du lịch đau đầu. Việc có nhiều tour được đặt trước vốn đang là thế mạnh của họ nay bỗng hóa thiệt hại. Việc điều chỉnh giá tour ngay trong mùa du lịch cũng khiến doanh nghiệp khó ăn nói với đối tác lâu năm.

Mức tăng giá vé danh thắng tại Hạ Long lên tới 100% so với mức giá cũ. Giá một số lộ trình hiện tại cũng khá cao. Cụ thể: Lộ trình Thiên Cung-Ðầu Gỗ-hòn Chó Ðá-làng chài Ba Hang-hòn Ðỉnh Hương-hòn Trống Mái-làng chài Hoa Cương giá vé là 80,000 đồng/người; hang Sửng Sốt-Titốp (hoặc Soi Sim)-động Mê Cung-hồ Ðộng Tiên có giá vé là 90,000 đồng/người; hang Sửng Sốt-Titốp (hoặc Soi Sim)-động Mê Cung-hồ Ðộng Tiên-điểm nghỉ đêm giá vé 130,000 đồng.

Ðặc biệt, nếu du khách muốn đi tham quan thêm một hoặc một số điểm của lộ trình khác thì bắt buộc phải mua vé của cả lộ trình đó, thay cho việc thăm điểm nào thì mua vé vào điểm đó như trước đây. Ðó là còn chưa tính tiền thuê tàu ra vịnh.

“Việc tăng giá thăm danh thắng, vé máy bay, vé cầu phà, giá xăng dầu vốn không có gì lạ. Tuy nhiên, việc tăng đột ngột lại vào đúng mùa tour khiến chúng tôi trở tay không kịp”, ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty du lịch Biển Ngọc bức xúc.

Theo ông Anh, vào mùa du lịch, trên 50%  khách của Biển Ngọc là khách nước ngoài đã đặt tour trước cả tháng, thậm chí nửa năm. Trong vòng một tuần, ông Anh vừa nhận được thông tin vịnh Hạ Long tăng gấp đôi giá vé và vé thắng cảnh Sapa cũng tăng 15%. “Việc điều chỉnh giá vé chỉ có thể làm với khách hàng không thường xuyên và không đặt trước. Tuy nhiên, chúng tôi rất khó để có thể điều chỉnh giá tour ngay lập tức bởi thường các hãng lữ hành phải “nhìn nhau” để điều chỉnh giá. Điều này đồng nghĩ với việc chúng tôi đang bấm bụng chịu thiệt”, ông Quốc Anh cho biết.

Chấp nhận chịu bù chi phí cho khách cũng là tình trạng của công ty du lịch Asiana Travel Mate Co. Ltd.  Anh Nguyễn Viết Linh, nhân viên điều hành của công ty cho biết: “Bảng giá của chúng tôi đã được ấn định và gửi cho tất cả các đối tác trong và ngoài nước. Hiện tại đang là dịp phục vụ khách cao điểm trong năm của chúng tôi nên không thể ngồi lại và điều chỉnh giá được. Việc các danh thắng tăng giá vé, không có thông báo trước khiến doanh nghiệp trở tay không kịp. Với khách trong nước, họ hạn chế đi các tour có tăng giá. Với khách nước ngoài thường họ đã đặt tour rồi nên chỉ còn cách chịu thiệt và phục vụ để giữ đối tác”.

 

Bà Hương Giang, công ty du lịch Văn Hóa chỉ ra điều bất cập: “Giá tăng nhưng chất lượng vẫn thế. Không có gì để thuyết phục khách hàng cả, thậm chí ban quản lý các danh thắng còn đưa ra nhiều quy định về gói vé thăm cả lộ trình thay cho từng điểm gần như “ép” khách khiến chúng tôi rất khó ăn khó nói. Chúng tôi cũng không được thông báo gì về việc tăng giá của các danh thắng này từ ban quản lý danh thắng hay cơ quan quản lý nào”.

Vé máy bay dậm dịch tăng, vé danh thắng đã và đang tăng bất ngờ khiến doanh nghiệp lữ hành trở tay không kịp. Người dân đang thu xếp đi du lịch dịp lễ noel và tết dương lịch cũng đắn đo tính toán lại lịch trình.

Thiệt hại khó tính hết

Theo ông Quốc Anh, dịch vụ du lịch của Việt Nam so với khu vực không có gì nổi trội song giá vé lại cao hơn.

Ông lấy ví dụ cụ thể: “Một tour du lịch đến Thái Lan 5 ngày 4 đêm cả vé máy bay l265USD, trong khi đó đến Việt Nam là trên 300USD. Nếu không tính vé máy bay, du khách tận hưởng Thái Lan chỉ mất chưa đầy 100USD cho chuyến du lịch này và ở khách sạn 3 đến 4 sao. Điều đó không thể có ở Việt Nam. Các nước Malaysia hay Singapo cũng vậy”.

Với công ty của ông, khách hàng chủ yếu là khách nước ngoài nên ông thấy rõ, việc tăng giá vé mà không đi kèm dịch vụ được cải thiện sẽ khiến cả ngành du lịch thiệt hại do khách sẽ lựa chọn thị trường khác.

“Việc tăng giá cần phải có lộ trình. Đối tác của chúng tôi thường thông báo việc điều chỉnh của họ trước từ 2 đến 4 tháng. Lý do của việc điều chỉnh cũng hết sức hợp lý và rõ ràng. Như Thái Lan, sau khi lũ lụt, đối tác của chúng tôi ở Thái Lan thông báo sẽ giảm giá tour để thu hút khách nhằm khắc phục thiệt hại thời gian qua. Đó là những điều chỉnh hết sức khôn ngoan”, ông Linh cho biết.

Theo đại diện các công ty lữ hành, giá tour hiện tại được các doanh nghiệp tính toán hết sức chặt chẽ và sát do sự cạnh tranh giữa các hãng, công ty du lịch. Vì vậy, việc tăng giá vé gấp đôi của vịnh Hạ Long và tới đây là Văn Miếu, Chùa Hương sẽ khiến doanh nghiệp thiệt hại đáng kể.

“Mỗi lần điều chỉnh giá theo chiều hướng tăng, chúng tôi gần như ngay lập tức thấy được sự sụt giảm của lượng khách. Khách quốc tế thì cân nhắc một thị trường khác còn khách trong nước thì sẵn sàng thay đổi lịch trình hoặc hủy tour. Việc điều chình giá ngay lập tức còn khiến khách du lịch mất niềm tin vào thị trường du lịch của ta”, bà Giang khẳng định.

Các công ty du lịch đều có câu trả lời: chưa thể điều chỉnh giá tour ngay, đặc biệt là với khách hàng đến từ đối tác ngoài nước và khách hàng quen thuộc trong nước. Chỉ có thể tăng giá với khách đi lẻ và không hợp đồng trước. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp kinh doanh du lịch chịu thiệt và ngành du lịch bộc lộ rõ sự thiếu chuyên nghiệp, ăn đong.

Tăng giá dịch vụ là một điều doanh nghiệp đã sẵn sàng đón đợi song nó phải được tiến hành bài bản, có lộ trình và song song với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, cảnh quan.

Ông Quốc Anh bày tỏ lo lắng, các công ty du lịch mới và chưa có khách hàng lâu năm nhiều sẽ đồng loạt điều chỉnh giá tour và tạo nên một sự hỗn loạn của thị trường du lịch trong nước. Hình ảnh của Việt Nam và đặc biệt là vịnh Hạ Long cũng vì thế mà ảnh hưởng không nhỏ.