Trang chủ » Kinh tế 24h » Khẩn cấp hạ lãi suất cho vay

Khẩn cấp hạ lãi suất cho vay

Tác giả:

“Với lãi suất vay vốn trên 20%/năm, lợi nhuận chúng tôi có được chỉ đủ để trả lãi cho ngân hàng (NH)” – giám đốc một doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai bức xúc nói khi kỳ vọng lãi suất cho vay của NH sẽ giảm mạnh bất thành sau nhiều tháng lãi suất đầu vào đồng loạt giảm.

Hệ quả khó lường

Theo thông lệ quốc tế, lãi suất cho vay thường chỉ cao hơn lãi suất huy động vốn từ 2%-2,5% là NH đã có lời. Thế nhưng, tại Việt Nam, các NH đồng loạt huy động vốn với lãi suất 14%/năm từ nhiều tháng nay nhưng lãi suất cho vay phổ biến vẫn ở mức 20%/năm trở lên, cao hơn lãi suất đầu vào 6%. Đây chính là một nghịch lý của thị trường lãi suất nhưng tại sao các NH vẫn “neo” lãi suất cho vay quá cao?

Theo lãnh đạo một số NH: Các tháng cuối năm là thời điểm khách hàng cá nhân, tổ chức, DN cần tiền để kinh doanh hoặc trả lương, thưởng cho người lao động nên không ít NH hạn chế nhu cầu vay bằng cách giữ lãi suất ở mức cao nhằm tập trung vốn đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng.

Nhiều NH lớn cũng kiểm soát chặt tín dụng, duy trì lãi suất cho vay ở mức cao đối với DN không thuộc diện ưu tiên. Các NH lớn chuyển hướng cho NH bạn vay vốn (thị trường liên NH) với lãi suất cao. Ngoài ra, nhiều NH chưa giảm mạnh lãi suất cho vay còn do đang “nghe ngóng” chính sách mới về lãi suất, nhất là khi thị trường đang bàn tán thông tin 4 NH lớn sẽ đồng thuận trần lãi suất cho vay không quá 18%/năm…

Trong bối cảnh đó, để duy trì hoạt động, DN không thể không vay vốn lưu động (vốn vay ngắn hạn để mua nguyên liệu sản xuất, hàng hóa kinh doanh), chấp nhận chịu đựng lãi suất cao.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Đầu ra của DN đang gặp khó khăn bởi thị trường hàng hóa ế ẩm, hàng tồn kho tăng, trong khi lãi suất vay vốn quá cao khiến hàng ngàn đơn vị từng ngày đối mặt với nguy cơ phá sản. Do đó, việc giảm lãi suất cho vay đã trở nên cấp thiết nhằm bảo vệ an toàn hoạt động cho DN đồng nghĩa an toàn cho hệ thống NH.

Cần phương án điều tiết vốn

Mới đây, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành NH năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo giảm lãi suất cho vay là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống NH.

Thực tế vào thời điểm tháng 9-2011 (thời điểm áp dụng trần lãi suất đầu vào 14%/năm), các NH đưa ra lý do giá vốn đầu vào loại kỳ hạn 1 – 3 tháng quá cao nên phải cần thời gian vài tháng mới có thể giảm lãi suất cho vay về mức 17% – 19%/năm. Thế nhưng, từ đó đến nay, lãi suất đầu vào không thay đổi (14%/năm) nhưng lãi suất cho vay phổ biến vẫn từ 20%/năm trở lên, đang tạo ra lợi thế kinh doanh rất lớn cho các NH.

Nhiều ý kiến cho rằng vấn đề cốt lõi của thị trường lãi suất là tình trạng lộn xộn trên thị trường liên NH. Một số NH nhỏ thường xuyên thiếu vốn buộc phải vay vốn NH bạn với lãi suất cao hơn lãi suất NH bạn cho các DN khác vay. Từ đó, nhiều NH không mặn mà hạ lãi suất cho vay. Do đó, NH Nhà nước cần sớm có phương án điều tiết vốn cho thị trường này. Khi thị trường liên NH bình ổn, nhu cầu vay vốn NH bạn sẽ giảm mạnh, các NH lớn sẽ dư thừa vốn buộc phải giảm lãi suất cho vay để tìm đầu ra, kéo mặt bằng lãi suất cho vay toàn thị trường đi xuống.

TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, cho rằng để đưa vốn từ chỗ thừa đến chỗ thiếu, NH Nhà nước cần thể hiện vai trò môi giới tiền tệ, có thể tăng dự trữ đối với NH lớn rồi dùng số tiền đó cho NH nhỏ vay trong thời hạn 1 năm.

Không có lý do “neo” lãi suất

Theo ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa Tài chính – NH Trường ĐH Mở TPHCM, tại thời điểm này, giá vốn của NH không còn cao nên không có lý do gì để các NH không giảm thêm lãi suất cho vay 1% – 2%, tạo tiền đề cho NH Nhà nước hạ thêm trần lãi suất đầu vào, từ đó lãi suất cho vay sẽ giảm theo. Tuy nhiên, trần lãi suất đầu vào chỉ có thể đi xuống khi chỉ số giá tiêu dùng của các tháng đầu năm 2012 phải dưới 1%.

(Theo NLĐ)